Máy bay chiến đấu F-16 bay trong một cuộc duyệt binh ở Thessaloniki, Hy Lạp. Ảnh: AFP
Dẫn lời ông Sak, tờ Politico đưa tin số lượng chiến đấu cơ này đủ để Ukraie thành lập 3 tới 4 phi đội máy bay thế hệ thứ tư do Mỹ sản xuất để bảo vệ bầu trời Ukraine trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch tấn công đường không quy mô lớn.
Trong nhiều tháng qua, Kiev đã liên tục yêu cầu phương Tây viện trợ chiến đấu cơ F-16 để giúp nước này đối phó với hỏa lực của Nga.
Cố vấn Sak tuyên bố nhu cầu về máy bay chiến đấu đã trở nên cấp bách hơn nhiều kể từ tháng 3, khi Moskva bắt đầu sử dụng bom lượn có điều khiển để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Ông thừa nhận Ukraine hiện “không có gì để ngăn cản” máy bay Nga phóng những loại vũ khí đó.
Trong bối cảnh đó, trong tuần qua, Tổng thống Zelensky đã có chuyến công du châu Âu tới Iatly, Đức, Pháp và Vương quốc Anh trong nỗ lực kêu gọi phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 15/5, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông muốn thành lập một “liên minh máy bay chiến đấu” - nhóm các nước phương cung cấp F-16 cho Kiev.
Theo một số nguồn tin, Anh, Italy, Đức và Pháp không có F-16 để cung cấp cho Ukraine, nhưng ông Sak nói rằng các cường quốc châu Âu này “có tiếng nói quan trọng trong liên minh quốc tế”. Ông giải thích Ukraine muốn họ khuyến khích các đồng minh - chẳng hạn Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển giao loại chiến đấu cơ này cho Kiev.
Song những nỗ lực ngoại giao mới nhất của ông Zelensky đã giúp Ukraine nhận được sự đảm bảo từ các nhà lãnh đạo phương Tây rằng họ sẽ giải quyết vấn đề F-16 tại cuộc họp G7 thường niên ở Hiroshima, Nhật Bản vào cuối tuần này.
“Tất cả đều hiểu rằng đã đến thời điểm ‘chín muồi’ để thảo luận về chủ đề này. Không ai nói rằng điều đó là không thể. Nếu so sánh đề xuất này ở hiện tại với ba tháng trước, khi chúng tôi vẫn đang vật lộn để có được xe tăng, thì ngày nay, giới chức đang thảo luận về liên minh máy bay phản lực – đó là một dấu hiệu rất hứa hẹn,” ông Sak nhận định.
Về phần mình, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moskva coi quyết định quyết định chuyển giao tên lửa cho Kiev của London là “vô cùng tiêu cực”.
Chính phủ Nga cảnh báo sẽ có “câu trả lời tương xứng” đối với động thái này. Theo Nga, sự giúp đỡ của London sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc xung đột.
“Nước Anh mong muốn dẫn đầu các quốc gia tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine”, hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói và đồng thời cho rằng quyết định cung cấp vũ khí chỉ “dẫn đến sự hủy diệt và giao tranh hơn nữa”.
Nga đã nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh chuyển giao vũ khí tinh vi hơn cho Ukraine có thể vượt qua “lằn ranh đỏ”, dẫn đến căng thẳng leo thang nghiêm trọng.
Theo Moskva, việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện cho quân đội Kiev đã khiến các quốc gia phương Tây trên thực tế là các bên trực tiếp tham gia xung đột.