Tướng Thệ: "TQ không biết làm người thì sao có thể làm vua được"

Hoàng Đan |

Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, từ việc chiếm các đảo của Việt Nam, tới việc xây dựng thành đảo nhân tạo, TQ sẽ đưa dân ra và thực hiện mưu đồ người ở đâu thì lãnh thổ ở đó.

LTS: Trung Quốc xây dựng bãi đá ngầm, xây đường băng trên các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và dự kiến tiếp tục xây đảo nhân tạo trên Biển Đông… cho thấy mục tiêu lớn hơn là nhằm độc chiếm Biển Đông.

Để làm rõ hơn những âm mưu của Trung Quốc đối với Biển Đông, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu I, Tư lệnh Quân đoàn II về vấn đề này.

Khó xảy ra xung đột ở Biển Đông

PV: Để đáp lại việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng và cải tạo trái phép trên các đảo đá nhân tạo, hôm 21/5, Mỹ đã điều động máy bay P-8A Poseidon tới gần nơi Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Trung tướng nhận định gì về sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề Biển Đông hiện nay?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ:  Sự can thiệp của Mỹ ở Biển Đông trong thời gian qua, theo tôi, chúng ta cần phải hiểu được rõ vấn đề cũng như nhìn nhận hết sức thận trọng.

Ở đây, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ vào Biển Đông và nếu nói nước này tới đây là để giúp một nước nào đó thì tôi nghĩ chưa chắc đã phải.

Mà theo tôi, nước này hành động như vậy là để bảo vệ cho chính những lợi ích của họ ở khu vực biển có ý nghĩa quan trọng về giao thương quốc tế cũng như quân sự.

Thêm vào đó, chiến lược xoay trục sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ ở đây sẽ phải thể hiện như vậy nhằm khuếch trương sức mạnh để tạo uy tín, khiến các nước xung quanh và các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines thán phục.

Còn tất nhiên, sự có mặt của Mỹ ở thời điểm hiện tại rõ ràng đã tạo ra một cơ hội để nhằm hạn chế được sự ngang ngược của phía Trung Quốc. Khiến nước này cũng phải dè chừng trước những bước đi mới.

Qua đây, theo tôi, các nước ASEAN cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam sẽ tiến lại xích gần nhau hơn về vấn đề Biển Đông.

hình ảnh CSIS và EPA công bố năm 2015 về hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam).

Hình ảnh CSIS và EPA công bố năm 2015 về hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam).

PV: Với hành động ngang ngược của Trung Quốc và sự can thiệp của Mỹ như vậy, theo Trung tướng, bàn cờ Biển Đông tiếp theo đây sẽ có diễn tiến như thế nào?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Chắc chắn trong thời gian tới, tình hình tại khu vực này sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp.

Những hành động của Trung Quốc ráo riết xây dựng đảo trái phép mà mới đây nhất là khởi công xây dựng trái phép hai ngọn hải đăng ở đá Gạc Ma và đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy rõ mục đích bành trướng, độc chiếm Biển Đông.

Nhưng khi Mỹ đã vào Biển Đông như vậy rồi thì chắc chắn họ sẽ không lui mà sẽ có những bước đi mạnh mẽ, cứng rắn hơn với Trung Quốc, để bảo vệ lợi ích của họ ở đây cũng như thực hiện chiến lược xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương.

Việc hải quân và không quân Mỹ sẽ tiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép trên Biển Đông là rất có thể nhưng vào chỗ nào, thời điểm nào thì họ sẽ phải tính toán.

PV: Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông. Cá nhân ông có nhận định thế nào về điều này?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Tôi cho rằng, khả năng xảy ra xung đột là khó. Bởi cả hai nước đều có quyền lợi riêng của mình và cũng không muốn để xảy ra xung đột.

Xung đột không được gì mà chỉ mất thôi. Thêm vào đó, bản thân sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ mạnh hơn. Ngoài tiềm năng thì các đồng minh của Mỹ cũng nhiều hơn. Nếu xảy ra xung đột, chắc chắn Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines sẽ ủng hộ ngay.

Còn với Trung Quốc khi xảy ra xung đột thì chắc chắn không có ai ủng hộ cả. Các đảo nhân tạo trái phép đó dù được Trung Quốc xây dựng thành các căn cứ quân sự nhưng khi xảy ra xung đột sẽ bị cô lập, trở thành các mục tiêu nổi cố định bị đánh, phá.

Ngay kể cả đảo Gạc Ma dù Trung Quốc có xây dựng trái phép lớn như vậy nhưng không dịch chuyển được nên nếu bị tấn công thì cũng sẽ nhanh chóng bị phá tan. Khi đó, Trung Quốc sẽ vừa mất công lao, thiệt hại kinh tế, lại vừa mất đi uy tín của mình.

Phải nói thêm, các tàu chiến của Mỹ là những mục tiêu cơ động, rất khó có thể tấn công. Mỹ đưa các tàu, máy bay từ nơi khác đến dù không phải là đất liền nhưng lại là liền. Bởi lẽ, ở các nước đồng minh như Nhật, Hàn Quốc, Philippines đều có căn cứ của Mỹ.

Do đó, trong tình thế như hiện nay, ngoài các vũ khí hạng nặng thì Trung Quốc sẽ gia tăng sử dụng "võ mồm" để nhằm mục đích khiến Mỹ không dám vào gần khu vực xây dựng đảo trái phép...

Còn với Việt Nam chúng ta trong trường hợp này phải hết sức sáng suốt, cảnh giác.

Chủ quyền ở Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta là không thể chối cãi được nên chúng ta phải tăng cường tuyên truyền để nhân dân, bạn bè thế giới hiểu được rõ.

Bất cứ bên nào có những hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền thì chúng ta cũng cần phải lên tiếng phản đối rõ ràng.

Chiêu bài độc chiếm Biển Đông

PV: Trung tướng đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của những hành động xây dựng trái phép mà Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Người xưa vẫn thường nói rằng, muốn làm vua thì phải biết làm người và muốn làm người thì phải biết 3 điều. Đó là biết nghe, biết sợ và biết xấu hổ.

Nhưng thực tế, từ xưa đến nay đã cho thấy, Trung Quốc không hề có 3 điều này. Họ không biết nghe, không biết sợ và cũng chẳng bao giờ biết xấu hổ cả. Như vậy, họ không biết làm người thì sao có thể làm vua được.

Chúng ta có thể thấy, ngay từ giữa thế kỷ 20 cho tới nay, bất cứ quốc gia nào có cùng biên giới với Trung Quốc đều xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp về lãnh thổ như Nga, Ấn Độ, Mông Cổ...

Thậm chí trên biển, trong đó có thể kể tới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines... cũng đã và đang xảy ra tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Việt Nam thì bị Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo, đá thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Trong thời gian công tác tại Quân khu I, tôi cùng với các đồng đội của mình đã nhiều lần chứng kiến sự ngang ngược của phía Trung Quốc.

Việc quân đội ở khu vực biên giới như ở khu vực cầu sông Bắc Luân thường xuyên bắc loa tuyên truyền phía Trung Quốc không được xâm phạm lãnh thổ của ta diễn ra thường xuyên.

Nhưng phía láng giềng không hề nghe và thậm chí còn…bắc loa công suất lớn hơn để nói lại ta trong khi chính họ là những người xâm phạm biên giới.

Không chỉ trên đất liền mà ở trên biển, Trung Quốc cũng luôn làm những điều sai trái để mang lại lợi ích bất hợp pháp cho họ.

Những hành động vừa qua trên Biển Đông như kéo giàn khoan Hải Dương 981, ra lệnh cấm đánh cá, cải tạo đảo phi pháp…đều nằm trong chiến lược bá quyền của Trung Quốc tại khu vực này.

Nó đã đi ngược lại tất cả những luật lệ của quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trong đó, hoạt động xây dựng, mở rộng các đảo đá ngầm thành những hòn đảo nổi nhân tạo trên khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là vô cùng nguy hiểm.

Từ việc chiếm các đảo, đá ngầm trong tự nhiên từ nhiều năm trước của Việt Nam, tới việc cơi nới cải tạo thành đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ đưa dân ra và thực hiện mưu đồ người ở đâu thì lãnh thổ của họ ở đó.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ đưa ra các đảo mới cải tạo phi pháp đó đầy đủ các trang thiết bị phục vụ dân sinh, rồi cả súng ống đạn dược cho quân đội đồn trú.

Mục đích nhằm thiết lập thêm một đơn vị hành chính nữa giống như cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà nước này đã tuyên bố từ năm 2012 và gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là Việt Nam.

Chưa kể, việc xây dựng các đảo nhân tạo như vậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa các loại vũ khí phòng không ra và tuyên bố ngang ngược đường cấm bay. Các máy bay nào bay qua cũng có thể bị nước này đe dọa.

Một khi Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng trái phép tại các đảo vừa cải tạo phi pháp, cộng với việc áp dụng quy định phi lý về khoảng cách 12 hải lý thì sẽ tạo ra một vùng biển khép kín mà theo nước này, đó là vùng biển của họ.

Chiêu bài sự đã rồi luôn được Trung Quốc thường xuyên áp dụng và trên Biển Đông cũng vậy, nhằm hiện thực cái gọi là cái yêu sách đường 9 đoạn, đường lưỡi bò vô lý.

Không những thế, qua đây, Trung Quốc không chỉ muốn độc chiếm Biển Đông mà còn âm mưu bắt các nước trong khu vực, có liên quan phải bị lệ thuộc về kinh tế và cả quân sự. Đó là những âm mưu vô cùng nguy hiểm.

PV: Trong tình thế ở khu vực Biển Đông như hiện nay, theo Trung tướng, Việt Nam chúng ta nên ứng xử như thế nào để đảm bảo việc giữ vững chủ quyền?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Như tôi đã nói, Việt Nam chúng ta cần phải hết sức kiên quyết trong việc đấu tranh nhưng cũng phải khôn khéo, cảnh giác để tránh mắc mưu của bất cứ bên nào.

Trước những hành động ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc trong việc xây dựng đảo nhân tạo thuộc chủ quyền của Việt Nam thì chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa.

Sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh chính nghĩa, pháp lý nên Trung Quốc càng ngang ngược, chúng ta càng phải đấu tranh để cộng đồng quốc tế thấy rõ được bản chất, tình hình thực tế.

Có một thực tế là khi nào chúng ta càng cương quyết, đấu tranh mạnh mẽ thì khi đó Trung Quốc sẽ không dám làm mạnh tay, có những hành động ngang ngược.

Rất nhiều bài học về đoàn kết dân tộc, về hòa giải đã được đặt ra sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 mà tôi cho rằng, chúng ta vẫn có thể vận dụng và phát huy trong tình hình hiện nay.

Điều cốt yếu hiện nay là phải đấu tranh làm sao để Trung Quốc không thể tiếp tục cải tạo trái phép các hòn đảo đá ngầm mà họ đang chiếm giữ phi pháp được. Về điều này, tôi cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có những bước đi phù hợp trong thời gian tới.

 
đại biểu Quốc hội Lê Nam
Đảm bảo luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải trên Biển Đông là quyền của các quốc gia, trong đó có Mỹ. Tôi nghĩ rằng, việc Mỹ đưa ra các tuyên bố và có những động thái xuất hiện ở Biển Đông nhằm phản đối các hoạt động phi pháp cũng như tuyên bố hung hăng của Trung Quốc trong tình hình này là cần thiết. Phải có những tiếng nói và hành động mạnh mẽ của một ai đó, quốc gia nào đó để ngăn chặn những vi phạm pháp luật quốc tế trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông, vì hòa bình và ổn định của khu vực. Tôi nghĩ rằng, không chỉ Mỹ mà các quốc gia khác như Ấn Độ, cộng đồng ASEAN và cả thế giới cần phải lên tiếng để bảo vệ lẽ phải, chấm dứt những hành động đơn phương, thách thức dư luận của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại