9K38 Igla: Sát thủ máy bay tầm thấp của Nga

Lt Cdr. Mikhail Sergeyevich |

(Soha.vn) - 9K38 Igla (trong tiếng Nga là: 9K38 Игла́ – “Cây kim sắc”) là một loại tên lửa không đối đất (Surface to Air Missile – SAM) tầm gần sử dụng tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại.

'Sát thủ' 9K388 Igla-S đang được biên chế trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Igla là một sản phẩm SAM của Liên bang Xô Viết (USSR) và hiện nay là Liên bang Nga nghiên cứu phát triển. Igla được NATO định danh là SA-18 “Grouse”, “Grouse” nghĩa là kẻ khó chịu. Và trên thực tế trong các cuộc xung đột, Igla đã thể hiện “sự khó chịu” của mình với các máy bay của phía Hoa Kỳ và NATO.

Igla có 2 phiên bản gồm 9K310 Igla-1 (được phía NATO định danh là “Gimlet” Phiên bản thứ 2 là 9K388 Igla-S (được phía NATO định danh là SA-24 “Grinch” – “Grinch” là một nhân vật hoạt hình được miêu tả với vẻ ngoài của “quái vật” và là kẻ chuyên gia phá đám những thứ bay trên bầu trời vào giáng sinh. Igla-S là phiên bản nâng cấp và hiện đại hóa từ Igla-1 với những chức năng hiện đại nhất hiện nay. Igla-S hiện đã được biên chế cho Quân đội Liên bang Nga từ những năm 2004 và còn được sử dụng cho đến nay với vai trò là hệ thống tên lửa vác vai (MANPADS). Ngoài ra, còn có 1 biến thể khác của Igla có 2 nòng phóng tên lửa với cái tên là Djigit.

Biến thể 2 nòng của Igla (được NATO định danh là SA-18).

Igla được xếp vào loại tên lửa SAM chống máy bay tầm gần vác vai và được Cục thiết kế Kolomna OKB phát triển vào năm 1972. Có một số thông tin  cho rằng Igla là thế hệ hiện đại hóa tiếp theo của dòng MANPADS Strela bao gồm Strela-2 (được NATO định danh là SA-7) và Strela-3 (được NATO định danh là SA-14. Tuy nhiên, Igla không phải là phiên bản tiếp theo thuộc gia đình Strela mà là 1 loại MANPADS khác hẳn, với những tính năng mới như hệ thống phân biệt bạn - thù (Indentification Friend or Foe – IFF). Hiện nay, Strela-3 và Igla-S là 2 loại tên lửa phòng không vác vai hiện đại nhất của Nga.

Igla ra đời nhằm lấp đi những điểm yếu của hệ thống Strela trước đó là không có hệ thống IFF, tầm hoạt động khá ngắn… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển loại MANPADS Igla, đã có một số vấn đề khó khăn với công nghệ và quá trình nghiên cứu, khiến thời gian nghiên cứu kéo dài hơn so với dự tính.

Tên lửa 9M33 được phóng đi tiêu diệt mục tiêu.

Thế nhưng lúc này, Quân đội Liên bang Nga lại cần đến 1 hệ thống mới hiện đại và thông minh hơn Strela. Vậy là dự án Igla lại được chia thành 2 dự án nhỏ với quy mô và các công nghệ khác nhau:

-9K310 Igla-1: là một phiên bản với các tính năng khá hoàn thiện nhưng lại sử dụng đầu dẫn đường IR dựa trên phiên bản Strela-3 nhằm giảm tối đa thời gian phát triển, và nhằm được biên chế sớm hơn. 9K310 Igla-1 bị ngưng sử dụng vào ngày 21-5-1983 khi Igla-S được trang bị.

- 9K388 Igla-S: phiên bản hoàn thiện nhất, sử dụng các công nghệ mới nhất. Đầu dẫn đường mới và hiện đại hơn nhằm thay thế cho Igla-1.

Tuy là 2 phiên bản Igla, nhưng vẻ bề ngoài của chúng thì không khác nhau là mấy, điều khác biệt cơ bản là hệ thống dẫn đường và loại tên lửa sử dụng mà thôi.

Igla-1: sử dụng tên lửa 9M131 được đưa vào sử dụng từ ngày 11-3-1981. Điểm khác biệt chính của nó so với Strela là được trang bị hệ thống IFF nhằm không có sự cố nhầm lẫn khi bắn vào các máy bay đồng minh, đây là một công nghệ nhận diện mục tiêu khá hiện đại. Khi phát hiện ra máy bay là đồng minh, ngay lập tức hệ thống IFF sẽ tự động khóa nòng và không thể bắn được tên lửa.

Cơ cấu hoạt động của hệ thống phân biệt bạn-thù (IFF) trên Igla-S.

Bên cạnh đó là hệ thống dẫn đường có tính năng vượt trội hơn, nhằm dẫn đường cho tên lửa tốt hơn và linh hoạt hơn để hạ gục các mục tiêu bay với tốc độ cao. Igla-1 còn được thiết kế để giảm thiểu tối đa độ giật của ống phóng khi bắn tên lửa. Ngoài ra, khả năng sát thương mục tiêu được nâng cao hơn. Thay vì như Strela sẽ phát nổ ngay khi chạm vào mục tiêu thì khi va chạm mục tiêu, Igla sẽ để đầu đạn găm sâu vào bên trong máy bay, 2 giây sau mới phát nổ. Điều này có được là nhờ sử dụng hệ thống dẫn nổ cháy chậm và sự kết hợp của chip dẫn nổ mới được trang bị cho Igla.

Ngoài ra, thay vì tấn công vào đuôi hoặc buồng đốt của động cơ, Igla tấn công vào thân máy bay. Điều này sẽ chắc chắn hạ gục được những máy bay lớn và có 2 động cơ. Đây là một trong những tính năng sáng giá mới của Igla so với Strela. Theo cục thiết kế Kolomna OKB thì xác suất tiêu diệt mục tiêu của Igla đạt từ 30-48% với các mục tiêu bay với vận tốc siêu âm. Với các mục tiêu bay ở vận tốc dưới Mach 2 thì xác suất tiêu diệt mục tiêu là từ 59% đến 64%. Trong khi đó, xác suất tiêu diệt mục tiêu của Strela chỉ là 24%.

Igla-S: sử dụng tên lửa 9M33 được biên chế vào Quân đội Liên bang Xô Viết từ những năm 1983 nhằm thay thế Igla. Qua đó, cải tiến thêm một số điểm của Igla-1 như:

+Giảm tối đa ảnh hưởng của pháo sáng, mồi bẫy nhiệt và cả xung điện làm nhiễu.

+Đầu đạn có độ nhạy rất cao và có thể theo sát bất kỳ mục tiêu nào.

+Mở rộng vùng hoạt động, có thể chống lại độ lệch tâm nếu hoạt động trong các khu vực chuyển tiếp giữa các bán cầu.

+Tốc độ tên lửa cao hơn vầ khả năng bay linh hoạt hơn.

Hiện nay, còn có thêm một phiên bản Igla được trang bị cho tàu ngầm và tàu nổi là SA-N10 Grouse. Sắp tới đây, Nó sẽ được trang bị cho tàu ngầm Kilo 636M của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Chiến tích đáng nể của Igla

Một chiếc A-10 ThunderBolt may mắn khi chỉ bị Igla làm rách cánh đuôi.

Iraq: Trong chiến dịch Vịnh Persian (vịnh Ba Tư) vào ngày 17-1-1991, SA-16 đã hạ được 1 chiếc Panavina Tornado của Hải quân Hoàng Gia Anh, phi công tử nạn. 10 ngày sau, 1 chiếc F-10 của Không quân Hoa Kỳ cũng bị nó bắn rơi, phi công bị bị bắt sống ngay sau đó.

Bosnia: Vào năm 1995, trong cuộc tấn công cố ý của NATO nhằm vào Bosnia và Herzegovina, 1 chiếc Mirage 2000D của Không quân Pháp đã bị Igla-S hạ gục trên bầu trời thành phố Pala. Phi công bị bắt sống nhưng được trả tự do vào 2-12-1995 cho Chính phủ Pháp.

Chiếc Mirage 2000D bị Igla-S bắn hạ tại Bosnia (nay là Serbia).

Ngoài ra Igla còn tham gia vào một số cuộc xung đột sắc tộc ở Châu Phi và hạ được một số chiếc A-37 “Dragonfly”, cùng một số trực thăng tấn công mặt đất khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại