Từ Gruzia đến Crimea: Quân đội Nga đã thay đổi như thế nào?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Những người lính Nga tại Crimea được trang bị rất tốt và có kỷ luật cao. Những khoản đầu tư khổng lồ vào quốc phòng Nga trong thời gian gần đây rõ ràng đã có kết quả.

Tạp chí Time (Mỹ) có bài viết nhận định việc sáp nhập Crimea không phải là một thử thách lớn cho quân đội Nga, nhưng nó là một cơ hội tốt để bộ quốc phòng nước này tuyển quân và làm hài lòng Tổng thống Putin.

Sau đây là nội dung bài viết:

Khi Nga vừa bắt đầu chiến dịch chiếm giữ Crimea hồi đầu tháng 3 thì tại những trạm chờ xe bus ở Moscow cũng xuất hiện một loạt bảng cổ động của bộ quốc phòng Nga để tuyển quân. Trên những tấm áp phích này là hình ảnh một người lính trông giống như những binh sĩ đang được triển khai tại Crimea, cùng loại quân phục màu xanh oliu, cùng loại mũ sắt, và cũng không có phù hiệu trên quân phục. Ngoài ra phần hậu cảnh cũng rất giống bờ biển ở bán đảo Crimea.

Vào ngày 4/3, Tổng thống Putin tuyên bố những binh lính đang chiếm đóng Crimea lúc đó không phải là lính Nga. Mặc dù những người này đi trên những chiếc xe biển số Nga và thường tự nhận mình là người Nga, Tổng thống Putin vẫn gọi họ là dân quân địa phương. Tuy nhiên điều này vẫn không ngăn việc bộ quốc phòng dùng hình ảnh của những "dân quân địa phương" này để quảng bá cho việc tuyển quân.

Một binh sĩ Nga đứng gác bên ngoài trụ sở hải quân của Ukraine ở Sevastopol hôm 19/3
Một binh sĩ Nga đứng gác bên ngoài trụ sở hải quân của Ukraine ở Sevastopol hôm 19/3

Hai tuần sau khi Crimea được sáp nhập vào Nga, Tổng thống Putin cuối cùng cũng không còn phủ nhận sự can dự trực tiếp của nước này. Trong một buổi lễ tại điện Kremlin hôm thứ 6 tuần trước với sự có mặt của vài chục sĩ quan cao cấp, ông Putin chúc mừng và cảm ơn những người này vì đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua tại Crimea. Ông Putin cũng gọi đó là một bài kiểm tra thật sự cho quân đội Nga. Chiến dịch tại Crimea vừa qua, theo ông, đã “thể hiện những năng lực tác chiến chưa từng có của quân đội.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng chia sẻ quan điểm này. Theo Olga Oliker, một chuyên gia về quốc phòng Nga tại viện nghiên cứu RAND, Mỹ, chiến dịch của Nga tại Crimea là một sự tiến bộ so với những chiến dịch trước đó của quân đội Nga: “Không có sự cố đáng kể nào. Những người lính ẩn danh của họ có thể di chuyển tự do với dáng vẻ đầy sự đe dọa. Song như vậy thì cũng không phải là quá ấn tượng.”

Nếu xét đến những chiến dịch gần đây, nó vẫn đủ để Tổng thống Putin và bộ quốc phòng có một cơ hội hiếm có để mừng thắng lợi. Chiến dịch gần đây, cuộc chiến với Gruzia năm 2008, không có nhiều điều đáng để tự hào. Mặc dù chỉ mất 5 ngày để quân Nga đánh bại đối thủ nhỏ bé, vẫn có những vấn đề đáng lo ngại đến mức ngay cả người Nga cũng phải thừa nhận.

Về cuộc chiến 5 ngày này, như những nhà phân tích tại CAST, một viện nghiên cứu chiến lược của Nga, đã đánh giá: “Thật khó tưởng tượng được việc không quân Nga không thể thiết lập được ưu thế trên không trong phần lớn thời gian cuộc chiến, mặc dù đối phương không có chiến đấu cơ. Không có sự phối hợp giữa lực lượng trên không và trên bộ, cũng như không có thiết bị chỉ điểm mục tiêu hiện đại được trang bị.”

Theo những tiêu chuẩn trên thì mọi việc tại Crimea diễn ra khá suôn sẻ. Nga có thể chiếm giữ toàn bộ bán đảo trong vài ngày mà không có thương vong cho cả 2 bên. Theo lời ông Maxim Pyadushkin, biên tập viên của CAST, thì “Đó là một chiến dịch được triển khai nhanh gọn ở lãnh thổ hải ngoại, rất giống với những gì diễn ra ở Afghanistan. Nó được thực hiện theo phương thức chiến tranh của phương Tây và tôi nghĩ các nước phương Tây cũng khá ngạc nhiên khi thấy Nga có thể thực hiện thành công”.

Phương tiện chiến đấu của Nga đổ về Nam Ossetia trong chiến tranh Gruzia. Ảnh: Telegraph
Phương tiện chiến đấu của Nga đổ về Nam Ossetia trong chiến tranh Gruzia. Ảnh: Telegraph

Sự tiến bộ này phần nào là từ những cải cách được bắt đầu sau chiến tranh Gruzia. Trong 5 năm qua, bộ quốc phòng Nga đã nỗ lực giảm tỷ lệ sĩ quan và thu gọn quy mô của đội quân thường trực gần 1 triệu người thành một lực lượng nhỏ, hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Mục tiêu là không còn cần phải dựa vào chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc để cung cấp đủ quân số nữa. Tuy không đạt được mục tiêu này nhưng qua những gì đã thể hiện ở Crimea thì cũng đã có những thành quả nhất định. Những người lính Nga tại Crimea được trang bị rất tốt và có kỷ luật cao. Những khoản đầu tư khổng lồ vào quốc phòng của Nga trong thời gian gần đây rõ ràng đã có kết quả.

Viện Gaidar, một viện nghiên cứu kinh tế ở Moscow, hồi tuần trước đã ước tính rằng ngân sách quốc phòng của Nga tính theo tỷ lệ % của GDP sẽ vượt qua Mỹ trong năm nay. Con số này dự kiến sẽ là 70 tỷ USD, tăng 18% so với năm ngoái.

Thế nhưng, Crimea chưa đủ để có thể so sánh năng lực tác chiến của Nga đã phát triển như thế nào so với cuộc chiến tại Gruzia. Theo đánh giá của Oliker, nếu xảy ra giao tranh thật sự, có thể họ sẽ mắc phải một vài sai lầm nào đó, đặc biệt là khi liên quan đến các khí tài hiện đại. Đây có thể là một phần lí do vì sao Tổng thống Putin quyết định rút bớt 1 phần lực lượng từ biên giới với Ukraine trở về. Cho dù đang trong tình trạng lạc hậu và sức chiến đấu kém, quân đội Ukraine vẫn có quy mô lớn hơn nhiều so với quân đội Gruzia, và chắc chắn sẽ kháng cự dữ dội nếu Nga đưa quân qua biên giới.

May mắn là điều này vẫn chưa xảy ra. Quân đội Nga đã vượt qua được “thử thách lớn” lần này, theo lời của Tổng thống Putin, và có một cơ hội tuyệt vời để dễ dàng tuyển quân hơn. Nếu những bảng cổ động kia có thể thuyết phục mọi người rằng chiến tranh có thể đơn giản và dễ dàng như tại Crimea thì họ cuối cùng cũng có thể bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại