"Hàng trăm hộ dân nhận tội đánh chết trộm chó không có gì lạ"

Nguyễn Huệ - Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Đó là trích dẫn lời GS. TS Xã hội học Đặng Cảnh Khanh. Ông cho rằng, luật chưa đi vào lòng dân, chưa thể hiện ý nguyện của dân nên mới có chuyện họ "tự xử" trộm chó.

“Phép vua thua lệ làng”

Là một người từng có rất nhiều công trình nghiên cứu về nông thôn và văn hóa làng xã, GS.TS Xã hội học Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển không ngạc nhiên trước thông tin: “Cả làng đánh chết hai tên nghi trộm chó”. Theo ông, chuyện hàng trăm hộ dân cùng kí đơn nhận tội đánh chết “cẩu tặc” ở làng Danh Thượng, xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang không có gì là lạ.

Lý giải cho sự việc người dân không chấp nhận sự trộm cắp, không chấp nhận cái ác, GS.TS Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh vào truyền thống cộng đồng làng xã và tâm lý tôn trọng các giá trị sống trong sạch, tôn trọng những gì thuộc về thành quả lao động của mình của những người nông dân “chân lấm tay bùn”. Đó là truyền thống đã tồn tại từ rất lâu trong cộng đồng người Việt.

GS. TS Xã hội học Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển

GS.TS Xã hội học Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển

GS phân tích: Việc đánh chết kẻ trộm chó là vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được. Tuy nhiên lỗi đầu tiên từ sự việc này phải là từ những kẻ trộm chó.

Người Việt Nam rất quý thành quả lao động do họ làm ra. Chính vì thế, những kẻ trộm phải biết rõ rằng trong những cộng đồng vốn yên bình thì người dân không thể chấp nhận việc những kẻ trộm xâm phạm vào “cõi” của họ.

Trong truyền thống Việt Nam, trộm cướp bị phạt tội rất nặng. Theo sử gia Phan Huy Chú trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, mục “Hình luật chí” thì “kẻ trộm mà tái phạm sẽ bị chém đầu”. “Trộm cướp mà lại dùng hung khí chống lại cũng bị chém, kẻ tòng phạm cùng tham gia sẽ bị treo cổ”, “đang đêm đột nhập tư gia để trộm cướp, chủ nhân có thể giết chết mà không bị phạm tội”.

Người ta trừng phạt tội trộm cướp, không đơn thuần vì giá trị vật chất mà còn để bảo vệ các giá trị về đạo đức, giá trị về tình yêu đối với lao động…“Ở đây vấn đề không phải là một vài con chó. Vì đối với người lao động, vật chất không phải là cái quyết định cuối cùng. Cái chính là người dân bảo vệ một giá trị sống. Họ không chấp nhận những giá trị sống tốt đẹp bị xâm phạm”, GS. TS Đặng Cảnh Khanh nói thêm.

Nơi đối tượng Đặng Văn T (41 tuổi, trú tại xã Danh Thắng) tử vong được anh La Tuấn Khương (trưởng thôn Danh Thượng 2) tái hiện lại.
Nơi đối tượng Đặng Văn T (41 tuổi, trú tại xã Danh Thắng) tử vong được anh La Tuấn Khương (trưởng thôn Danh Thượng 2) tái hiện lại.

Hơn nữa, đặc tính của người Việt từ trước tới nay là sống trong cộng đồng có sự liên kết với nhau và tự quản. Mặc dù pháp luật của Nhà nước rất rõ ràng nhưng mỗi một làng lại có những quy định riêng trong hương ước, phong tục tập quán…

Luật xưa cũng quy định, trộm cướp vào làng thì cả làng phải có nghĩa vụ đánh, bắt. Một gia đình gặp trộm mà hô hoán lên thì cả xóm cùng đuổi đánh, làng nào cũng vậy. Vì vậy, việc cả cộng đồng xông vào đánh trộm là chuyện rất thường tình. “Trước đây, người trong làng mà trộm cắp còn phải chịu “hình phạt” rất nặng huống chi là những kẻ từ làng khác vào phá vỡ sự bình yên trong khu vực mà người dân đang sống.. Nên việc người dân liên kết lại với nhau, tự chịu trách nhiệm tất cả với nhau cũng không có gì là lạ”. “Tôi rất buồn khi nhiều người dùng từ “nghề trộm chó”. Không thể chấp nhận trộm cắp là một “nghề”. Ngày xưa đã như vậy, bây giờ lại càng không thể như vậy”, GS. TS Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh.

Nhận thức về pháp luật của người dân chưa cao

Phân tích thêm về sự việc liên quan tới vụ rất đông dân làng ở Bắc Giang đánh chết hai tên nghi là trộm chó, GS. Khanh đưa ra lập luận: Điều này thật đáng tiếc. Nó chứng tỏ trình độ nhận thức của người dân trong các cộng đồng làng xã về pháp luật của chúng ta chưa cao, chưa tiếp thu được đầy đủ những giá trị văn hóa mới về luật pháp.

Kẻ vi phạm pháp luật cần phải được xử lý trước pháp luật chứ không phải xử lý một cách tự phát. Chỉ có pháp luật mới có quyền kết án tội lỗi của chúng. Tôi biết, có những chiến sĩ công an, hoàn toàn có thể bắn chết tội phạm khi biết chúng dùng hung khí chống lại, nhưng vẫn không quản ngại hy sinh, kể cả hy sinh tính mạng, cố bắt bằng được hung thủ, để đưa chúng ra trước vành móng ngựa. Họ là những người có ý thức luật pháp rất cao.

Sự việc trên cũng còn cho thấy, việc tuyên truyền luật pháp của chúng ta tới người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi luật không thấm sâu được vào dân, thì bản thân rất nhiều cộng đồng vẫn sống bằng những lệ làng. Và trên thực tế khi mà “lệ làng" và “phép nước” không đồng hành với nhau được thì người dân sẽ chỉ biết xử lý các sự việc một cách tự phát mà thôi.

Vết sẹo để lại trên người ông Nguyễn Văn Thu (SN 1966, xã Danh Thắng) khi có mặt tại thời điểm người dân đánh hai

Vết sẹo để lại trên người ông Nguyễn Văn Thu (SN 1966, xã Danh Thắng) khi có mặt tại thời điểm người dân đánh hai "cẩu tặc" và bị kích điện của đối tượng tấn công.

Để tạo sức nặng với những gì mình vừa phân tích, GS. Đặng Cảnh Khanh đưa ra sự so sánh: "Nhiều quốc gia, luật pháp của họ được thực thi rất chặt chẽ trên tất cả các khâu. Luật được công bố tới từng cơ sở, từng người dân để giúp họ nắm vững. Nhiệm vụ của mỗi người công dân không phải là trừng trị một cách tự phát mà là bắt kẻ phạm tội để pháp luật trừng trị. Điều đó, theo GS càng chứng tỏ trình độ nhận tức về luật pháp của người dân ở Hiệp Hòa, Bắc Giang còn hạn chế khiến vấn đề đã trở nên “nóng”.

Luật pháp chưa đáp ứng được đầy đủ ý nguyện của dân

Thêm những nguyên nhân dẫn tới sự việc được đề cập, GS. Đặng Cảnh Khanh cũng cho biết: Luật pháp của chúng ta trong nhiều trường hợp vẫn chưa đáp ứng được ý nguyện của người dân.

Với những kẻ thủ ác, nhiều khi luật pháp còn nương nhẹ. Nhiều kẻ phạm tội, khi người dân vây bắt được thì rất khó nhọc, nhưng chúng lại rất dễ dàng được tha để rồi sau đó lại tiếp tục tái phạm. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân không còn đặt niềm tin vào luật pháp cũng như những người thực thi luật. Khi thấy luật pháp chưa bảo vệ được cho mình và cho cộng đồng một cách chính đáng, người dân sẽ không chịu ngồi nhìn. Họ sẽ tự xử lý mọi việc một cách tự phát theo các chuẩn mực mà họ đặt ra.

“Trường hợp của làng Danh Thượng đã diễn ra cũng với cách thức như vậy. Ở đây một phần lỗi cũng là do cách xử lý về mặt pháp luật của những người làm luật. Luật pháp cần phải được đặt ra cùng với sự đóng góp của chính người dân, khi ban hành cần được người dân hiểu biết rõ ràng. Ngày xưa Hàn Phi Tử, người chủ trương dùng pháp trị (lấy luật pháp mà cai quản đất nước), đã cho rằng, xử tội người dân trong lúc họ chưa hiểu biết về luật là “vô đạo”.

Bởi vậy, cái khó nhất đối với người làm luật là phải làm sao cho dân tán thành, hiểu biết và ủng hộ luật. Luật pháp phải phù hợp với nguyên tắc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Bằng cách này hay cách khác, mọi văn bản luật đều cần phải được trưng cầu ý dân, tổ chức cho dân học tập. Văn hóa mới về luật cũng phải tính đến cả sự kết hợp chặt chẽ giữa phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư với luật pháp của Nhà nước. Hai điều này cần phải đồng hành với nhau”, GS. TS Khanh chia sẻ thêm.

Những mảnh vụn vỡ của chiếc xe máy nhãn hiệu Yamaha Sirius của hai đối tượng trộm chó sau khi bị đổ ngã còn sót lại tại hiện trường.

Những mảnh vụn vỡ của chiếc xe máy Yamaha Sirius của 2 đối tượng trộm chó rơi vãi tại hiện trường.

Đúc rút lại từ những điều đã phân tích, GS.TS Khanh đưa ra nhận xét: "Trong sự việc “Cả làng đánh chết hai tên nghi trộm chó”, cả những kẻ ăn trộm, người dân địa phương và những người làm luật đều phải chịu trách nhiệm.

Đối với người dân, nếu luật pháp có điều gì chưa hoàn thiện thì chúng ta sẽ điều chỉnh, rút kinh nghiệm, sẽ đóng góp để điều chỉnh chứ không nên tự đặt ra luật. Bởi vậy, mỗi người dân trong cộng đồng cũng rất cần phải học luật để có cách hành xử đúng đắn nhất trong mọi trường hợp".

“Bản thân những người soạn thảo và thực thi luật pháp cũng phải rút kinh nghiệm để xem luật đó có chính xác và phù hợp với cộng đồng người dân chưa. Phải tự đặt câu hỏi, vì sao người dân địa phương không tuân thủ mà hành xử theo luật của họ”, GS. Khanh nhận định.

Bàn về trách nhiệm của chính quyền địa phương, GS. Đặng Cảnh Khanh cho biết: Rõ ràng vai trò của chính quyền địa phương trong trường hợp này còn hạn chế. Với một cộng đồng “đoàn kết” với nhau như ở Hiệp Hòa, hàng trăm hộ dân cùng kí đơn nhận giết chết “cẩu tặc”, nếu chính quyền có được những định hướng đúng đắn, phát huy được “tinh thần tập thể” ấy để bảo vệ trật tự trị an cho làng xã thì đã không xảy ra chuyện đáng tiếc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại