Hôn nhân đồng giới: Xã hội sẽ tuyệt chủng !?

Thiên Di |

(Soha.vn) - Đó là một trong 10 điều mọi người lầm tưởng về hôn nhân cùng giới. Thực tế, có đến 5 – 7% dân số thế giới là người đồng tính và việc cho phép người đồng tính kết hôn không ảnh hưởng đến việc sinh con của những cặp khác giới.

Mới đây, Pháp là quốc gia thứ 14 công nhận hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi và theo khảo sát chỉ có 39% ủng hộ kết hôn đồng tính. Vậy việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Việt Nam gặp những rào cản nào?

14 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 5 - 7% dân số là người đồng tính và theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), ở Việt Nam ước tính có 1,65 triệu người đồng tính.

Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở nhiều nước trên thế giới. Ngày 1/4/2001, Hà Lan là nước đầu tiên hợp pháp hóa hoàn toàn hôn nhân cùng giới. Cho đến thời điểm này, Pháp là quốc gia thứ 14 cho phép hôn nhân đồng tính (ban hành luật vào ngày 18/5/2013).

Ông Benjamin Guégau, luật sư đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trình bày trong buổi tọa đàm cặp hôn nhân đồng giới cho biết: Luật mới của Pháp quy định cho phép người đồng tính được kết hôn và nhận nuôi con. Cụ thể, ở điều 143 quy định hôn nhân là sự kết hợp giữa hai người khác giới hoặc đồng giới.

Tuy nhiên, ông Benjamin cũng nói thêm, luật không quy định cặp đồng giới sinh con theo biện pháp hỗ trợ của khoa học và cấm mang thai hộ đối với người dị tính và đồng tính.

Đối với ở Việt Nam, cộng đồng LGBT (đồng tính, chuyển giới, song tính) trong vòng hơn 10 năm nay đều lên tiếng ủng hộ hôn nhân đồng giới bằng các hoạt động hàng loạt cặp đôi đồng tính tổ chức cưới. 

Từ năm1997, ở TP HCM đám cưới đồng tính đầu tiên ở Việt Nam là sự kết hợp giữa hai người nam. Sau đó, đã có rất nhiều đám cưới đồng tính diễn ra ở khắp nơi nhưng họ đều bị chính quyền can thiệp, sự phản đối của gia đình và kỳ thị của dư luận.

Hôn nhân đồng giới ở Việt Nam vẫn bị phản đối gay gắt. (Ảnh chụp tại sự kiện

Hôn nhân đồng giới ở Việt Nam vẫn bị phản đối gay gắt. (Ảnh chụp tại sự kiện "Yêu là cưới" ủng hộ hôn nhân đồng giới tại Hà Nội).

Bởi vậy, người đồng tính mong muốn nhà nước cho phép hôn nhân đồng giới và quy định nên đưa vào Luật Hôn nhân Gia đình. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng.

Ở Việt Nam: Nhiều người lo ngại

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về thái độ của xã hội đối với người đồng tính thì 77% người dân ủng hộ quyền bình đẳng của người đồng tính, nhưng chỉ có 36% ủng hộ kết hôn đồng tính.

Như vậy, đa số họ đều cho rằng người đồng tính có quyền được sống với nhau theo nguyện vọng của họ. Nhưng họ e ngại hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vì gây ảnh hưởng đến xã hội, làm suy giảm dân số, không đảm bảo chức năng gia đình hay giá trị truyền thống của hôn nhân sẽ bị phá vỡ…

Đưa ra lý do về sự lo ngại này, ông Lê Quang Bình, giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết, những kiến thức khoa học về người đồng tính ở Việt Nam còn rất thiếu. Hơn nữa, khó khăn lớn nhất vẫn là quan niệm đạo đức, văn hóa gia đình truyền thống.

Từ trái sang phải: Ông Benjamin Guégau, luật sư đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Lương Thế Huy (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường); ông Lê Quang Bình, giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường.

Từ trái sang phải: Ông Benjamin Guégau, luật sư đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Lương Thế Huy (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường); ông Lê Quang Bình, giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường.

Còn ông Lương Thế Huy, thành viên ICS - tổ chức của cộng đồng LGBT tại VN lý giải rằng: “Hôn nhân đồng giới không ngăn cản hôn nhân khác giới, không làm ly hôn tăng lên, không làm tăng nạn bạo hành gia đình. Đồng tính không phải là bệnh lây truyền mà là xu hướng tự nhiên thuộc về con người. Và việc cho phép người đồng tính kết hôn không ảnh hưởng đến việc sinh con đẻ cái của những cặp khác giới”.

Một vấn đề nhiều người lo ngại chính là liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong những gia đình đồng giới.

Về việc này, TS Nguyễn Thu Nam – Khoa Dân số và Phát triển, Viện chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế lý giải: "Trong các nghiên cứu gia đình trong vòng 40 năm gần đây đều thừa nhận sự phát triển và hạnh phúc của trẻ lại phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa trẻ và người lớn mà không phụ thuộc vào cấu trúc gia đình bố mẹ khác giới hay cùng giới, hay bố mẹ độc thân.

Thậm chí, một số nghiên cứu còn chỉ ra những đứa con do đồng tính nữ sinh ra và được nuôi dưỡng trong gia đình đồng tính nữ có một số khả năng vượt trội hơn trẻ em trong gia đình hôn nhân truyền thống".

Trên thực tế dù là pháp luật không cho phép, cặp đôi đồng tính vẫn sống chung với nhau. Nhưng họ bị mất đi nhiều quyền lợi như quyền thừa kế, quyền tài sản chung, nhận con nuôi, quyền hưởng phúc lợi xa hội, lao động như các cặp khác giới.

“Sự công nhận của pháp luật có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện rằng xã hội tôn trọng phẩm giá của mọi con người như nhau và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho tất cả công dân. Hôn nhân đồng tính đã được chứng minh là không sai trái, không gây nguy hại cho xã hội”, ông Lương Thế Huy nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại