Trang dumskaya.net đăng bài bình luận của 2 chuyên gia quân sự Ukraine Alexander và Oleg Konstantinov Velmozhko về tương lai của Hải quân Ukraine. Dưới đây là nội dung bài viết:
Lực lượng Hải quân Ukraine đã bị "hất cẳng" khỏi Crimea. Điều có ý nghĩa quân sự lớn nhất bây giờ là lá cờ Tổ quốc vẫn còn tung bay trên soái hạm Hetman Sahaidachny. Các tàu còn lại hoặc đã tự nguyện treo cờ Nga hoặc bị chiếm giữ. Hải quân Ukraine hiện đang đứng trước một thách thức vô cùng lớn là làm thế nào để khôi phục lực lượng hải quân và việc này liệu có mang ý nghĩa gì hay không?
Tất cả các chuyên gia đều đồng ý rằng, nếu không có hải quân, Ukraine có thể sẽ chấm dứt tương lai của mình với tư cách là một nhà nước độc lập.
Nếu để ý sẽ thấy chiến lược của Nga nhằm sáp nhập Crimea vào Nga về cơ bản là tiến hành những cuộc phong tỏa các căn cứ quân sự, trong đó đáng kể là hải quân. Sự phong tỏa bán đảo này được thực hiện bởi Hạm đội biển Đen và những binh sĩ không phiên hiệu.
Soái hạm Hetman Sahaidachny được xem là biểu tượng còn lại duy nhất của Hải quân Ukraine.
Nếu Nga có ý định tấn công vào đông nam Ukraine thì vẫn cần có sự tham gia của lực lượng hải quân để tiến hành phong tỏa, tiến hành các hoạt động đổ bộ. Hiện tại, Ukraine không thể chống chọi với một cuộc tấn công từ biển nhưng việc khôi phục hải quân Ukraine còn mang ý nghĩa cho cả tương lai.
Vậy hải quân Ukraine cần phải làm gì?
Trong ngắn hạn, Hải quân Ukraine cần thiết tái thiết lực lượng càng sớm càng tốt. Ngoài soái hạm Hetman Sahaidachny đang neo đậu ở Odessa, Hải quân Ukraine cần tập trung cho các dự án tàu chiến đang dang dở.
Việc mất các căn cứ và tàu chiến ở Crimea là một đòn giáng nặng nề vào Hải quân Ukraine, khi phần lớn các tàu chiến mạnh nhất của Ukraine đều tập trung tại đây, từ tàu hộ tống tên lửa, tàu tuần tra, lực lượng chống tàu mặt nước, tàu đổ bộ, tàu ngầm, tàu hỗ trợ...
Ranh giới hàng hải Ukraine chia thành 2 khu vực bị cô lập lẫn nhau, đầu tiên là khu vực Tây Bắc biển Đen bắt đầu từ cửa sông Danube đến cửa sông Dnepr và Vịnh Karkinits'ka. Thứ 2 là bờ biển Azov, eo biển Kerch hoàn toàn bị kiểm soát bởi Hải quân Nga. Các tàu biên phòng và tàu tuần tra của Ukraine bị cô lập trong vùng biển Azov. Việc vận chuyển thương mại tại các cảng của Azov cũng sẽ phải phụ thuộc vào vị trí của Nga. Các tàu buôn sẽ buộc phải nộp thuế và lệ phí để được quyền tiến vào biển Đen.
Việc bị giảm cấu trúc lực lượng hải quân khiến Ukraine không thể tham gia vào các sự kiện quốc tế, các bài tập quân sự, các hoạt động chống xâm nhập đường biển và chống khủng bố, các cuộc diễu hành... Soái hạm của Hải quân Ukraine Hetman Sahaidachny bây giờ sẽ nằm trong lực lượng bảo vệ biên giới biển.
Trước đây, Hải quân Ukraine thường xuyên xuất hiện ở Địa Trung Hải, thậm chí cả ở Ấn Độ Dương nhưng giờ đây, khu vực hoạt động giảm xuống chỉ còn một phần nhỏ ở phần phía Bắc của biển Đen.
Có thể Ukraine sẽ cố gắng lấy lại các tàu cũ của mình thông qua đàm phán nhưng cơ hội thành công là rất ít. Lựa chọn tốt nhất để tăng cường sức mạnh hải quân Ukraine trong dài hạn là đóng mới các tàu tại các xưởng đóng tàu của riêng mình.
Ngoài ra, Ukraine cần hồi sinh trở lại dự án tàu hộ tống Project 58250 Vladimir Veliky (Vladimir the Great) với kích thước và lượng giãn nước tương đương với Hetman Sahaidachny nhưng khả năng chiến đấu mạnh hơn. 4 chiếc loại này đã được lên kế hoạch. Tuy nhiên, ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất với sự tài trợ kinh phí đầy đủ, các tàu hộ tống đầu tiên chỉ có thể đi vào hoạt động sớm nhất trong giai đoạn 2016-2017, những chiếc khác thậm chí còn lâu hơn.
Vì vậy, song song với việc tiến hành đóng mới trong nước, Hải quân Ukraine nên xem xét việc mua các tàu đã qua sử dụng từ nước ngoài tương tự như các quốc gia láng giềng xung quanh biển Đen. Romania đã mua lại 2 khinh hạm của Anh, Bulgaria cũng đã mua 3 tàu của Bỉ trong giai đoạn 2004-2008.
Một giả thuyết khác là hồi sinh tàu tuần dương hạm tên lửa hạng nặng Ukraina cùng lớp với soái hạm của hạm đội biển Đen. Nhưng xem chừng việc hồi sinh chiếc tàu đã được hoàn thành 90% này hoàn toàn không khả thi ngay cả khi quan hệ Nga-Ukraine vẫn còn tốt đẹp.
Về cơ sở hạ tầng, cảng ở Odessa có thể chứa đến 5 tàu chiến có lượng giãn nước trung bình khoảng 5.000 tấn và một số tàu thuyền nhỏ. Tuy nhiên, một phần cơ sở hạ tầng ven biển đã lỗi thời đòi hỏi phải được đổi mới toàn diện.
Cựu giám đốc cảng Odessa Nikolay Pavlyuk tin rằng Ukraine có thể triển khai căn cứ tàu chiến ở đây nhưng có một số vấn đề về cơ sở hạ tầng cần khắc phục.
Bên cạnh đó, ở Odessa không có cơ sở để lưu trữ đạn dược cho các tàu chiến, nếu đặt chúng ở thành phố sẽ có hàng triệu vấn đề phát sinh. Tuy nhiên vấn đề này có thể tìm được phương án giải quyết, điều quan trọng là Hải quân Ukraine không được từ bỏ tinh thần chiến đấu của mình.