Liên tiếp hai sự kiện nổ tàu dầu ở eo biển Hormuz và việc Vệ binh Cách mạng Iran bắn rơi máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ đã đẩy quan hệ Tehran - Washington tiến gần hơn tới "miệng hố chiến tranh".
Động thái hai bên chỉ trong hơn một ngày qua càng khiến cho giới phân tích nhận định một cuộc chiến là khó tránh khỏi sau nhiều năm tháng "rập rình".
Thật vậy, chỉ một ngày sau khi Iran tuyên bố bắn rơi UAV MQ-4C Triton, một biên đội máy bay ném bom chiến lược B-52H đã bay vọt qua vùng vịnh Péc-Xích.
Trong khi chỉ huy lực lượng không gian vũ trụ IRGC cho hay, các đơn vị phòng không nước này vừa "tha" máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ xâm phạm không phận.
Nói chung lý do đã có đủ, còn lại chỉ là bao giờ và khi nào chiến sự sẽ nổ ra.
Trước khi tới giờ "G", một trong những vấn đề đang nhiều người quan tâm là sức mạnh phòng không - không quân Iran thế nào, liệu có đủ sức đối phó với Tomahawk và máy bay Mỹ?
Phòng không nội - ngoại đông đảo, sức mạnh rất lớn, đầy bí ẩn
Trước hết, bàn về trang thiết bị phòng không Iran nói chung (gồm cả Quân đội Iran và Vệ binh Cách mạng IRGC), số lượng rất đông đảo, đa chủng loại, đủ cả "hàng nội và ngoại".
Với vũ khí nhập khẩu, theo các số lượng thống kê tương đối, Iran hiện có chừng 700 bệ phóng tên lửa đất đối không do Nga sản xuất như S-200, 2K12 Kub (SA-6), Tor, S-300PMU2 và loại do phương Tây cung cấp trước năm 1990 như MIM-23 HAWK (Mỹ), Rapier (Anh).
Giá trị nhất trong số các vũ khí nhập khẩu "không ai khác" là S-300PMU2 mà Nga chuyển giao cho Iran năm 2018. Số lượng ước tính 4 tổ hợp, trang bị đạn tầm xa 48N6E2 có tầm bắn tới 200km, độ cao tới 27km.
Về kho vũ khí nội, trong nhiều năm Iran bằng nhiều cách thức đã tạo ra vô số các tổ hợp tên lửa đất đối không đủ kiểu loại, đủ hình dạng và tất nhiên là tính năng được quảng cáo "hiện đại".
Số lượng rất khó có thể đo đếm một cách độc lập và chính xác, chỉ có thể ước đoán họ có con số tương đương kho vũ khí ngoại.
Trong đó, nổi bật lên là hệ thống phòng không tầm trung Raad và 3rd Khordad vừa được IRGC sử dụng để bắn rơi UAV RQ-4 Global Hawk trị giá 182 triệu USD của Mỹ.
Theo các thông tin từ truyền thông Nhà nước Iran, Raad và 3rd Khordad thực ra như là "một thể", đúng hơn 3rd Khordad là một trong 3 phiên bản của Raad ra mắt năm 2012.
Loại tên lửa này có hình dạng bệ phóng khá giống với tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung 9K37 Buk của Liên Xô (cũ) nhưng giàn phóng thì chỉ có 3 đạn, trông như của SA-6 từng được mệnh danh là "3 ngón tay thần chết". Tầm bắn của các phiên bản từ 50-105km.
Loại thứ 2 cũng có khả năng khiến Mỹ phải lo ngại đó là tên lửa tầm trung Sayyad ra mắt năm 2015. Loại này có kết cấu bệ phóng khá giống Patriot PAC-2, đạn thì giống với tên lửa hải đối không RIM-66 SM-1 cùng của Mỹ.
Sayyad trước mắt có hai phiên bản gồm: Sayyad 2 (tầm bắn 100-120km, độ cao tới 27km) và Sayyad 3 (tầm bắn 120-150km, độ cao 30km).
Ngoài ra, Iran còn "lai tạo" MIM-23 Hawk (Mỹ) sản xuất ồ ạt tên lửa Mersad có kết cấu giống hệt; Ya Zahra-3 có hình dạng hệt tên lửa HQ-7 của Trung Quốc; Sayyad-1 thì hệt như HQ-2 hay SA-2 nhưng có tầm bắn xa hơn tới 80-100km.
Đáng phải quan tâm, Iran còn đang trong quá trình phát triển hệ thống phòng không mang tên Bavar-373 được cho là sánh ngang với S-300 của Nga.
"Át chủ bài" không quân bị nắm thóp, rất căng!
Trái ngược với sức mạnh phòng không, lực lượng không quân Iran được trang bị không quá hiện đại, thậm chí nhiều loại máy bay bị đối phương nắm rõ "ưu và nhược điểm".
Theo thống kê của hãng thông tấn MEHR (Iran) và tạp chí Flight Global Insight, Không quân Iran hiện có gần 180 máy bay chiến đấu các loại còn IRGC có hơn 20 chiếc.
Tuy vậy, số máy bay tiêm kích phòng không, chiếm ưu thế trên không chỉ có chừng 120 chiếc. Đóng vai trò "át chủ bài" là 24 tiêm kích hạng nặng F-14A Tomcat mà Iran có được trước Cách mạng Hồi giáo Iran 1979.
Dù giai đoạn sau đó tới nay bị Mỹ cấm vận dữ dội, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, Iran vẫn có thể duy trì 24-28 chiếc (trong tổng số khoảng 40-50 chiếc sau cuộc chiến với Iraq những năm 1980) trong biên chế tới tận thời điểm này.
Các nguồn tin truyền thông Iran cho hay, hầu hết máy bay F-14 hiện tại đã được tích hợp nhiều linh kiện nội địa. Ngay cả tới vũ khí, Iran cũng đã thay đổi ít nhiều.
Tuy nhiên, dù cho có thay đổi linh kiện thì tính năng bay, các ưu - nhược điểm của tiêm kích đánh chặn cánh cụp cánh xòe là không thể thay đổi.
Mỹ có thời gian dài sử dụng F-14, cho nên họ chắc chắc hiểu rõ mình phải đối đầu cái gì.
Đó là ưu thế của Mỹ và là bất lợi không nhỏ với Không quân Iran khi "Ách chủ bài" của họ sớm bị "nắm thóp".
Phần còn lại của lực lượng tiêm kích không khá khẩm cho lắm, Iran có 47 chiếc F-4 Phantom II, 20 MiG-29A đời đầu lạc hậu, 17 F-7 (phiên bản MiG-21 Trung Quốc); 25 F-5.
Đáng lưu ý là Iran từng tuyên bố đưa vào trang bị tiêm kích nội địa Saeqeh. Nhưng nhận định chung giới phân tích thì nó không khác gì một chiếc F-5 cổ lỗ lắp thêm một cái cánh đuôi trông như F/A-18. Tính năng của nó gần như không đáng được để mắt tới.
Thiệt hại là chắc chắn, nhưng sẽ có bất ngờ lớn
Dẫu vậy, nhìn chung năng lực phòng không - không quân Iran nếu hợp lại một cách nhuần nhuyễn, có hệ thống thì vẫn đủ sức đối phó với một cuộc tập kích đường không bằng Tomahawk và máy bay chiến đấu chiến thuật, máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.
Thế nhưng, vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận là thiệt hại chắc chắn sẽ có. Nên nhớ Mỹ là nước chủ động gây chiến nhiều nhất trên thế giới, họ có vô số kinh nghiệm đối đầu hệ thống phòng không phức tạp và hiện đại ở Trung Đông thường theo mô hình Liên Xô.
Từ Iraq tới Libya, Syria, đều được giá cao về sức mạnh phòng không, nhưng rốt cuộc họ vẫn thất bại thảm hại trước tên lửa Tomahawk và chiến đấu cơ của Liên quân.
Cho nên, các mục tiêu chiến lược của Iran như nhà máy điện hạt nhân, cơ sở nghiên cứu vũ khí, căn cứ quân sự khó tránh khỏi việc bị thiệt hại nặng.
Có chăng, Iran có thể làm tốt hơn so với các nước khác ở khả năng phản kháng, đánh trả. Vũ khí Iran nhiều phần khó được kiểm chứng, nhưng đó lại là lợi thế của họ - sự bí ẩn.
Bí ẩn tới mức đối phương không đánh giá hết được sức mạnh là một ưu thế lớn với Iran lúc này, chỉ mong rằng các vũ khí của họ hoạt động tốt, đúng hoặc gần đúng với những gì họ đã tuyên bố.
Bên cạnh đó, khả năng ngụy trang cũng là một điểm cộng với Quân đội Iran, lưu ý nhiều phần tên lửa Iran lâu này đều sử dụng các khung gầm xe vận tải dân sự.
Cách làm này khiến hệ thống trinh sát đối phương không nhận ra đêu là mục tiêu dân sự, đâu là quân sự. Qua đó, Quân đội Iran có lẽ dễ dàng tránh né, rồi bất thình lình đánh trả.
Có thể họ vẫn chịu thiệt hại, nhưng nếu hạ được một phần Tomahawk, hay một vài máy bay chiến đấu Mỹ thì đó vẫn là chiến thắng "vang dội".
Thậm chí, họ có thể làm nhiều hơn thế khi mà trong tay lúc này đã có tên lửa S-300PMU2, một hệ thống có đầy đủ khả năng tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược như B-52H hay các chiến đấu cơ tàng hình F-22, F-35.
Thiệt hại là có thể xảy ra, nhưng Iran dẫu thế nào, với những gì họ đã làm được tới lúc này thì điều bất ngờ chắc chắn sẽ đến - đó là một hoặc nhiều thắng lợi chấn động!
Iran giới thiệu hệ thống phòng không tầm xa Bavar 373.