Ai hưởng lợi khi bến xe Mỹ Đình “vượt” lệnh cấm của Sở GTVT Hà Nội?

Khả Danh |

(Soha.vn) - Vào tháng 10/2009, Sở GTVT Hà Nội ra thông báo số 1382 về việc tạm dừng bổ sung xe khách vào hoạt động ở bến xe Mỹ Đình, nhưng sau đó số lượng xe khách hoạt động tại bến này vẫn tăng lên rất nhanh, có những thời điểm lên tới hơn 1400 lượt xe/ngày. Ai đang hưởng lợi phía sau “lệnh cấm” của Sở GTVT Hà Nội?

Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều qua, ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay tại bến xe Mỹ Đình có khoảng 1233 lượt (chuyến) xe/ngày, trong đó Sở GTVT Hà Nội chỉ thỏa thuận 349 lượt xe/ngày, số còn lại do Tổng Cục đường bộ và Sở GTVT các tỉnh thỏa thuận. 

Ngày bình thường bến xe Mỹ Đình có khoảng 920 lượt xe/ngày, vào những ngày cao điểm lên tới 1.400 lượt/ngày. Tình trạng quá tải lên tới mức khó kiểm soát ở bến Mỹ Đình cần phải được giải quyết sớm, do đó ngày 2/4/2013, Sở GTVT đã có tờ trình số 391/TTr-SGTVT gửi UBND TP. Hà Nội kiến nghị di chuyển 525 phương tiện thuộc 59 đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình.

“Sở GTVT đã có tờ trình số 391/TTr-SGTVT ngày 2/4/2013 gửi UBND TP. Hà Nội và đã nhận được công văn chỉ đạo số 1605/VP-QHXDGT của UBND TP. Hà Nội. Quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là sẽ di chuyển 525 lượt xe ra khỏi bến Mỹ Đình về bến xe Gia Lâm và bến xe Yên Nghĩa, vừa để giảm tải cho bến Mỹ Đình, vừa để tạo điều kiện đi lại cho bà con”, ông Hùng nói.


	Ngày bình thường bến xe Mỹ Đình có khoảng 920 lượt xe/ngày, vào những ngày cao điểm lên tới 1.400 lượt/ngày.

Ngày bình thường bến xe Mỹ Đình có khoảng 920 lượt xe/ngày, vào những ngày cao điểm lên tới 1.400 lượt/ngày.

GĐ Sở GTVT cũng khẳng định, việc lập danh sách các tuyến xe khách di chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình đều dựa trên điều kiện và nhu cầu thực tế. “Ở đây không có chuyện anh đi hay anh ở thì phải ‘bôi trơn’ như thông tin từ dư luận. Tôi khẳng định là không có chuyện phải ‘bôi trơn’ hay ‘nhóm lợi ích’ trong việc xử lý những tồn tại ở bến xe Mỹ Đình. 

Nếu báo chí và dư luận phát hiện được bất cứ trường hợp nào sai phạm hoặc nhũng nhiễu, xin vui lòng thông báo cho lãnh đạo Sở GTVT hoặc thanh tra Sở GTVT, chúng tôi cam kết sẽ xử lý hết sức nghiêm túc”, ông Hùng cho biết.

Trả lời câu hỏi: Vì sao Sở GTVT Hà Nội ra văn bản 1382 mà vẫn có hàng trăm xe được cấp phép hoạt động tại bến Mỹ Đình? Liệu có vấn đề “nhóm lợi ích” phía sau văn bản này hay không?

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay: “Chúng tôi đã giao thanh tra Sở GTVT sớm kiểm tra làm rõ điều này, tất cả những trường hợp vi phạm, làm sai quy định của cơ quan quản lý nhà nước, gây nhũng nhiễu với người dân sẽ phải xử lý nghiêm minh”.

Ngoài ra, GĐ Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, trên thực tế nhiều năm qua, Hà Nội chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách liên tỉnh và chưa phát triển được các bến xe. Vì vậy, dẫn tới tình trạng nhiều năm qua cung không đáp ứng nổi cầu. 

Vận tải hành khách liên tỉnh những năm qua rất phát triển, mỗi năm vận chuyển khoảng 60 triệu lượt hành khách trên địa bàn Thủ đô. Nhu cầu đi lại lớn, nhưng thực trạng các bến xe thì chưa đáng ứng được nhu cầu thực tế, địa bàn thành phố chỉ có bốn bến chính: Bến xe Gia Lâm (thành lập từ năm 1988) trên cơ sở di chuyển bến xe Long Biên; Bến xe Giáp Bát được thành lập năm 1990 trên cơ sở di chuyển bến xe Kim Liên; Bến xe Mỹ Đình thành lập từ năm 2004 trên cơ sở di chuyển bến xe Kim Mã; Bến xe Hà Đông chuyển thành bến xe Yên Nghĩa. Những bến xe như Nước Ngầm hay Lương Yên là hoạt động có tổ chức theo hình thức xã hội hóa.

“Để tạo điều kiện cho quá trình phát triển thì trước đây đã có những quy định các xe vào bến xe của Hà Nội chỉ cần Sở GTVT một đầu và bến chấp thuận là được phép hoạt động. Quy định này là để tạo điều kiện phát triển cho mạng lưới vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại cho bà con, nhưng mặt khác nó cũng đã xảy ra vấn đề quá tải, khó kiểm soát như tại bến Mỹ Đình thời gian qua”, ông Hùng cho hay.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng thông tin thêm, Sở GTVT Hà Nội xin trình với UBND TP cho phép các tuyến buýt hoạt động ở bến Yên Nghĩa hay Gia Lâm được phép trở thêm hành lý cho nhân dân, vì đây là các bến xe ngoại tỉnh, người dân không chỉ có nhu cầu đi lại thông thường.

“Chúng tôi cũng đã tính tới nhu cầu đi lại của người dân, vì thế khi di chuyển một số lượng xe ra bến Yên Nghĩa thì sẽ có một số lượng xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con. Bên cạnh đó, sẽ có tuyến buýt nhanh và khi dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoàn thành, điều kiện đi lại của bà con sẽ tốt hơn nữa”, ông Hùng nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại