Nga quá xem nhẹ Thổ Nhĩ Kỳ khi chỉ tăng cường Su-27SM tới Syria?

Bạch Dương |

Theo thông tin mới nhất từ Bộ quốc phòng Nga, các chiến đấu cơ Su-27SM sẽ được điều động tới Syria để sát cánh cùng Su-30SM trong nhiệm vụ tiêm kích phòng không.

Đối đầu Su-30SM - F-16 Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội giành chiến thắng?

Như đã từng đề cập, do vẫn ở thế yếu vì bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ áp đảo hoàn toàn về số lượng cho nên Nga rất cần yếu tố chất lượng để bù đắp, nhất là khi tiêm kích Su-30SM vẫn chưa chứng minh được sự vượt trội so với F-16 Block 50 Plus của đối phương.

Đã có nhận định rằng Nga sẽ sớm điều động Su-35S tới Syria để phần nào lấp đầy khoảng trống này, tuy nhiên theo thông báo mới nhất từ các quan chức quân sự Nga thì họ chỉ tăng cường Su-27SM tới căn cứ không quân Latakia. Quyết định trên liệu có hợp lý?


Tiêm kích Su-27SM3 của Không quân Nga

Tiêm kích Su-27SM3 của Không quân Nga

Su-27SM là biến thể nâng cấp sâu từ phiên bản sản xuất hàng loạt Su-27S với nhiều công nghệ mới được áp dụng trên máy bay chiến đấu thế hệ 4+. Nga tự tin tuyên bố mặc dù bề ngoài không có gì thay đổi nhưng khả năng không chiến của Su-27SM đã gần bằng Su-35S.

Mặc dù vậy theo đánh giá của một số chuyên gia quân sự thì người Nga có vẻ đã hơi lạc quan thái quá. Đúng là Su-27SM đã tiệm cận với Su-35S, nhưng cái "gần" này vẫn chưa thể giúp nó sánh ngang được với Su-30SM chứ chưa nói đến Su-35S, kể cả khi đó là Su-27SM3.

Cụ thể, khi xét về năng lực không chiến ngoài tầm nhìn, Su-27SM3 được trang bị radar mảng pha quét thụ động N001VE-Pero, đây là loại nâng cấp dựa trên N001VEP lắp đặt trên các máy bay Su-30MK2.

Radar N001VE-Pero có thể điều khiển tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu trên không hoặc 4 mục tiêu mặt đất, tầm phát hiện máy bay cỡ lớn được tăng lên 190 km so với 150 km của N001VEP.

Dễ dàng nhận thấy các thông số trên của N001VE-Pero còn thua xa N011M BARS của Su-30SM (tầm trinh sát tối đa 400 km) và không có ưu thế trước AN/APG-68(V5) của F-16 Block 50 Plus (296 km đối với máy bay cỡ lớn và khoảng 85 km đối với tiêm kích hạng nhẹ).

Do là một tiêm kích hạng nặng có diện tích phản xạ radar rất lớn, nên nhiều khả năng Su-27SM3 còn bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ thấy trước và bắn trước.


Tiêm kích F-16D Block 50 Plus của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ

Tiêm kích F-16D Block 50 Plus của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ

Còn xét ở năng lực không chiến quần vòng cự ly gần (dogfight), động cơ của Su-27SM3 là loại AL-31FM1 có lực đẩy 135 kN (so với 123 kN của AL-31F) cùng hệ thống điểu khiển bay tiên tiến giúp nó đạt tốc độ cao hơn Su-30SM và tầm hoạt động tăng lên tới 4.000 km.

Nhưng trong các trận dogfight thì độ cơ động trong không gian hẹp mới là yếu tố quyết định chiến thắng, Su-27SM3 lại không được đánh giá cao bằng Su-30SM trang bị cánh mũi cùng động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều AL-31FP.

Trong khi đó F-16 là một chiếc tiêm kích nhẹ nổi tiếng về độ linh hoạt, có thể bất ngờ xuất hiện từ các đường băng sân bay dã chiến được địa hình bao bọc để tung ra đòn tập kích đầy bất ngờ vào đối phương.

Nhìn lại vụ Su-24 bị bắn rơi, Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev xác nhận rằng F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đã được sở chỉ huy mặt đất hướng dẫn đường bay nhằm qua mặt hệ thống radar trinh sát của Nga.

Với lợi thế "sân nhà" và có được yếu tố bất ngờ, nếu thực hiện lại chiến thuật đột kích như đã từng làm thì phần thắng cao hơn sẽ nghiêng về F-16 chứ không phải Su-27SM.

Có thể việc Nga chỉ điều động Su-27SM tới Syria mà không phải Su-35S là do họ rất tự tin hệ thống phòng không S-400 đã đủ để tạo ra "vùng cấm bay".

Nhưng xem nhẹ đối phương chưa bao giờ được coi là việc làm khôn ngoan và luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới những thất bại vô cùng cay đắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại