Phương Tây phá vỡ giới hạn cung cấp vũ khí
Phía Ukraine cho biết, các lực lượng nước này đã tiến thêm được vài km trên mặt trận Bakhmut và không để mất vị trí nào trong tuần này.
Theo một số nhà phân tích, các trận đánh tại Bakhmut giống với kiểu chiến tranh chiến hào của thế kỷ trước. Tuy nhiên công nghệ vũ khí mà hai bên sử dụng đã tạo ra sự khác biệt, trong đó phải kể đến sự xuất hiện của máy bay không người lái và các loại vũ khí tiên tiến khác.
Khẩu pháo M777 do Mỹ cung cấp cho Ukraine tại vị trí bắn ở Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: NY Times.
Giới phân tích cho rằng, cuộc phản công sẽ là phép thử để xem xét liệu những vũ khí mà Ukraine tiếp nhận được trong hơn 1 năm qua có giúp thay đổi cuộc chơi hay không.
Điều này rất quan trọng bởi nhìn chung phương Tây đã cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn vũ khí và phương tiện khác nhau để giúp nước này đối phó với các cuộc tấn công của Nga.
Trong cuộc phản công vào năm 2022, Ukraine đã tiến hành các hoạt động phối hợp và giành lại một số vùng lãnh thổ quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn các khu vực mà nước này giành lại quyền kiểm soát không phải chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội như hiện nay.
Ở thời điểm đó, hoạt động tấn công của Ukraine được cho là có yếu tố bất ngờ, nhưng giờ đây Nga đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Các hoạt động tấn công luôn phức tạp và rủi ro hơn nhiều so với hoạt động phòng thủ. Ukraine đã giành nhiều tháng để tập hợp các lữ đoàn tấn công, huấn luyện khoảng 40.000 binh sỹ mới để củng cố lực lượng và thay thế cho hàng nghìn binh sỹ thương vong trên chiến trường.
Nước này cũng tích lũy một lượng lớn vũ khí của phương Tây, từ hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T, lựu pháo M777, pháo tự hành CAESAR, hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS cùng các loại xe tăng, xe bọc thép.
Mới đây, Anh đã cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow – một loại vũ khí tấn công chính xác tiên tiến đã chứng minh hiệu quả trong thực chiến.
Còn Đức đã quyết định cung cấp gói hỗ trợ quân sự cực lớn cho Ukraine trị giá 2,7 tỷ euro (hơn 2,9 tỷ USD) cho Ukraine trong những tuần và tháng tới đây.
Danh sách gói hỗ trợ mới nhất này bao gồm 20 xe chiến đấu bộ binh Marder, 30 xe tăng Leopard-1-A5, 18 pháo tự hành bánh lốp, 15 pháo phòng không Gepard, 200 máy bay không người lái trinh sát, 4 hệ thống phòng không IRIS-T cùng đạn dược, nhiều đạn pháo bổ sung cùng hơn 200 phương tiện hậu cần và chiến đấu bọc thép.
Hàng loạt câu hỏi hóc búa trước cuộc phản công của Ukraine
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kết hợp tất cả các hệ thống vũ khí này với nhau và chúng sẽ hoạt động như thế nào khi phải di chuyển liên tục? Liệu các binh sỹ Ukraine từng được phương Tây đào tạo có thể vận hành tốt để giành lại những vùng lãnh thổ đã mất hay không?
Rob Lee, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho rằng: “Các binh sỹ thường mất thời gian dài tham gia các khóa huấn luyện và đào tạo để thực hiện những hoạt động phức tạp này. Nhưng các đơn vị mới của Ukraine không có nhiều thời gian như vậy vì họ phải gấp rút ra chiến trường thay thế cho lực lượng bị tổn thất”.
Chưa kể, không quân của Ukraine đang cạn kiệt vũ khí sau thời gian dài giao tranh, điều đó đồng nghĩa với việc Kiev sẽ phải tiến hành cuộc phản công mà không có sự hỗ trợ từ trên không.
Trong khi đó, Nga cũng có rất nhiều loại vũ khí lợi hại và nước này đang tìm kiếm thêm nguồn cung cấp từ bên ngoài, chẳng hạn như máy bay không người lái giá rẻ của Iran. Ngoài ra, nước này được cho là chưa triển khai các đơn vị không quân và vũ khí trên không tốt nhất ra chiến trường.
Vẫn chưa rõ khi nào cuộc phản công của Ukraine sẽ diễn ra. Một số người cho rằng nó đã bắt đầu mặc dù Tổng thống Zelensky tuần này nói rằng ông muốn tạm hoãn cho đến khi nhận được thêm nhiều vũ khí phương Tây.
Theo các nhà quan sát, tuyên bố này của ông Zelensky có thể là “ý định đánh lạc hướng” hoặc là một phần trong chiến lược của Ukraine khiến phương Tây phải cung cấp thêm vũ khí.
Nhưng bất cứ khi nào mệnh lệnh được đưa ra, các binh sỹ Ukraine sẽ cần chuẩn bị sẵn sàng vì họ có thể phải đối mặt với nhiều trở ngại và sự kháng cự mạnh mẽ của Nga.
Nếu Ukraine có thêm một ngày chuẩn bị thì Nga cũng có thêm một ngày để củng cố lực lượng và hệ thống phòng thủ. Dù chịu tổn thất đáng kể, nhưng Nga vẫn có lợi thế về quân số và vũ khí so với Ukraine.
Điện Kremlin kiểm soát khoảng 103.600 km2 đất, chiếm khoảng 18% diện tích Ukraine, bao gồm phần lớn các tỉnh phía đông Donetsk và Lugansk, các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia ở phía Nam và cả bán đảo Crimea.
Ông Zelensky đã nói rõ về mục tiêu cuối cùng của cuộc phản công: giải phóng tất cả các khu vực của Ukraine hiện do Nga kiểm soát, trong đó có Crimea, và khôi phục biên giới giữa hai nước được thiết lập vào năm 1991.
Nhưng một số quan chức Ukraine lo ngại nước này khó có thể đạt được mục tiêu đó, ít nhất là trong năm nay.
Đối với các nước phương Tây, nỗ lực viện trợ quân sự không ngừng nghỉ cho Ukraine đã khiến những nước này rơi vào tình trạng cạn kiệt kho dự trữ và phải đau đầu tìm kiếm chuỗi cung ứng.
Ban đầu Mỹ và châu Âu chuyển giao những loại vũ khí cũ cho Ukraine, một số có từ thời Chiến tranh Lạnh hoặc từ những năm 1990, nhưng sau đó đã cung cấp những vũ khí tiên tiến hơn. Hiện, phương Tây đang cố gắng cải thiện tổ hợp công nghiệp-quốc phòng của họ để bắt kịp tốc độ của cuộc chiến tại Ukraine.
Với một loạt các hệ thống vũ khí mới và cũ, Ukraine không phải lúc nào cũng có đủ khả năng vận hành và bảo trì chúng trong một cuộc xung đột tiêu hao. Vậy điều gì sẽ xảy ra một quân đội phải dựa vào rất nhiều hệ thống vũ khí khác nhau và khó có khả năng kết hợp chúng trong chiến đấu.
Đây là câu hỏi lớn mà Ukraine muốn phải đối mặt khi tiến hành cuộc phản công. Để tránh tiếp tục tổn thất lớn về khí tài và nhân lực nên Ukraine có lẽ phải rất cẩn trọng trong việc lựa chọn mục tiêu.