Khoe diệt mô hình tàu chiến trong 50s, Iran đã đủ sức hạ TSB Mỹ?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Đánh giá tuyên bố của Iran, các quan chức Lầu Năm Góc cũng như Hải quân Mỹ đã chỉ ra rằng việc đánh chìm một mô hình và một tàu chiến thực sự khác xa nhau.

Tờ Pittsburgh Post-Gazette (trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ) cho hay Mỹ chưa từng thiệt hại một tàu sân bay nào do sự phá hủy của kẻ địch kể từ năm 1945 khi USS Bismarck Sea, một tàu sân bay nhỏ bị các máy bay Thần phong của Nhật Bản tấn công hồi tháng 2/1945, 7 tháng sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Đã 7 thập kỷ trôi qua kể từ đó, các chiến hạm khổng lồ này đã đi qua nhiều đại dương trên thế giới, với mục tiêu triển khai sức mạnh trên biển của nước Mỹ.

Sự ưu việt trên biển khiến những tàu sân bay trở thành mục tiêu quân sự đáng chú ý đối với các đối thủ của Mỹ, bao gồm Iran, quốc gia mới tuần trước tuyên bố đang xây dựng một mô hình tàu sân bay hoàn chỉnh của tàu USS Nimitz để huấn luyện lực lượng của mình phá hủy các tàu sân bay trên vịnh Ba Tư trong trường hợp chiến tranh. Đây là một ý tưởng mà một số nhà phân tích quân sự tin rằng Trung Quốc cũng đã từng thực hiện.

Ảnh vệ tinh chụp mô hình tàu sân bay USS Nimitz mà Iran chế tạo

Ảnh vệ tinh chụp mô hình tàu sân bay USS Nimitz mà Iran chế tạo

Đô đốc Ali Fadavi thuộc lực lượng Hải quân Iran đã phát biểu với hãng tin Fars (Iran) rằng kích cỡ của các tàu sân bay khiến chúng dễ dàng trở thành các mục tiêu có thể nhanh chóng bị đánh chìm, “Họ (người Mỹ) không biết gì cả. Chúng ta đã xây dựng và đánh chìm mô hình của các khu trục hạm, khinh hạm và các tàu chiến khác của Mỹ trong nhiều năm qua, chúng ta đã đánh chìm mô hình các tàu chiến của họ chỉ trong 50 giây thông qua một chuỗi các biện pháp tác chiến. Chúng ta đã thực hành những cuộc diễn tập tương tự đối với mô hình các tàu sân bay bởi đánh chìm và tiêu diệt các chiến hạm của Mỹ đã và sẽ nằm trong kế hoạch của chúng ta”.

Nhìn nhận tuyên bố của Iran, các quan chức Lầu Năm Góc cũng như Hải quân Mỹ đã chỉ ra rằng việc đánh chìm một mô hình và một tàu chiến thực sự khác xa nhau.

Tàu sân bay USS George H.W. Bush

Tàu sân bay USS George H.W. Bush lớp Nimitz

Trung úy Joe W. Hontz, người phát ngôn Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, đơn vị đóng quân tại Bahrain trên vịnh Ba Tư cho hay hạm đội này có một tàu sân bay duy nhất đó là chiếc USS George H.W. Bush, hoạt động trong khu vực trách nhiệm bao gồm vịnh Ả Rập, biển Đỏ, vịnh Oman và các vùng biển trên Ấn Độ Dương. Con tàu hoạt động với vai trò là một bộ phận của nhóm tác chiến tàu sân bay, bao gồm một tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường, hai khu trục hạm tên lửa và một đội tàu khu trục.

Jason Salata, một sĩ quan khác của Hạm đội nhận định: “Mô hình tàu sân bay của Iran sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Hải quân Mỹ trong vịnh này. Việc bắn các vũ khí vào một cấu trúc bất động không thực tế không thể cho thấy khả năng tấn công một con tàu 100.000 tấn được trang bị các biện pháp phòng thủ, tốc độ cơ động lên tới trên 30 hải lý/giờ”.

Theo Eric Wertheim, cố vấn quốc phòng đồng thời là một chuyên gia về hải quân quốc tế thuộc Viên nghiên cứu Hải quân của Mỹ: “Tôi không nghĩ rằng các tàu sân bay của chúng ta có nguy cơ bị đánh chìm bởi họ (Iran) đang diễn tập với một mô hình”.

Wertheim nói thêm rằng Hải quân Mỹ đã đối phó với mối đe dọa Iran trong vòng hơn 30 năm qua, bao gồm chiến dịch Praying Mantis năm 1988 khi các tàu chiến của Mỹ phá hủy các giàn khoan dầu và tàu của Iran nhằm trả đũa cho việc một tàu hộ vệ tên lửa của Mỹ, chiếc Samuel B. Roberts, bị tấn công bởi mìn của Iran ở vịnh Ba Tư.

3 tàu ngầm Kilo Project 877EKM của Iran
3 tàu ngầm Kilo Project 877EKM của Iran

Kể từ đó, Iran đã tiến hành hiện đại hóa các vũ khí của mình, bao gồm các tàu tên lửa cao tốc nhỏ được sử dụng để “tấn công bầy đàn” vào các tàu chiến lớn hơn, họ cũng có các tàu ngầm lớp Kilo của Nga, các tàu ngầm mini và các tên lửa chống hạm do Trung Quốc cung cấp. Theo Wertheim, Hải quân Iran không có tàu nào lớn hơn một tàu hộ vệ tên lửa với trọng tải khoảng 4.000 tấn, nhỏ hơn một tàu khu trục.

“Năng lực của Hải quân Iran không phải là hàng đầu, họ thu lượm vũ khí từ bất cứ đâu có thể. Thậm chí họ đang hiện đại hóa những vũ khí mà Mỹ và Anh bán cho họ từ nhiều thập kỷ trước đây” - Wertheim nói.

Theo Wertheim, Iran cũng phóng đại khả năng và sức mạnh hỏa lực của các máy bay không người lái trên truyền hình nhà nước.

“Tôi cho là công bằng khi nói rằng Hải quân Iran có thể là đối thủ đáng gớm đối với các lực lượng đồng minh, trong tình huống xấu, Iran có thể gây ra một cuộc chiến đẫm máu. Tuy nhiên, sức mạnh hải quân của họ sẽ nhanh chóng bị khuất phục, một phần bởi sự vượt trội trên không của Mỹ” - Weirtheim nhận định.

Michael O'Hanlon, một học giả cấp cao của Trung tâm Tình báo và An ninh thế kỷ 21 nhất trí rằng các tàu chiến và tàu ngầm của Iran sẽ chẳng sống sót được lâu trong một chiến dịch quân sự quan trọng do Mỹ thực hiện. “Tuy nhiên, điều này không phải rằng tình hình sẽ trở nên dễ dàng trong mọi trường hợp, do mối đe dọa của một cuộc phục kích diễn ra trước khi xung đột bắt đầu, kèm theo đó là những khó khăn đối với thủy lôi được đặt gần eo biển Hormuz, cửa ngõ của vịnh Ba Tư, các tàu nhỏ được trang bị với tên lửa chống hạm. Họ có thể chiến tranh du kích với chúng ta, với rủi ro đáng kể trong việc gây thiệt hại cho các tàu chiến hoặc tàu chở dầu của chúng ta”.

Theo O'Hanlon, kịch bản gây lo ngại cho Hạm đội của Mỹ xuất hiện trong một cuộc tập trận năm 2002 ở vịnh Ba Tư như đã được tờ New York Times đăng tải, “trong đó lực lượng đối lập dưới sự chỉ huy của một tướng Hải quân đánh bộ nghỉ hưu của Iran đã sử dụng thành công chiến thuật các tàu nhỏ tấn công theo tốp cùng các tên lửa bắn yểm trợ đánh chìm 16 tàu chiến của Mỹ, bao gồm một tàu sân bay”. O'Hanlon đề cập rằng trong trường hợp một cuộc xung đột, tốt nhất các tàu sân bay của Mỹ nên di chuyển ở ngay bên ngoài vịnh Ba Tư, “Tàu sân bay được bảo vệ khá tốt trước máy bay và một số lượng nhỏ tên lửa, tuy nhiên cách phòng thủ tốt nhất luôn là hoạt động bên ngoài phạm vi các mối đe dọa của đối phương”.

Các tàu sân bay di chuyển theo các nhóm tác chiến thông thường bao gồm các tàu hộ vệ, tuần dương hạm, khu trục hạm bao quanh và bảo vệ chúng bằng các hệ thống chống tàu mặt nước, chống máy bay và chống ngầm, mang lại một lớp bảo vệ bên ngoài cùng với hệ thống vũ khí trên chính các tàu sân bay.

Wertheim cho hay “Tàu sân bay có lẽ là những con tàu được bảo vệ nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không phải là chúng không thể bị phá hủy, mà chúng ít bị tổn thương hơn rất nhiều so với các tàu chiến khác”. Ông đề cập thêm rằng các thủy thủ của Mỹ thường xuyên được huấn luyện đối phó với loại hình tấn công bất đối xứng với những kẻ thù yếu kém hơn về công nghệ.

Tên lửa Griffin trong một cuộc thử nghiệm
Tên lửa Griffin trong một cuộc thử nghiệm

Trong tháng 3 vừa qua, Hạm đội 5 của Mỹ đã đăng tải các bức ảnh và đoạn băng hình về việc các thủy thủ của họ diễn tập bắn chiến đấu sử dụng tên lửa Griffin nhằm chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công bằng tàu nhỏ. Hải quân Mỹ cũng thường xuyên theo dõi các hoạt động hải quân của Iran và trao đổi với các đối tác phía bên kia vịnh Ba Tư. Đô đốc Fadavi, người cũng tuyên bố rằng Iran nắm quyền kiểm soát toàn bộ eo biển chiến lược Hormuz và Mỹ đã chính thức yêu cầu thiết lập một đường dây nóng liên hệ với Iran trong trường hợp khẩn cấp, nhưng Iran đã từ chối đề nghị này.

Mặc dù cảnh báo rằng “quá tự tin là một nguy cơ lớn”, nhưng Wertheim cũng nghi ngờ về khả năng việc người Iran chế tạo mô hình trên có thể đem lại hiệu quả cho họ trước một tàu sân bay thực sự của Mỹ. “Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta nên phớt lờ điều này. Đây cũng là cơ hội mang lại cho chúng ta cái nhìn về cách thức Iran chuẩn bị cho hải quân của họ trong trường hợp xung đột. Ngược lại chúng ta cũng không nên bận tâm quá nhiều về nó”.

Xem tên lửa Griffin diệt mục tiêu

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại