Có S-400, Nga - Syria vẫn đau đầu chống tập kích đường không Israel

Thiên Nam |

Các hệ thống phòng không dù tối tân đến mấy vẫn khó chống được đòn tập kích đường không. Vậy việc phòng, chống hình thái tác chiến này như thế nào?

Những thách thức của hình thái tác chiến tập kích đường không

Hiện nay Nga - Iran - Syria đang hợp tác rất chặt chẽ với lực lượng Hezbollah của Lebanon để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.

Chắc chắn là Moscow cũng đã cung cấp nhiều vũ khí trang bị cho lực lượng này, bởi đó là lực lượng quan trọng hỗ trợ mặt đất cho quân đội Syria.

Ngày 26-11 vừa qua, Nga đã hoàn tất triển khai các hệ thống phòng không S-400 ở sân bay Hmeymim ở tỉnh Latakia của Syria và rất có thể trong thời gian tới Moscow cũng triển khai nó ở Damascus để phong tỏa hoàn toàn không phận Syria.

Tuy nhiên, những đoàn xe chở vũ khí trên đất Syria vẫn đứng trước nguy cơ rất cao phải hứng chịu những cuộc tập kích đường không của Israel, bởi Tel Avip sẽ không cho phép lực lượng Hezbollah có thể sở hữu những vũ khí có độ sát thương cao, nguy hại cho nước này.

Gần đây nhất là vào sáng 11-11, không quân Israel đã bất ngờ thực hiện không kích vào các đoàn xe vận tải chở vũ khí cho các tay súng của Hezbollah, hay hồi cuối tháng 10, không quân Israel cũng ném bom vào các điểm đóng quân của quân đội Syria trên cao nguyên Golan.

Sự hiện diện của S-400 ở Damascus cũng không thể là lá chắn hữu hiệu chống lại các cuộc tập kích đường không của Israel, bởi đây là một hình thức tác chiến đặc thù, trong đó, yếu tố chiến thuật đóng vai trò hàng đầu chứ không phải là các yếu tố kỹ thuật và vũ khí trang bị.


Các hệ thống phòng không tối tân như S-400 không hẳn đã là thuốc thần chống tập kích đường không

Các hệ thống phòng không tối tân như S-400 không hẳn đã là "thuốc thần" chống tập kích đường không

Ngay cả những chiến dịch không kích rất lớn như trận không kích Trân Châu Cảng hay vụ tập kích Bari, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng sẽ thành công.

Ngược lại, vũ khí trang bị có hiện đại đến đâu cũng rất khó đáp trả các vụ tập kích đường không, nếu không có phương án đối phó trước.

Thực chất, tập kích đường không là một loại hình tác chiến rất khó đối phó, vì nó là sự chủ động tấn công của kẻ địch với kế hoạch xây dựng trước, đẩy đối thủ vào thế bị động.

Hoạt động này diễn ra rất bí mật, bất ngờ với quy mô sử dụng lực lượng nhỏ, nên khó phát hiện và đối phó hơn so với không kích ồ ạt, trên diện rộng.

Bên tập kích thường sử dụng phương pháp nghi binh trên đường bay, khi đến mục tiêu thì đánh nhanh, rút nhanh nên thời gian tác chiến có khi chỉ diễn ra trong vòng một đến vài phút, nếu không có sự chuẩn bị từ trước thì đối tượng bị tập kích không thể trở tay kịp.

Trong hình thái tác chiến này, vấn đề quan trọng là sự chuẩn bị, chiến thuật tác chiến và khai thác tối đa điểm mạnh, yếu trong trang bị của cả ta lẫn địch.

Đối phó với chiến thuật chống tập kích đường không, quan điểm cho rằng phải sở hữu những hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa hiện đại là vô cùng sai lầm.


Bản đồ Sudan và thủ đô Khartoum - địa điểm bị Israel không kích

Bản đồ Sudan và thủ đô Khartoum - địa điểm bị Israel không kích

Đối phó với hình thái tác chiến này là sự tổng hòa các yếu tố chiến thuật, kỹ thuật và quan trọng nhất là phải có kế hoạch đối phó, luôn sẵn sàng chiến đâu, không được chủ quan lơ là.

Chống tập kích đường không như thế nào?

Điểm quan trọng hàng đầu là xác định mục tiêu và thời cơ tập kích của địch

Vấn đề cần thiết nhất đối với tất cả các nước trong chống tập kích đường không là phải xác định được mục tiêu và thời điểm tập kích của đối phương.

Bởi vì địch cũng chỉ nhằm vào những mục tiêu thực sự cần thiết, vì tập kích trên lãnh thổ của nước khác là một hành động hết sức mạo hiểm.

Có xác định được mục tiêu không kích thì mới xác định được khoảng thời gian bị tập kích, để tiến hành các biện pháp trinh sát phát hiện và đánh trả hiệu quả.

Nếu không xác định được mục tiêu thì rất khó, vì không thể lúc nào cũng tiến hành các biện pháp đề phòng địch tập kích trên toàn lãnh thổ.

Thường thì các mục tiêu này là những mục tiêu cơ động hoặc mang tính chất biến động (có thể gồm cả các căn cứ quân sự cố định) mà sự cơ động hay biến động của nó có ảnh hưởng lớn đến cục diện tình hình, phá hủy được nó sẽ vãn hồi được cục diện.

Ví dụ như trong vụ tập kích cảng Bari của không quân Đức trong Thế chiến thứ 2.

Bari là một quân cảng trung chuyển binh lính, trang bị, vũ khí chủ yếu cho tập đoàn quân số 8 do tướng Montgomery chỉ huy đóng quân tại Anh và tập đoàn quân không quân 15 của quân đội Mỹ.

Do đó, không quân Đức đã chọn cảng này là mục tiêu tấn công thay vì cảng Foggia nằm cách đó khoảng 70 km - nơi đặt Bộ tư lệnh của tập đoàn quân không quân số 15.

Tuy vậy, sự kiện thúc đẩy cuộc tập kích này diễn ra là vào ngày 1-12-1943, Mỹ đã vận chuyển bằng đường biển đến cảng Bari 200 sĩ quan, 52 công trình sư, vài trăm binh lính và khối lượng rất lớn nhiên liệu, đạn dược máy bay, bổ sung cho tập đoàn quân không quân số 15.

Sau vài ngày, số trang bị, vũ khí này được phân tán về nhiều nơi sẽ mất cơ hội nên không quân Đức đã quyết địch chọn thời điểm tập kích vào ngày hôm sau, tức là ngày 2-12-1943. Chiều 2-12, quân Đức đã tung máy bay trinh sát lần cuối trước khi không kích.

Còn trận tập kích ngày 6-5-2013, mục tiêu là đoàn xe chở tên lửa từ Damascus đến biên giới với Lebanon, với quãng đường chỉ khoảng hơn 20 km, tương đương 20 phút chạy xe ôtô.

Và thời điểm tấn công phải trước thời gian đoàn xe đến đích, giao số vũ khí này cho Hezbollah trên đất Lebanon.


Radar và tầm bắn của các hệ thống S-400 đặt ở Latakia có thể bao phủ một phần Địa Trung Hải và Syria

Radar và tầm bắn của các hệ thống S-400 đặt ở Latakia có thể bao phủ một phần Địa Trung Hải và Syria

Điều này càng chứng tỏ Israel đã nắm rất chắc thông tin tình báo về thời điểm xuất phát của đoàn xe và lập kế hoạch tấn công chi tiết đến từng phút thì mới có thể từ Israel bay đến, tập kích vào tấn công vào mục tiêu cơ động với thời gian di chuyển rất ngắn, trước khi nó đến đích.

Ngược lại, nếu xác định được đoàn xe này sẽ là mục tiêu không kích thì quân đội Syria sẽ có kế hoạch bảo vệ nó trên đường đến biên giới với Lebanon, hoặc thậm chí có thể dùng nó làm mồi nhử khiến tốp máy bay chuyên không kích trộm của Israel sập bẫy.

Như vậy, xác định được địa điểm và thời cơ địch lợi dụng để tập kích đóng vai trò quyết định đến thành bại của chống tập kích đường không, bảo vệ được cơ sở quan trọng, thậm chí lật ngược được thế cờ.

Phát hiện sớm thời điểm cụ thể của cuộc tập kích

Để đánh bại các cuộc tập kích đường không là không dễ, ngay cả đối với những nước dày dạn kinh nghiệm chống không kích quy mô lớn như Việt Nam, nếu sơ hở cũng rất dễ dính những đòn tập kích quy mô nhỏ.

Trong lĩnh vực này, công tác dự báo và chuẩn bị đối phó trước là hết sức quan trọng.

Cần nắm vững chiến thuật tác chiến của Israel và trinh sát phát hiện từ sớm các tốp máy bay tập kích từ xa, khi chưa xâm nhập lãnh thổ của mình, chưa tiến hành chế áp điện tử. Nếu thực hiện được điều này, coi như cơ bản đã có thể phá được cuộc tập kích này.


Một đường bay Israel có thể áp dụng để tập kích đường không vào Syria

Một đường bay Israel có thể áp dụng để tập kích đường không vào Syria

Đầu tiên, nếu xác định đối thủ ở xa thì cần tập trung vào giai đoạn bay hành trình, với đội hình biên đội thường gồm trên dưới 10 chiếc đủ các chủng loại, với vận tốc khác nhau. Đây là một điểm yếu chí mạng để phát hiện các tốp máy bay chuyên không kích “trộm”.

Điều này xuất phát từ đặc điểm, trừ máy bay chiến đấu ra, các máy bay tác chiến điện tử, tiếp dầu và trực thăng cứu hộ đều bay rất chậm, dễ bị phát hiện nên phải tập trung vào tốp máy bay này.

Qua đợt không kích thủ đô Khartoum của Sudan hay các đợt không kích của máy bay Mỹ vào Việt Nam năm 1972, có thể nhận rõ vấn đề này.

Trong phát hiện sớm các tốp máy bay địch di chuyển từ xa, có thể nhận thấy rằng, vai trò của máy bay trinh sát, cảnh báo sớm tầm xa hoặc các hệ thống phòng không mặt đất có phạm vi bao quát lớn là cực kỳ quan trọng.

Ở điểm này, S-400 của Nga có thể phát huy được ưu điểm trinh sát từ xa. Trước đây, ở khu vực Damascus không có các hệ thống radar tầm xa nên Syria không thể phát hiện được các tốp máy bay Israel từ sớm nhưng hiện nay vấn đề này đã được cải thiện.

Thứ 2, nếu không có máy bay cảnh báo sớm, để nắm bắt từ xa, bắt buộc phải tổ chức tình báo ở các sân bay có thể được sử dụng làm căn cứ mẹ, theo dõi quy luật hoạt động của máy bay địch như: Số lượng máy bay thường xuất kích một đợt, thời gian hoạt động trong ngày, tổ chức đội hình bay…

Nếu nắm vững quy luật hoạt động của địch mới phát hiện những dấu hiệu xuất kích bất thường và báo cáo về sở chỉ huy ở nhà tập trung đề phòng.

Điều này tuy khó nhưng không phải là không làm được. Trong chiến tranh Việt Nam, quân báo ta đã từng nắm hoạt động của máy bay Mỹ ở sân bay Utapao của Thái Lan.

Thứ 3, phát huy vai trò nắm bắt tầm xa và dự báo sớm của lực lượng trinh sát vô tuyến điện cũng là yếu tố rất quan trọng.

Nếu thu được các tín hiệu thông tin của địch trong giai đoạn chuẩn bị tác chiến có thể phát hiện trước âm mưu, ý đồ; xác định thời điểm, số lượng và hướng máy bay bay vào, từ đó tập trung các radar tầm thấp, trạm quan sát và các phương tiện khác tập trung phát hiện máy bay địch.

Trong chiến tranh Việt Nam, từ những dấu hiệu hết sức rời rạc trong thông tin liên lạc của lực lượng bảo đảm của Mỹ, lực lượng trinh sát kỹ thuật của ta đã xác định được thời điểm địch đánh phá trước hàng tiếng.

Dựng lên được bức tranh toàn cảnh về lực lượng, đội hình, hướng bay, thậm chí còn thông báo được từng chặng hành trình, trước khi B-52 đến khu vực không phận Việt Nam.


Cần dự đoán trước các tốp bay hành trình và các điểm chuyển hướng khe núi máy bay địch có thể lợi dụng để luồn sâu trong nội địa

Cần dự đoán trước các tốp bay hành trình và các điểm chuyển hướng khe núi máy bay địch có thể lợi dụng để luồn sâu trong nội địa

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, biện pháp này có phát huy vai trò quan trọng nhất trong giai đoạn địch chuẩn bị không kích, chứ khi bắt đầu triển khai hoạt động tấn công, chắc chắn là đối phương sẽ im lặng vô tuyến hoặc chế áp điện tử rất mạnh.

3 biện pháp đầu tiên thuộc dạng phát hiện chủ động, có thời gian nhất định để xây dựng kế hoạch chống tập kích đường không hoàn chỉnh. Còn biện pháp thứ 4 dưới đây thuộc loại phát hiện bị động nhưng cũng có thể giúp bên ta có khoảng thời gian rất ngắn kịp thời đối phó.

Thứ 4, khi xảy ra tình huống các hệ thống radar cảnh báo sớm ở một khu vực trong nước bị nhiễu loạn, cũng là dấu hiệu cho thấy là có hoạt động tác chiến điện tử.

Từ đó xác định là kẻ địch đang chuẩn bị tiến hành hoạt động tập kích ở khu vực đó để triển khai các biện pháp đối phó.

Thế nhưng, đây chỉ là phương pháp phát hiện kiểu bị động, khi đó kẻ địch có thể bắt đầu hoặc đã xâm nhập vào không phận.

Do thời gian đối phó không nhiều nên cần thiết phải xây dựng trước các kế hoạch đối phó ở những hướng trọng điểm máy bay địch có thể đột nhập.

Phát hiện các tốp máy bay tầm thấp xâm nhập không phận

Để phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các máy bay chiến đấu bay tầm thấp của địch, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải triển khai các hệ thống radar tầm thấp dọc vành đai biên giới, đặc biệt là các loại radar đặt trên xe chở để dễ dàng cơ động khi cần thay đổi địa điểm đón bắt.


Các hệ thống phòng không tầm thấp như Pantsir-S hay tên lửa phòng không vác vai sẽ có vai trò quan trọng trong chống tập kích đường không

Các hệ thống phòng không tầm thấp như Pantsir-S hay tên lửa phòng không vác vai sẽ có vai trò quan trọng trong chống tập kích đường không

Đồng thời, cần phải kết hợp sử dụng một phương pháp rất thô sơ nhưng hiệu quả là đặt thêm các trạm quan sát bằng mắt thường, kết hợp với các hệ thống tên lửa phòng không vác vai các hệ thống pháo phòng không cơ động, triển khai trên các địa điểm có độ cao và phạm vi quan sát lớn như ngọn hải đăng, đỉnh núi...

Biện pháp này cần phải kết hợp với dự đoán điểm chuyển hướng của máy bay địch và các rãnh núi, khe núi địch có thể lợi dụng để bay tầm thấp, luồn sâu vào nội địa, để triển khai các khí tài đón bắt cho hiệu quả.

Biện pháp này sẽ phát huy được hiệu quả cao và không thể thay thế trong trường hợp các radar cảnh giới bị gây nhiễu làm cho radar của các hệ thống tên lửa phòng không bị tê liệt.

Đây là một trong những biện pháp mà Việt Nam đã từng áp dụng trong chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” chống B-52 của Mỹ.

Những vấn đề trên đây chỉ là những vấn đề chung nhất trong chống tập kích đường không, có tác dụng đối với tất cả các nước chứ không riêng gì Syria. Thực tiễn chiến tranh còn rất nhiều biện pháp khác, trong các biện pháp cũng có rất nhiều khâu, công đoạn khác nhau.

Đồng thời, thực tế cũng có thể phát sinh rất nhiều tình huống, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ và sự linh hoạt thì dù vũ khí phòng không có hiện đại đến mấy cũng sẽ thất bại trước những cuộc tập kích đường không có mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều so với các cuộc không kích ồ ạt của kẻ địch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại