Tàu chiến Việt Nam và thế giới đặt tên theo quy tắc nào?

Đến nay, cả sáu tàu ngầm Kilo Việt Nam đang đặt Nga đóng đều đã được đặt tên theo 6 địa danh: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu. Trong khi đó, hai soái hạm Gerpard 3.9 được đặt tên theo hai vị hoàng đế: Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Vậy việc đặt tên tàu chiến trên thế giới được đặt theo quy tắc nào?

Cho đến trước khi 6 con tàu chiến khủng nói trên được định danh, các tàu chiến trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam thường được đặt theo ký hiệu, bắt đầu bằng hai chữ cái HQ…, tiếp đến là các số hiệu. Ví dụ, HQ-505.

Tàu chiến Việt Nam và thế giới đặt tên theo quy tắc nào?
Tàu HQ 505

1. Tuy nhiên, việc đặt tên theo danh từ riêng đã từng được chính quyền Sài Gòn trước đây áp dụng cho từng lớp, loại tàu chiến. Chẳng hạn, các khu trục hạm, tuần dương hạm (theo cách tự phong) đặt theo tên các danh tướng, đặc biệt là các danh tướng đời Trần: Như khu trục hạm Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư; Tuần dương hạm Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão… và một số danh tướng đời trước như tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, tuần dương hạm Ngô Quyền.

Các hộ tống hạm được đặt theo các địa danh là nơi diễn ra các trận đánh lẫy lừng trong lịch sử, như: Hộ tống hạm Chi Lăng, Chi Lăng, Hà Hồi, Ngọc Hồi, Vạn Kiếp, Nhật Tảo…

Các tàu tuần duyên được đặt tên các hòn đảo. Ví dụ tuần duyên hạm Hoàng Sa, Phú Quý, Tô Châu, Phù Du, Thái Bình, Trường Sa, Duyên hải, Hòn Trọc, Nam Du, Kiến vàng, Kéo ngựa (Kiệu ngựa?)…

Các tàu (xuồng) tuần duyên được đặt tên các cá nhân; một số chiếc được đặt theo các chận đánh như Tây Kết, Tụy Động, Vân Đồn, Vạn Kiếp…

Các hải vận hạm (LSM) được đặt theo tên các con sông như: Hát giang, Lam giang, Ninh giang, Hương giang, Tiền giang, Hậu giang…

Các tàu vận tải quân sự (LST) được đặt theo các cảng biển: Cam Ranh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Thị Nại, Quy Nhơn, Nha Trang.

Các tàu trợ chiến (logitics support được đặt theo) tên các địa danh (Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long).

Tàu chiến Việt Nam và thế giới đặt tên theo quy tắc nào?
Tàu ngầm Kilo Hà Nội

2. Gần đây, đình đám nhất là con tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ban đầu, chiếc tàu này được đặt tên theo một danh tướng (Shi Lang). Tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã dự định đặt tên mới cho tàu sân bay này, trong khi ý kiến trong dân chúng muốn tàu mang tên Mao Trạch Đông, Bắc Kinh hoặc Thi Lang...

Ông La Viện - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học quân sự Trung Quốc và Phó Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc - từng nêu ý đặt tên tàu là Điếu Ngư để “nhấn mạnh quan điểm về chủ quyền” với quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.

Nhưng cuối cùng được đặt theo tên một địa phương – Liêu Ninh. Như vậy, từ nay về sau, các tàu sân bay Trung Quốc được đặt tên theo tên các tỉnh.

Tên của các tàu hải quân ở Trung Quốc thường được đặt theo quy luật nhất định. Tàu tuần tra đặt tên theo tỉnh hành chính hoặc khu tự trị; tàu khu trục và tàu chiến đặt tên thành phố theo kích cỡ từ lớn đến vừa; tàu ngầm đặt theo tên các huyện lỵ; tàu tiếp nhiên liệu theo tên hồ; tàu đổ bộ theo tên núi, tàu rà phá mìn theo tên khu tự trị, còn tàu đổ bộ bộ binh theo tên sông. Các lớp (Type) tàu ngầm lại được đặt theo các triều đại phong Kiến, ví dụ lớp Hán, lớp Hạ, lớp Thương…

3. Mỹ là lực lượng Hải quân có đội ngũ tàu chiến hùng hậu nhất thế giới cũng có cách đặt tên riêng.

Theo truyền thống, tên gọi cho tàu của Hải quân sẽ được Bộ trưởng Hải quân Mỹ lựa chọn và công bố, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống và các quy tắc do Quốc hội đề ra.

Trong suốt thế kỷ 19, luật pháp Mỹ chỉ định rất rõ ràng nhiệm vụ này cho Bộ trưởng Hải quân, nhưng dẫn chiếu này đã biến mất từ Đạo Luật Mỹ năm 1925.

Ngày nay, trong Chương 10 Đạo Luật Mỹ (U.S.C 10), quy định về vai trò, nhiệm vụ và tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng, không nói rõ về việc ai có thẩm quyền đặt tên mới cho tàu Hải quân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hải quân vẫn khăng khăng bảo lưu quyền tuyệt đối này, dù trong điều 7292 Chương 10 về đặt tên tàu của Hải quân, chỉ nói đến việc Bộ trưởng Hải quân được đổi tên những tàu mua cho Hải quân.

Trong quá trình thảo luận việc lựa chọn tên, Hải quân Mỹ trích dẫn từ các nguồn luật trên và tuyên bố như sau:

“Cùng nhiều vấn đề khác, quy trình và thực tiễn liên quan đến việc đặt tên tàu thực sự là sản phẩm của tiến hoá và truyền thông hơn là quy trình lập pháp. Như chúng ta đã thấy, những tên gọi cho những con tàu mới được quyết định riêng bởi Bộ trưởng Hải quân. Thư ký có thể dựa trên nhiều cơ sở để đưa ra quyết định cuối cùng.

Mỗi năm, Trung tâm Lịch sử Hải quân sưu tập những gợi ý về tên tàu (tên chính và lựa chọn thay thế), gửi cho Tư lệnh Hải quân.

Những gợi ý này là kết quả của việc tìm kiếm trong lịch sử của Hải quân và các gợi ý của các thành viên, cựu chiến binh và công chúng.

Các bản ghi tên tàu tại Trung tâm Lịch sử Hải quân phản ánh những nguồn tên phong phú đã từng được dùng trong quá khứ, đặc biệt là từ sau Thế chiến thứ I.

Những gợi ý về tên gọi của tàu do nhiều nhân tố quy định, như tên các nhóm cho từng loại tàu đang được đóng, tên theo địa lý, tên từ những con tàu trước, tên do cá nhân, nhóm gợi ý, tên những vị lãnh đạo hải quân, thành viên quá cố nhưng được vinh danh về chiến tích trong thời chiến và thời bình.

Tại bước cuối, sau khi cân nhắc các mức độ khác nhau của chỉ thị, Tư lệnh Hải quân sẽ ký bản ghi nhớ những cái tên cho chương trình đóng tàu năm đó, gửi tới Bộ trưởng Hải quân.

Trên cơ sở đó, vị thư ký này cân nhắc trong thời gian phù hợp để chọn tên cho những con tàu riêng biệt và công bố chúng. Dù vậy, việc đặt tên này thường hoàn thành trước khi con tàu được đặt tên thánh.

Quy tắc đặt những cái tên riêng cho từng loại tàu Hải quân đã phát triển qua thời gian. Ví dụ, đối với tàu ngầm tấn công, từng được đặt tên theo các loài cá, sau đó là thành phố và gần đây là theo các bang. Trong khi, các tàu tuần dương, lúc đầu đặt tên theo thành phố, dần dần theo bang và gần đây là theo các trận đánh.

Phát ngôn của Hải quân Mỹ từng tuyên bố: “Dù chúng tôi đã cố gắng hệ thống hoá việc đặt tên tàu, nhưng giống như các thể chế khác là đối tượng của sự thay đổi tiến hóa, nguồn và tên gọi cho tàu Hải quân không tránh được xu hướng này”.

Tuy nhiên, không phải là không có ngoại lệ. Nhiều nhà quan sát đã nhận thấy sự phá cách trong việc đặt tên. Ví thử như 3 chiếc tàu ngầm tấn công thuộc lớp Seawolf (SSN-21), bao gồm Seawolf (SSN-21), Connecticut (SSN-22) và Jimmy Carter (SSN-23). Các tên gọi tương ứng lần lượt với một loài cá, một bang và một Tổng thống, thể hiện cách đặt tên chẳng có nguyên tắc gì cả.

Tuy nhiên, có thể tổng kết cách đặt tên cho các loại tàu do Hải quân như sau:

Tàu sân bay: đặt tên theo các vị Tổng thống Mỹ. 11 trong số 12 tàu sân bay gần đây đặt tên theo Tổng thống Mỹ (9 chiếc) và thành viên của Quốc hội (2 chiếc).

Chỉ có chiếc thứ 12, gần đây nhất, Nimitz (CVN-68) đặt theo tên của vị Đô đốc Chester Nimitz, người chỉ huy Mỹ và liên quân ở Thái Bình Dương trong Thế chiến II. Ông mất vào năm 1966, cùng năm với việc Quốc Hội thông qua kế hoạch ngân sách FY1967, mang về chiếc CVN-68.

Tàu ngầm tấn công: đặt tên theo các bang, ví dụ như tàu ngầm lớp Virginia (SSN-774). Chỉ có ngoại lệ duy nhất đối với chiếc tàu thứ 12 trong lớp này, khi Bộ trưởng Hải quân Donald Winter thông báo chiếc SSN-785 đặt tên cựu Thượng nghị sĩ John Warner.

Tàu khu trục thường được đặt tên theo các vị lãnh đạo hải quân và những vị anh hùng.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại