Tướng Lương: "Xây dựng đảo nhân tạo là sai lầm chiến lược của TQ"

Hoàng Đan |

Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định, việc TQ xây dựng các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép của VN là hành vi vi phạm nghiêm trọng nhưng cũng là sai lầm chiến lược của nước này.

LTS: Trung Quốc xây dựng bãi đá ngầm, xây đường băng trên các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và dự kiến tiếp tục xây đảo nhân tạo trên Biển Đông… cho thấy mục tiêu lớn hơn là nhằm độc chiếm Biển Đông.

Để làm rõ hơn những âm mưu của Trung Quốc đối với Biển Đông, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương về vấn đề này.

PV: Thưa Thiếu tướng, ông đánh giá thế nào trước hàng loạt các hoạt động phi pháp của Trung Quốc như xây xựng bãi đá ngầm, xây đường băng trên quần đảo Trường Sa và dự kiến tiếp tục xây đảo nhân tạo trên Biển Đông...

Ngoài ra, nước này còn đơn phương đưa ra cái gọi là "lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông"?

Thiếu tướng Lê Mã Lương:  Đây rõ ràng là những hành động không thể chấp nhận được, vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như chà đạp lên luật pháp quốc tế.

Cùng với lệnh cấm đánh bắt cá ngang ngược, trong 2 năm vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động phi pháp như xây dựng các đảo chìm, bãi san hô chiếm đóng trái phép của Việt Nam thành các pháo đài quân sự.

Trung Quốc âm mưu biến các đảo này thành các "hạng tàu" không thể đánh chìm.

Cho đến nay, các đảo Chữ Thập, Gạc Ma mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam đã được tôn tạo, bồi đắp gấp nhiều lần so với hiện trạng cách đây hơn 2 năm về trước.

Với đảo Chữ Thập, từ một bãi đá san hô trở thành đảo nhân tạo. Quy mô của đảo đã được Trung Quốc mở rộng phi pháp lớn hơn nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Diện tích được mở rộng phi pháp lớn, đồng thời, Trung Quốc cũng thành lập trái phép một tổ hợp quân sự trên đảo đó, bao gồm lực lượng hải quân, không quân, hậu cần phục vụ cho đảo nhân tạo...

Bên cạnh đó là nơi trú, tiếp dầu của lực lượng hải cảnh, ngư chính, tàu đánh cá trái phép của họ.

Không những thế, Trung Quốc còn xây dựng đường băng cho máy bay cất cánh dài đến 3.000m trên đảo để đưa hàng chục máy bay chiến đấu ra đó.

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP.

Theo ước tính, Trung Quốc đã phải đầu tư rất nhiều tỷ USD để thực hiện những hành động ngang ngược, phi pháp này của mình.

Có thể nói rằng, Trung Quốc, với bản chất nước lớn nhưng mang trong mình chủ nghĩa xô - vanh, bành trướng Đại Hán, coi thường Luật pháp quốc tế, dư luận cũng như các nước mà họ cho là nước nhỏ.

Hành động ở Biển Đông cho thấy một sự thiếu tính toán, đi ngược lại tôn chỉ của một nước Trung Hoa luôn coi trọng hòa bình, vì sự phát triển của thế giới.

Chính điều này đã khiến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam phải có những tính toán, điều chỉnh về mặt chiến lược để cảnh giác trước âm mưu của Trung Quốc.

Việc xây dựng, biến các đảo thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc là một dấu hiệu rất nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới này. Hành động đó rất đáng lên án.

PV: Thiếu tướng có thể phân tích kỹ hơn cho độc giả thấy được âm mưu thâm độc của Trung Quốc đằng sau những hành động phi lý này?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Như tôi đã nói ở trên, có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử Trung Hoa chủ nghĩa xô - vanh, bành trướng Đại Hán lại bộc lộ một cách rõ ràng đến như vậy.

Trung Quốc đã thực hiện việc cải tạo, xây dựng các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam thành các cụm đảo.

Mỗi đảo thành một tổ hợp quân sự, liên kết với nhau nhằm tới một cái đích là chiếm trọn toàn bộ vùng Biển Đông, đồng thời, khống chế eo biển Malacca.

Và để tiến xa hơn một bước, qua đây, Trung Quốc sẽ tiếp tục xác lập vùng nhận dạng của nước này ở Biển Đông nhằm theo dõi, khống chế, cản trở hoạt động bình thường của tàu thuyền, máy bay đi qua vùng biển này trên các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế.

Thêm vào đó, với việc cải tạo, xây dựng này, Trung Quốc muốn biến các đảo mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép, trở thành các đảo của họ và biến mọi vấn đề trở thành sự đã rồi.

Từ đây, Trung Quốc cũng âm mưu xây dựng lực lượng hải quân mạnh lên, biến họ trở thành một đế quốc biển trên thế giới.

Tuy nhiên, quay trở lại việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép của Việt Nam thì tôi lại thấy đây là một bước lùi, một sai lầm chính trị, sai lầm chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.

PV: Xin ông có thể giải thích rõ hơn tại sao đây lại là một sai lầm chiến lược của Trung Quốc?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tại sao tôi lại nói vậy, bởi như tôi đã từng nói trước đây, hồi năm ngoái, Trung Quốc đưa giàn khoản Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một bước đi phiêu lưu, không cần thiết.

Việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một sai lầm chiến lược của Trung Quốc.

Bởi chính điều đó đã giúp không chỉ Việt Nam mà các nước ASEAN cũng như cả thế giới và nhất là Mỹ tỉnh táo hơn, đồng thời, điều chỉnh lại chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của mình.

Và đằng sau việc tiến hành đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền Việt Nam thì Trung Quốc còn tiến hành xây dựng hàng loạt bãi đá chiếm đóng trái phép của chúng ta.

Hành động này lại càng cho thấy một sai lầm rất lớn về mặt chính trị, chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Như đã nói ở trên, hành động này sẽ càng khiến các quốc gia không chỉ ở biển Đông mà trên thế giới thêm cảnh giác hơn với Trung Quốc và có những hành động mạnh mẽ hơn mà thực tế như Mỹ đã tuyên bố, thực hiện.

Về mặt quân sự, hành động này có thể kéo lực lượng quân sự của nước này mạnh hơn nhưng đó lại chính là bước lùi, khiến cho chiến lược phát triển rất lỗi thời, lạc hậu.

Các nước mạnh về quân sự như Mỹ, Nga, Anh, Pháp... không bao giờ đi cải tạo các đảo như vậy rồi đưa hải, lục, không quân biến đó thành tổ hợp, căn cứ, pháo đài quân sự, khu vực phục vụ cho hậu cần kỹ thuật...

Bởi, các tổ hợp đó có thể bằng bê tông, cốt thép, có thể chống được các loạt đạn đầu tiên nhưng cũng không thể giải quyết được vấn đề gì khi chiến tranh xảy ra.

Các tổ hợp quân sự này sẽ là mục tiêu đầu tiên bị phá nát, đòn hỏa lực đầu tiên sẽ đập thẳng vào đây, gây ra thiệt hại khủng khiếp về kinh tế. Và hơn thế, nó sẽ đánh thẳng vào niềm tin, tự trọng của quân đội, ban lãnh đạo Trung Quốc...

nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ
TS Trần Công Trục
Các công trình được xây dựng trái phép ở đây còn là những cơ sở khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ cho mục đích kinh tế. Nó thực hiện theo dõi, khống chế, cản trở hoạt động bình thường của tàu thuyền, máy bay đi qua Biển Đông trên các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế. Các công trình được xây cất ở đây cũng còn là những khu dịch vụ hậu cần không thể thiếu để Trung Quốc có điều kiện triển khai kế hoạch khai thác, vơ vét nguồn tài nguyên trong các vùng biển và thềm lục địa. Đây là ý định mà từ lâu họ ấp ủ tham vọng “xí phần”, tranh giành, chiếm đoạt… Cuối cùng, có thể thấy rõ, ý đồ thực hiện những mục tiêu nói trên thông qua việc cải tạo, xây dựng trên các thực thể này, Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện chiến lược khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông. Mục tiêu biến Trung Quốc vươn lên vị trí cường quốc biển trước khi trở thành siêu cường quốc tế…

 (Còn tiếp)

>>Chiến tranh biên giới 1979: Ký ức đau đớn về những quan tài rỏ máu

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại