GS Thayer: Nga giúp VN nâng cao năng lực chống tiếp cận

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Đến cuối năm nay, cán cân sức mạnh hải quân trên Biển Đông sẽ bắt đầu thay đổi khi Việt Nam tiếp nhận chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên mang tên Hà Nội.

Carl Thayer, Giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Đông Nam Á, đã có bài phân tích về quan hệ quốc phòng Nga-Việt đăng trên tờ Diplomat.

Đáng chú ý là trong bài viết này, giáo sư đã bình luận rằng với sự giúp đỡ về quân sự của Nga, Việt Nam đang dần nâng cao khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập của mình. Nội dung chi tiết của bài viết như sau:

Đến cuối năm nay, cán cân sức mạnh hải quân trên Biển Đông sẽ bắt đầu thay đổi khi Việt Nam tiếp nhận chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên mang tên Hà Nội. Những tàu ngầm của Việt Nam được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát và tuần tra bao quát, chống ngầm và chống hạm. Bốn chiếc tàu Kilo còn lại dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm 2016.

Việt Nam đặt hàng 6 chiếc tàu ngầm diesel-điện thuộc dự án Kilo 636 của Nga vào tháng 12/2009. Lớp tàu này có lượng giãn nước 3.000-3.950 tấn, với tầm hoạt động 9.600 km và khả năng hoạt động liên tục trong 45 ngày, độ lặn sâu tối đa là 300 mét, cùng thủy thủ đoàn 52 người. Các tàu ngầm Kilo của Việt Nam hứa hẹn sẽ được trang bị ngư lôi hạng nặng 533M và tên lửa chống hạm M54 Klub-S với tầm bắn 300 km.

Tàu ngầm Kilo Hà Nội
Tàu ngầm Kilo Hà Nội

Tháng 5/2012, Việt Nam và Nga nâng mức độ quan hệ đối tác chiến lược lâu dài lên mức độ đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó, đẩy mạnh việc Nga cung cấp thiết bị quân sự, công nghệ và huấn luyện quân sự cho Việt Nam. Trong khuôn khổ một bản ghi nhớ về hợp tác hải quân, hai bên đã thành lập Tổ công tác chung nhằm xây dựng những mô hình hợp tác hải quân trong năm 2013.

Nga và Việt Nam cũng đã ký kết một nghị định thư về hợp tác công nghệ quân sự cho tới năm 2020. Trong năm nay, hai bên cũng tiến hành các chuyến thăm, trao đổi đoàn giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước và đã đạt được những thỏa thuận mới về mua bán vũ khí, chuyển giao công nghệ quân sự và những hiệp định hợp tác giữa các quân binh chủng.

Trong tháng Hai năm nay, Việt Nam và Nga đã ký kết một hợp đồng cung cấp thêm hai tàu hộ vệ lớp Gepard. Năm 2011, Việt Nam đã tiếp nhận hai tàu Gepard đầu tiên. Những chiếc tàu chiến mới của Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống đẩy tiên tiến, đi kèm với những thiết bị phù hợp cho tác chiến chống ngầm.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội hồi tháng 3 vừa qua. Tại cuộc họp báo chung sau chuyến thăm này, hai bên đã tuyên bố đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự, huấn luyện chuyên môn quân sự, tổ chức đối thoại quốc phòng thường niên ở cấp Thứ trưởng, và thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí.

Hàng năm, phía Nga trao hơn 100 xuất học bổng quân sự cho Việt Nam, trong khuôn khổ thỏa thuận này, Nga nhất trí tăng số lượng xuất học bổng và mở rộng các lĩnh vực huấn luyện nhân lực cho Việt Nam. Hai Bộ trưởng cũng nhất trí hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (gọi tắt là ADMM+).

Tướng Shoigu cũng đã đến thăm vịnh Cam Ranh, nơi các kĩ sư Nga đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần kỹ thuật và bảo dưỡng cho các tàu ngầm Kilo của Việt Nam. Bộ trưởng Shoigu đề nghị Việt Nam xây dựng một khu nghỉ dưỡng cho các chuyên gia quân sự Nga tại Cam Ranh, đặc biệt là cho thủy thủ đoàn của các tàu chiến Nga trở về sau khi thực hiện các nhiệm vụ chống cướp biển ở Mũi châu Phi. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đề nghị Việt Nam đơn giản hóa các quy trình cho phép tàu chiến của Hải quân Nga sử dụng cơ sở hạ tầng ở Cam Ranh.

Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Việt Nam
Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Việt Nam

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sau đó đã có chuyến thăm Nga vào tháng 8. Tại đây, hai Bộ trưởng đã ký kết Biên bản ghi nhớ 5 năm về trao đổi các phái đoàn quân sự các cấp, tổ chức đối thoại thường niên về chính sách chiến lược quốc phòng, hợp tác công nghệ quân sự, huấn luyện chuyên môn cho các sĩ quan Việt Nam và các cấp khác, các hợp đồng mua bán vũ khí trong tương lai (về chất lượng, giá cả và dịch vụ).

Trong khuôn khổ bản ghi nhớ này, Nga sẽ nâng cấp, số hóa và hỗ trợ Việt Nam bảo dưỡng các vũ khí, hệ thống vũ khí bán cho Việt Nam. Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về việc thành lập một liên doanh đảm nhiệm đại tu và sửa chữa vũ khí, đạn dược và trang thiết bị quân sự mà Việt Nam mua từ thời Liên Xô.

Mười ngày sau chuyến thăm của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Việt Nam tuyên bố đã ký kết một hợp đồng mua thêm 12 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK2 được trang bị tên lửa chống hạm với tổng giá trị 450 triệu USD. Những máy bay này sẽ được chuyển giao cho Việt Nam làm ba đợt vào giai đoạn 2014-2015. Trước đó Việt Nam đã mua của Nga 20 chiếc tiêm kích cùng loại.

Chuyên gia Carl Thayer nhận định lực lượng tàu ngầm mới của Việt Nam cộng với phi đội Su-30 sẽ tăng đáng kể khả năng triển khai sức mạnh trong khu vực lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông và nâng cao khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập của mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại