Ăn Tết bị đầy bụng: Đừng lo, hãy cầu cứu 5 gia vị ngay trong bếp

Nếu ngày Tết bạn lỡ ăn phải thức ăn không hợp, gây đầy bụng, khó tiêu, đừng ngại vì bạn có thể khắc phục ngay tình trạng đó chỉ bằng 5 loại gia vị có sẵn ngay trong bếp.

Thức ăn khi vào cơ thể sẽ được cơ quan tiêu hóa chọn lọc các chất cần thiết để hấp thu và thải ra ngoài những chất cơ thể không có nhu cầu. Nếu thức ăn tồn đọng lâu trong ống tiêu hóa, sẽ gây ra chứng đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu.

BS Trần Văn Năm - Phó viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM cho biết: chứng đầy hơi, khó tiêu xảy ra thường xuyên có thể là biểu hiện của các bệnh đường tiêu hóa như: viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng, giảm nhu động ruột hoặc dạ dày, táo bón, sau phẫu thuật ống tiêu hóa, ung thư dạ dày… Việc dùng một số thuốc cũng ảnh hưởng đến chức năng sinh lý bình thường của hệ tiêu hóa…

Trong những ngày Tết, nếu ăn quá nhiều thức ăn chứa chất béo, tinh bột, đạm, nhiều gia vị, uống nhiều bia rượu; hoặc ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, ăn xong đã đi nằm… bạn sẽ dễ phát sinh chứng đầy hơi, khó tiêu, đặc biệt với những người trong quá khứ có bệnh mạn tính của hệ tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm đại tràng, viêm gan, viêm tụy.

Biểu hiện của chứng đầy hơi, khó tiêu là cảm giác nặng bụng, căng trướng vùng thượng vị (dưới xương ức), bứt rứt, ợ hơi, ợ chua, đau âm ỉ, râm ran, có khi kèm táo bón, tiêu chảy hoặc nôn, buồn nôn, mệt mỏi, hơi thở ngắn. Những biểu hiện này có thể tự khỏi, nhưng nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt chung và khó chịu. Bạn có thể dùng các món ăn cũng là vị thuốc dễ tìm có sẵn trong bếp để xử lý như sau:

Gừng: Gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng điều chỉnh tình trạng co thắt cơ trơn dạ dày - ruột, giúp tiêu hóa thức ăn. Có thể dùng gừng dạng tươi hoặc khô.

Ăn Tết bị đầy bụng: Đừng lo, hãy cầu cứu 5 gia vị ngay trong bếp

- Vài lát gừng tươi, nhai ít một cho đến khi hết cảm giác đầy trướng.

- Giã nhuyễn gừng, pha với nước nóng hoặc với mật ong uống từ từ.

- Pha một muỗng nước gừng + một muỗng nước cốt chanh + một muỗng mật ong với một ly nhỏ ấm rồi uống từ từ.

- Dùng 150g gừng tươi băm nhỏ, phơi hoặc sấy khô trộn với mật ong để ăn từ từ trong ngày.

- Gừng khô 10g, hãm với 100ml nước sôi uống dần trong ngày.

Lưu ý: Phụ nữ đang hành kinh, rong kinh hoặc có thai chỉ nên dùng một lượng ít.

Rau răm: Có vị cay, tính ấm, là vị thuốc giúp kích thích tiêu hóa, trị các chứng đau bụng, đầy hơi. Lấy khoảng 15g rau răm (cả thân và lá), có thể ăn sống hoặc giã nhuyễn vắt lấy nước uống.

Ăn Tết bị đầy bụng: Đừng lo, hãy cầu cứu 5 gia vị ngay trong bếp 2

Tỏi: Lấy 15g tỏi giã nát, trộn với 5g đường phèn, hòa tan với 60ml nước ấm, uống dần dần.

Tía tô: Dùng cả lá và thân mềm, khoảng 30g, giã nhuyễn, vắt lấy nước uống hoặc đem chưng cách thủy cho nóng lên rồi uống khi còn ấm, giúp tiêu hóa thức ăn và chống dị ứng do thức ăn hiệu quả.

Nghệ: Một muỗng bột nghệ pha với một ly nước sôi và một muỗng mật ong, uống khi còn ấm, có thể thay bột nghệ bằng vài lát nghệ tươi.

Theo BS Trần Văn Năm, cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh, cần thực hiện ăn uống hợp lý, khoa học. Cụ thể, về rau củ, nên ưu tiên các loại vẫn thường dùng ngày Tết nhưng tốt cho tiêu hóa như hẹ, rau dấp cá, tía tô, khoai tây, bưởi, lê, thơm, cam, nho...

Tết không thể thiếu dưa món làm từ tỏi, hành hoặc củ kiệu. Đây là loại củ có thể ngừa chứng đầy hơi, khó tiêu hiệu quả. Trong một số món ăn ngày Tết, nên “cải cách” bằng cách cho ít gừng vào. Thức ăn có gừng sẽ giúp cơ thể chuyển hóa tốt thức ăn dầu mỡ, phòng ngừa rối loạn lipid trong máu khi ăn những món quá nhiều chất béo.

“Nếu sau khi sử dụng các biện pháp trên trong một vài ngày mà chứng đầy hơi, khó tiêu vẫn không khỏi, cần đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp” - BS Trần Văn Năm khuyến cáo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại