Hải quân Mỹ bí mật thử nghiệm siêu tàu đổ bộ LHA-6

Minh Đức |

(Soha.vn) - Hải quân Mỹ đã bí mật tiến hành thử nghiệm siêu tàu đổ bộ LHA-6, một động thái khác thường so với thói quen hay phô trương của họ.

Ngày 05/11/2013, Hải quân Mỹ đã bí mật đưa siêu tàu đổ bộ mới nhất LHA-6 ra biển để tiến hành thử nghiệm. Đây là một động thái khác thường so với thói quen hay phô trương bấy lâu nay của họ. Trước đây, những sự kiện như: Hạ thủy, đặt tên, thử nghiệm các dự án đóng tàu quân sự lớn đều được tổ chức công khai khá rầm rộ.

Mỹ lặng lẽ đưa siêu tàu đổ bộ LHA-6 vào thử nghiệm mà không thông báo cho các phương tiện truyền thông như trước đây.
Mỹ lặng lẽ đưa siêu tàu đổ bộ LHA-6 vào thử nghiệm mà không thông báo cho các phương tiện truyền thông như trước đây.

Trước đó, tàu khu trục DDG-1000 Zumwalt cũng lặng lẽ được hạ thủy vào chiều tối và hầu như không thông báo cho các phương tiện truyền thông. Từ động thái này có thể thấy rằng, Mỹ bắt đầu thay đổi cách giới thiệu các chương trình phát triển vũ khí của họ.

LHA-6 (Landing Helicopter Assault, tàu đổ bộ tấn công có sàn đáp cho trực thăng) là một chương trình phát triển tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới cho Hải quân Mỹ. LHA-6 là chiếc đầu tiên trong lớp America, đây là một loại tàu đổ bộ tấn công siêu hạng có kích thước tương đương với một tàu sân bay hạng trung.

Nó được thiết kế với nhiệm vụ tiên phong trong các nhóm tấn công viễn chinh hoặc nhóm sẵn sàng đổ bộ, mang theo các đơn vị viễn chinh và đưa họ lên bờ bằng trực thăng hoặc máy bay vận tải đa năng MV-22 Osprey, dưới sự hỗ trợ chi viện hỏa lực của tiêm kích thế hệ 5 F-35 và các trực thăng tấn công.

Với yêu cầu nhiệm vụ như vậy, tàu đổ bộ chở trực thăng LHA-6 có thiết kế lớn hơn các tàu đổ bộ trước đó, tàu có chiều dài 257,3 mét, rộng 32,3 mét, mớn nước 7,9 mét, lượng giãn nước toàn tải tới 45.700 tấn (tương đương với một tàu sân bay hạng trung).

Sự có mặt của siêu tàu đổ bộ LHA-6 sẽ cho phép nâng cao khả năng tấn công đổ bộ vốn đã rất mạnh của Mỹ.
Sự có mặt của siêu tàu đổ bộ LHA-6 sẽ cho phép nâng cao khả năng tấn công đổ bộ vốn đã rất mạnh của Mỹ.

Thiết kế này cho phép LHA-6 thực hiện khả năng đổ bộ siêu khủng, nó có thể chở theo 1.687 lính thủy quân lục chiến, bổ sung thêm khoảng 184 binh lính nữa. Nhà chứa máy bay có thể mang theo 12 máy bay “quái vật biển” MV-22 Osprey, 6 tiêm kích cất hạ cánh thẳng đứng F-35B, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53K, 7 trực thăng tấn công AH-1Z Viper, 2 máy bay tìm kiếm cứu nạn MH-60S.

LHA-6 có khả năng hoạt động như một tàu sân bay mini, trong nhiệm vụ này, nó có thể mang theo tới 20 tiêm kích thế hệ 5 F-35B cùng với 2 trực thăng MH-60S. Khả năng này cho phép Mỹ tăng gấp đôi số tàu sân bay hoạt động mà không cần phải đóng thêm những siêu tàu sân bay khác.

Tàu LHA-6 được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, trên tàu có một bệnh viện lớn, mở rộng công suất chứa nhiên liệu hàng không cho các máy bay cùng với không gian hỗ trợ hàng không lớn hơn.

LHA-6 được khởi đóng vào tháng 12/2008, con tàu được hạ thủy vào tháng 06/2012, do có sự thay đổi trong thiết kế và khó khăn về tài chính nên kế hoạch bàn giao tàu chậm đến hơn 3 năm so với dự tính ban đầu. Dự kiến tàu đổ bộ LHA-6 sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2014.

LHA-6 là một tàu đổ bộ siêu hạng nên chi phí của nó cũng thuộc loại “siêu hạng”, chi phí ban đầu của LHA-6 khoảng 2,4 tỷ USD nhưng đến nay tổng chi phí đã lên đến 3,4 tỷ USD điều này đã khiến kế hoạch đóng tàu LHA-7 Tripoli được lên kế hoạch trong tháng 05/2012 đã bị hoãn lại cho đến năm 2018.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại