Thỏa thuận tàu ngầm với Úc, Nhật gửi thông điệp đanh thép tới TQ

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Reuters nhận định Bắc Kinh không thể không cảm thấy lo lắng trước thỏa thuận tàu ngầm giữa Nhật Bản và Australia.

Hãng tin Reuters (Mỹ) ngày 28/5 đưa tin, Nhật Bản đang đứng trước cơ hội ký một hợp đồng quân sự lịch sử khi các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao nước này gặp những người đồng cấp bên phía Australia tại Tokyo vào tháng tới.

Nhật đang xem xét việc chuyển giao công nghệ hoặc thậm chí là bán một số tàu ngầm loại hiện đại nhất cho Australia. Một số nguồn tin xác nhhận quá trình đàm phán đang diễn ra thuận lợi và cả 2 bên đều mong muốn đẩy nhanh quá trình này.

Tuy có thể còn phải mất nhiều tháng nữa trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng, nhưng ngay cả nếu hợp đồng chỉ bao gồm việc chuyển giao công nghệ thì nó vẫn có thể đem lại hàng tỷ USD cho Nhật và chiếm một phần đáng kể trong tổng ngân sách 37 tỷ USD cho chương trình tàu ngầm của Australia.

Reuters cho biết, hiển nhiên là Bắc Kinh không thể không cảm thấy lo lắng trước thỏa thuận này. Theo các chuyên gia, thỏa thuận giữa Nhật-Australia sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng nước Nhật, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, sẵn lòng cung cấp vũ khí cho những nước trong khu vực cảm thấy bị đe dọa bởi sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là tham vọng chủ quyền của nước này ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản

Thỏa thuận cũng sẽ giúp những tập đoàn quốc phòng Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries tấn công mạnh vào thị trường quốc tế đối với những vũ khí công nghệ cao. Đây cũng là một trong những mục tiêu trong chiến lược an ninh của ông Abe.

Thủ tướng Abe đã nới lỏng nhiều giới hạn trong chính sách xuất khẩu vũ khí của nước này, cũng như tăng thêm quyền hạn của quân đội Nhật Bản trong trường hợp xung đột thông qua việc điều chỉnh cách diễn giải bản hiến pháp hòa bình có nguồn gốc từ sau Thế chiến thứ 2 của nước này.

Theo giáo sư Hugh White từ Đại học quốc gia Australia: “Xây dựng sự gắn kết chặt chẽ với Nhật Bản trong một lĩnh vực quốc phòng nhạy cảm như tàu ngầm có thể bị Trung Quốc xem là dấu hiệu cho thấy 2 nước đang tiến gần hơn đến một liên minh Nhật – Australia. Đây sẽ là một canh bạc cho Australia vì chưa thể nói trước được về chính sách của Nhật trong 30 năm tới.”

Hạm đội tàu ngầm mới của Australia đóng vai trò trung tâm trong chiến lược quốc phòng dài hạn của nước này. Mặc dù những tàu ngầm lớp Collins hiện nay vẫn sẽ được sử dụng cho đến những năm 2030 thì việc thiết kế tàu ngầm mới có thể mất hơn 10 năm, còn thời gian để đóng mới một chiếc có thể lên đến 5 năm. Quyết định cuối cùng về chủng loại và số lượng tàu ngầm mới sẽ được đưa ra vào tháng 3 năm sau.

Các quan chức quốc phòng Australia đã bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống động lực diesel-điện dùng trên những tàu ngầm lớp Soryu của Nhật vì sự yên lặng của chúng. Những hệ thống này do Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries sản xuất. Những tàu ngầm tương tự như vậy có thể giúp hải quân Australia tiến sâu hơn vào Ấn Độ Dương.

Gần đây, một số quan chức quốc phòng và nghị sĩ Nhật đã bày tỏ ý kiến ủng hộ việc bán tàu ngầm Soryu với đầy đủ tính năng và công nghệ cho Australia nếu nước này đáp ứng được một số điều kiện cụ thể. Trong đó có bao gồm một thỏa thuận chung về an ninh giữa 2 nước và qua đó gắn kết cả Nhật và Australia trong một liên minh lâu dài.

Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng đã tuyên bố ông ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác chiến lược giữa 2 nước. Giới quân sự Australia cũng rất hào hứng trước viễn cảnh này, do nó có thể giúp họ tránh được việc quá phụ thuộc vào Mỹ.

Hệ thống động lực cực kỳ yên tĩnh của Soryu có thể là bước nhảy vọt so với 6 tàu ngầm hiện có của Australia trong việc tránh bị phát hiện. Một số chuyên gia từ Mỹ cho rằng Australia thiếu nguồn nhân lực cần thiết để có thể tự thiết kế và chế tạo loại tàu ngầm mới, vốn có thể phức tạp như một tàu con thoi. Vì vậy giải pháp hợp lý hơn là nước này hợp tác với một quốc gia khác.

Bộ trưởng bộ quốc phòng Australia, ông David Johnston, cho biết ông tin rằng Soryu là tàu ngầm phi hạt nhân tốt nhất thế giới hiện nay. Ông cũng hy vọng Australia và Nhật có thể khởi đầu mối quan hệ hợp tác thông qua việc cùng nghiên cứu trong lĩnh vực thủy động học hải dương cùng lúc với việc phác thảo khung chương trình trao đổi công nghệ quân sự.

Tàu ngầm Sōryū được trang bị tên lửa diệt hạm Harpoon

Tàu ngầm Soryu được trang bị tên lửa diệt hạm Harpoon

Có khả năng là Australia sẽ mua thân tàu từ Đức hay Thụy Điển và dùng hệ thống động lực của Nhật, tuy rằng điều này sẽ làm tăng độ phức tạp và chi phí. Cùng tham gia vào chương trình có thể còn bao gồm hãng BAE Systems từ Anh và công ty quốc doanh Australian Submarine Corp, hiện đang có nhiệm vụ duy trì hoạt động cho hạm đội tàu ngầm của Australia.

Về phía Nhật Bản, một thỏa thuận như vậy có thể gặp nhiều trở ngại. Nhiều quan chức cấp cao của hải quân Nhật lo ngại về việc những bí mật quân sự, đặc biệt là dữ liệu về tiếng ồn đặc trưng của tàu Soryu, có thể bị rò rỉ.

Tuy vậy việc cho phép xuất khẩu sẽ giúp những nhà sản xuất giảm chi phí trung bình trên từng đơn vị. Bước đi này cũng đồng thời phù hợp với chính sách mới được ông Abe đề xuất, trong đó cho phép Nhật giúp đỡ đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công, cho dù hiện nay ý kiến của người dân Nhật về vấn đề này vẫn còn khá chia rẽ.

Tàu ngầm lớp Soryu có tầm hoạt động 11.000 km có được vũ trang với tên lửa diệt hạm Harpoon, có thể tiêu diệt mục tiêu từ ngoài tầm quan sát được. Nếu được bật đèn xanh, đây sẽ lần đầu tiên Nhật Bản xuất khẩu một loại vũ khí tấn công công nghệ cao như vậy, và do đó chắc chắn sẽ gặp nhiều sự phản đối. “Chúng tôi không thể thay đổi vội vàng như vậy. Sự hợp tác nếu có thì chỉ ở một mức độ vừa phải”, một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết.

Tàu ngầm Soryu của Nhật Bản

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại