Bài toán lớp 3 thách GS Châu giải: GS Sính, TS Khải nói gì?

Nguyễn Huệ |

Theo nhà nữ toán học đầu tiên của Việt Nam, các bài toán như các GS, TS "rủ" nhau cùng giải, đưa ra chỉ là để “đố” đồng nghiệp cho vui chứ không phải cho học trò.

Bài toán không dành cho học sinh

Ngày 20/5, trên trang cá nhân của mình, TS. Giáp Văn Dương có đăng tải một đường link từ báo The Guardian có bài toán và "rủ" các nhà toán học Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Phùng Hồ Hải, Nguyễn Tiến Dũng cùng giải.

Kèm theo đó, ông đặt câu hỏi: "Thực sự muốn biết các GS làm bài này hết bao nhiêu thời gian?". Được biết, đây là một bài toán dành cho học sinh lớp 3 ở Việt Nam đang gây sốt trong nước và cả trên báo The Guardian (Anh).

Sau khi bài toán lớp 3 được TS. Giáp Văn Dương “rủ” 4 nhà toán học Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Phùng Hồ Hải và Nguyễn Tiến Dũng cùng làm, đã có không ít người cũng “thử sức” với bài toán này để biết mình làm mất bao nhiêu thời gian.

Tuy nhiên, cũng có 1 số giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực toán học của Việt Nam lại không mấy quan tâm tới những lời “rủ rê” này. Bởi lẽ, họ đã từng gặp những tình huống tương tự hoặc muốn đi tìm lời giải cho những bài toán khó hơn.

Bài toán lớp 3 gây nhiều tranh cãi (Ảnh:thethaovanhoa)

Bài toán gây tranh cãi. (Ảnh: Thể thao văn hóa)

GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính - người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Quốc gia về Toán học và trở thành nhà toán học nữ đầu tiên của Việt Nam đã cười khi được hỏi về bài toán và lời “rủ” của TS. Giáp Văn Dương.

“Tôi chưa biết bài đó thế nào, tôi cũng chẳng muốn ngó vì ngày xưa tôi đã vấp phải bài toán luyện thi vào lớp 6 của đứa cháu tại 1 trường chuyên nức tiếng của Hà Nội.

Tôi phải mất cả buổi để tìm cách diễn giải sao cho đứa cháu đang ôn thi vào lớp 6 của mình hiểu cách giải.

Bài toán này khi tôi gửi sang các Viện nghiên cứu Vật lý quốc tế có trụ sở ở nước ngoài, rất nhiều người cùng giải nhưng cũng không tìm ra lời giải tổng quát.

Đáp án của họ - những chuyên gia Vật lý ở hai Viện nghiên cứu vật lý quốc tế đều không triệt để.

Đến khi tôi đưa ra lời giải thì họ phục sát đất” – GS. Hoàng Xuân Sính chia sẻ.

Câu chuyện ấy cũng đã xảy ra khá lâu, bản thân GS. Sính cũng nhận định bài toán dành cho học sinh từ tiểu học lên trung học cở sở ấy là bài toán khó.

GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính (Ảnh: Tuổi trẻ)

GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Sau đó, GS. Sính đã khuyên cháu mình không thi vào ngôi trường đưa ra bài toán đó nữa mà chọn học ở trường THCS ngay cạnh nhà.

Vị GS này cho rằng, vào đó là 1 sự “vô ích” khi 1 bài toán đưa ra cho học sinh luyện thi mà khiến người lớn phải chật vật đi tìm lời giải.

Tuy nhiên, GS.TS. Hoàng Xuân Sính cũng khẳng định: “Các bài toán như thế đưa ra chỉ là để “đố” đồng nghiệp của nhóm khác cho vui thôi chứ không phải cho học trò nên các thầy không phải tranh cãi nhau làm gì”.

GS. Sính cũng nêu rõ nguồn gốc xuất xứ của các bài toán đó.

Cụ thể, thứ nhất, là ở các lớp toán của Pháp vì Pháp nổi tiếng với những bài toán khó của cấp THCS và THPT.

Thứ hai là sách dạy chuyên toán của đội thi Olympic Nga và thường do giáo viên Thụy Sỹ dậy.

“Những bài toán ấy không phản ánh điều gì nền giáo dục nước nhà.

Nhiều người xôn xao bình luận xem có nên đưa những bài toán như thế vào từng lứa tuổi học trò tương ứng hay không, nhưng các thầy khi đưa ra có nghĩ tới học trò đâu mà chỉ nghĩ tới đồng nghiệp để “đố” nhau thôi” – GS. TS Hoàng Xuân Sính cười.

Còn nhiều bài toán cần thiết hơn đang cần tìm lời giải

Còn với TS Vật Lý Nguyễn Văn Khải – người được gọi bằng cái tên “Ông già Ozon” thì, “trò chơi” đó là không cần thiết vì ông cũng có thể đố bài vật lý lớp 4 mà các GS không giải được.

“Có nhiều bài toán khác cần thiết hơn mà chúng ta cần giải.

Ví dụ như: "Tại sao cứ đi 30m lại gặp 1 hố ga", hay "Lời giải nào cho bài toán cứu giá cho nông dân trong mùa vải, mùa nhãn, mùa ổi sắp tới…". Đó mới là những bài toán cần giải trong lúc này” – TS. Khải đưa ra ý kiến.

Lời rủ của TS. Giáp Văn Dương

Lời "rủ" của TS. Giáp Văn Dương. (Ảnh: Thế thao văn hóa)

Trao đổi với chúng tôi, em Phạm Văn Khánh (người từng là thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 29,5 năm 2010) cho biết, em đã giải được bài toán TS. Giáp Văn Dương “rủ” các nhà toán học cùng làm trong vòng…10 phút.

Và có khoảng hơn 2.000 kết quả thỏa mãn với sự trợ giúp của máy tính và ngôn ngữ lập trình Python.

“Nếu làm bằng giấy, sau 30 phút em vẫn chưa tìm được lời giải. Em nghĩ mãi vẫn chưa ra được hướng làm nào ngoài việc đi thử tất cả các các con số từ 1->9 (cười – PV).

Nếu tinh tế hơn chút thì có thể dựa vào một tính chất số học như chẵn, lẻ, chia hết.. để loại bỏ một số trường hợp, tuy nhiên số phép thử vẫn là quá lớn.

Nếu đứng ở góc độ người ra đề, em đoán là tác giả đã viết sẵn dãy phép tính bất kì, tính ra kết quả rồi xóa bỏ các số từ 1 - 9 đi, đề bài ra thì rất nhanh nhưng giải bài không dễ chút nào đặc biệt là đối với học sinh lớp 3” – Khánh nói.

Theo Phạm Văn Khánh, thực tế bài toán này đã nổi tiếng đến mức toàn cầu. GS. Ngô Bảo Châu lại là một nhà toán học nổi tiếng, cũng rất quan tâm, tìm hiểu nhiều đến nền giáo dục Việt Nam, việc đưa đề toán để GS giải thử, cũng như nhận định, đánh giá là hoàn toàn hợp lí.

“Đối với học sinh lớp 3, tư duy vẫn còn rất non trẻ, mình không nên đưa ra những bài toán đánh đố, phải đoán mò, thử sai nhiều đến như vậy.

Những bài toán gần gũi với thực tế hằng ngày như tính diện tích hình này, hình kia, tính quãng đường đi...sẽ thú vị hơn những công thức đơn thuần khô khan" – Khánh chia sẻ quan điểm của mình.

Hiện tại, GS. Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago, Mỹ) và GS. Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ) "chưa phản hồi". Còn GS. Nguyễn Tiến Dũng (người từng là thần đồng toán học, hiện giảng dạy tại Đại học Toulouse, Pháp) cho biết, ông làm xong bài toán trong 18 phút.

>> Bé 5 tuổi tử vong khi nghịch điện thoại đang sạc pin
>> Thông tin không ngờ vụ khách Tây "bị cướp", ngả nón xin tiền ở HN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại