Ukraine cắt đứt hợp tác quân sự: Thảm họa lớn với quân đội Nga?

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Một tỷ lệ lớn các thiết bị quân sự mà Nga đang triển khai tại Crimea và biên giới với Ukraine lại được sản xuất bởi ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Ngày 29-03, Tập đoàn Nhà nước "Ukroboronprom" của Ukraine đã đóng băng việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Nga, chấp nhận những thiệt hại kinh tế rất lớn theo điều khoản phá vỡ hợp đồng.

Ông Yuri Tereshchenko, Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn nhà nước Ukroboronprom cho hay: "Ngay hôm nay, vì những lý do dễ hiểu, Ukraine sẽ ngừng cung cấp cho Nga các vũ khí và thiết bị quân sự. Quan hệ của chúng tôi sẽ đóng băng cho đến khi giảm leo thang căng thẳng".

Trong thành phần của Tập đoàn Nhà nước Ukroboronprom có 134 xí nghiệp quốc phòng của Ukraine (125 cơ sở Nhà nước và ngân sách, cũng như 9 công ty cổ phần), trong đó có 13 xí nghiệp nằm trên lãnh thổ Crimea.

Đó mới là sự khởi đầu cho những chuyển biến xấu trong quan hệ hợp tác quân sự giữa 2 nước. Theo các chuyên gia, nếu trong tương lai, quan hệ hợp tác quân sự giữa 2 bên bị cắt đứt, Nga sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn.

Đài phát thanh Radio Free Europe mới đây đã có bài bình luận về sự phụ thuộc của quân đội Nga vào nền công nghiệp quốc phòng Ukraine. Sau đây là nội dung bài viết:

Một điều trớ trêu trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine là việc một tỷ lệ lớn các thiết bị quân sự mà Nga đang triển khai tại Crimea và biên giới với Ukraine lại được sản xuất bởi ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Những thiết bị này bao gồm các động cơ trên trực thăng vũ trang, một phần lớn động cơ trên tàu chiến, và khoảng 1 nửa số tên lửa không đối không trên các chiến đấu cơ của Nga.

Điều này đồng nghĩa với việc Nga đang tự làm khó cho mình khi căng thẳng giữa hai nước có thể dẫn đến việc mất nguồn cung quan trọng này. Mặt khác, nó cũng có thể là động lực để Nga quyết tâm kiểm soát Ukraine bất chấp mọi hậu quả.

Vladimir Voronov, một nhà báo chuyên viết về quân đội Nga, cho rằng quan hệ xấu đi với Ukraine sẽ gây thiệt hại nặng cho các chương trình quốc phòng của Nga hơn là các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nền công nghiệp quốc phòng của hai nước có quan hệ khắng khít đến mức việc cắt đứt quan hệ hợp tác với Ukraine sẽ là một thảm họa cho nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Nga hiện nay.

Tự lực cánh sinh

Mối liên kết giữa công nghiệp quốc phòng Nga và Ukraine có nguồn gốc từ thời Liên Xô, khi các cơ sở sản xuất vũ khí chính được cố ý bố trí đều khắp các nước cộng hòa để tăng cường sự thống nhất của liên bang.Sau khi Liên Xô sụp đổ, Moscow đã nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng nội địa hoàn chỉnh, với phương châm tự lực cánh sinh.Nhưng mục tiêu này vẫn con khá xa vời.

Chính phủ Nga dự kiến sẽ chi khoảng 563 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2020 để phát triển năng lực quân sự, bao gồm việc nâng cấp lực lượng hạt nhân chiến lược, mở rộng hải quân, hiện đại hóa không quân và lục quân. Song những cơ sở thiết kế và sản xuất hiện đang quá tải và vào tháng 12 năm ngoái, phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết họ không thể hoàn thành kịp các dự án được Bộ quốc phòng yêu cầu.

Igor Sutyagin, một nhà phân tích chuyên về nước Nga ở London, đưa ra ví dụ về động cơ trực thăng để minh họa cho sự chậm trễ này: “Nga cần khoảng 3.000 động cơ nhưng chỉ mới chế tạo một động cơ duy nhất được nội địa hóa toàn bộ. Kế hoạch hiện nay là sản xuất khoảng 50 động cơ như vậy hàng năm, nhưng theo nhu cầu thực tế thì cần phải đạt mục tiêu 3.000 động cơ chỉ trong vòng từ 2 đến 3 năm”.

Một trực thăng Nga đang tuần tra khi các binh sĩ Ukraine canh gác một trạm kiểm soát gần làng Strelkovo, vùng Kherson, giáp Crimea. Điều trớ trêu là rất nhiều động cơ trực thăng Nga được sản xuất tại Ukraine.

Một trực thăng Nga đang tuần tra khi các binh sĩ Ukraine canh gác một trạm kiểm soát gần làng Strelkovo, vùng Kherson, giáp Crimea. Điều trớ trêu là rất nhiều động cơ trực thăng Nga được sản xuất tại Ukraine. Ảnh: Rferl

Những cơ sở công nghiệp quốc phòng quan trọng nhất của Ukraine đối với Nga là Motor Sich ở Zaporizhzhya, chuyên sản xuất động cơ trực thăng, Yuzhmash ở Dnipropetrovsk, chuyên sản xuất tên lửa, và nhà máy chế tạo máy bay Antonov của Nga đặt tại Kiev.

Vai trò quan trọng nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đối với Nga là cho lực lượng hạt nhân chiến lược. Phần lớn các tên lửa chiến lược của Nga có động cơ đẩy được sản xuất, thiết kế tại Ukraine, hoặc sử dụng các bộ phận được sản xuất tại đây.

Theo nhà báo Voronov, hơn một nửa linh kiện trên các tên lửa liên lục địa của Nga có nguồn gốc từ Ukraine. Những tên lửa này chứa hơn 80% số đầu đạn hạt nhân của Nga.

Những bộ phận thiết yếu bao gồm hệ thống điều khiển và dẫn đường, đặc biệt là cho mẫu tên lửa liên lục địa chính của Nga, RS-20B, còn được Nato gọi là SS-18 Satan. Hệ thống dẫn đường của nó được sản xuất tại nhà máy Khatron ở thành phố Kharkov, Ukraine.

Tên lửa SS-18 Satan. Ảnh: Reuters

Tên lửa SS-18 Satan. Ảnh: Reuters

Những chuyên gia người Ukraine hiện vẫn đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra thường kì các tên lửa Nga và xác nhận tình trạng sẵn sàng chiến đấu của chúng. Việc xác nhận tình trạng kỹ thuật này rất quan trọng vì những tên lửa Satan mới nhất cũng đã gần 25 năm tuổi và sắp hết thời gian sử dụng. Nga muốn tiếp tục dùng chúng cho đến 2018-2020, khi mà loại tên lửa liên lục địa mới, Sarmat, dự kiến sẽ đi vào hoạt động.

Mặc dù các chuyên gia Nga vẫn có thể tự mình thực hiện việc kiểm tra thường kì, nhưng sẽ mất thời gian hơn khi không có các đồng nghiệp người Ukraine cùng tham gia. Ông Viktor Esin, cựu tham mưu trưởng lực lượng hạt nhân chiến lược, cho biết: “chắc chắn sẽ có khó khăn, vì việc hồ sơ theo dõi được xử lý ở Ukraine, nhưng việc này có thể khắc phục được”.

Nhân tố khó lường

Hiếm khi những thông tin liên quan đến những điểm yếu như vậy của quân đội Nga được công bố. Điều này có thấy vẫn có những lo ngại từ Moscow về hậu quả của việc can thiệp vào Ukraine, bên cạnh những biện pháp trừng phạt của Châu Âu.

Cho đến nay, chính quyền Nga dường như tin rằng khi quan hệ giữa 2 nước trở nên xấu đi thì mối liên kết của ngành công nghiệp quốc phòng Nga và Ukraine vẫn có thể tồn tại. Theo ông Sutyagin, Ukraine cũng rất cần duy trì mối liên kết này vì lí do kinh tế: “Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine phụ thuộc nhiều vào Nga, 30% giá trị xuất khẩu của Ukraine đến từ Nga, và vũ khí là mặt hàng quan trọng nhất, vì chúng có giá trị cao nhất. Rất khó cho những công ty như Motor Sich chuyển sang thị trường Châu Âu vì cạnh tranh ở đó rất khốc liệt, cộng với việc các sản phẩm của họ không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Châu Âu hay thế giới về chất lượng, tiếng ồn và mức khí thải.”

Khó có thể đoán trước tác động của mối liên kết chặt chẽ này đối với cuộc khủng hoảng hiện nay. Một mặt nó có thể giúp giảm căng thẳng giữa 2 bên vì lợi ích chung, mặt khác nó có thể thúc đẩy Nga tìm cách tái lập một chính quyền thân Nga ở Kiev.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại