Phụ gia trong mì ăn liền có gây ung thư?
Mối quan hệ giữa phụ gia và ung thư
Ung thư là một căn bệnh khá gây ám ảnh và dễ mang lại cảm giác sợ hãi cho chúng ta. Chỉ nghe tên thôi, nhiều người đã cảm thấy căng thẳng, lo âu, tránh né tất cả những gì liên quan, để phòng ngừa từ xa căn bệnh ấy.
Lời đồn mì gói có nhiều phụ gia độc hại là nguyên nhân gây ung thư không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng rõ ràng đã ảnh hưởng tâm lý rất nhiều người.
Vậy, sự thật việc " ăn nhiều mì gói bị ung thư vì mì gói chứa nhiều chất phụ gia" nên được hiểu chính xác như thế nào? Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm và Công nghệ Sinh học, Đại học Bách Khoa Hà Nội, trước hết chúng ta cần hiểu, ung thư xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do gen di truyền, do tiếp xúc lâu dài với hóa chất độc hại, chất phóng xạ, do một số nguyên nhân liên quan đến lối sống (uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá, căng thẳng và mất ngủ kéo dài).
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân gây ung thư liên quan đến chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống, sử dụng thực phẩm thiếu khoa học, hợp lý.
Theo đó, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết, nếu "đổ lỗi" hẳn cho một chất phụ gia nào đó trong thực phẩm là nguyên nhân gây ung thư thì phải xem lại, vì cho đến nay, tất cả các phụ gia được phép đưa vào thực phẩm đều đã qua kiểm định, và được quy định hàm lượng sử dụng an toàn để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Các nhà sản xuất thực phẩm phải tuyêt đối tuân thủ quy định của cơ quan chức năng về việc sử dụng chất phụ gia trong quá trình sản xuất. Vì thế mọi người không cần phải lo sợ mỗi khi nghe thấy 2 từ "phụ gia" cũng như bị ám ảnh bởi suy nghĩ "phụ gia gây ung thư".
Phụ gia sử dụng trong mì ăn liền được kiểm định vô cùng nghiêm ngặt
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: "Tất cả các chất phụ gia sử dụng trong thực phẩm nói chung và mì ăn liền nói riêng trước khi muốn đưa vào sản xuất đều trải qua quá trình nghiên cứu, kiểm định vô cùng nghiêm ngặt về tính an toàn. Theo đó với hàm lượng cho phép khi đưa vào cơ thể, phụ gia trong mì ăn liền sẽ dễ dàng được phân giải và đào thải ra khỏi cơ thể, không ảnh hưởng gì tới sức khỏe con người".
Chuyên gia Thịnh cũng giải thích thêm, tùy mỗi quốc gia, các tiêu chuẩn, tiêu chí về phụ gia trong trong thực phẩm nói chung và mì ăn liền nói riêng có thể thay đổi đôi chút, sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi khu vực. Có thể dựa trên:
+ Khác biệt về điều kiện kĩ thuật
+ Cơ địa, thể trạng của người dân
+ Các điều kiện, tiêu chuẩn, về sinh an toàn thực phẩm khác nhau (khí hậu, môi trường, nguyên liệu…)
Tuy nhiên, trên tổng thể, các tiêu chuẩn này đều hướng tới bảo đảm an toàn sức khỏe người dùng, nên không thể so sách tiêu chuẩn nào là tốt, tiêu chuẩn nào tệ, chỉ có tiêu chuẩn đã tốt và tốt hơn.
Thay vì lo lắng về chất phụ gia, theo PGS.TS.Thịnh, việc quan trọng, người tiêu dùng cần làm là chọn lựa những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp phép lưu hành bởi cơ quan chức năng.
Bởi vì trừ các sản phẩm chưa qua đăng ký, kiểm định, không nhãn mác, không xuất xứ, còn lại khi người dùng đã sử dụng những sản phẩm từ nhà sản xuất uy tín, được cấp phép thì đồng nghĩa mọi sản phẩm đều đã phải tuân thủ đúng quy định về phụ gia thực phẩm, an toàn sức khỏe người dùng.
Phụ gia mì ăn liền an toàn với sức khoẻ
Thực hành dinh dưỡng đúng cách, phòng ngừa ung thư
Thay vì không dám ăn mì gói vì nuôi nỗi sợ vô lý "ăn mì gói bị ung thư", theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, người dùng nên thực hành xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng. Bởi lẽ dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp chúng ta tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Nó cũng là nền tảng để có một cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn.
Theo đó, chúng ta cần xây dựng cho mình những bữa ăn cân đối - cân bằng - đa dạng. Nghĩa là bữa ăn cần có sự cân đối giữa chất đạm, béo, bột đường; vitamin và khoáng chất; luôn phiên đổi món để có sự đa dạng từ nhiều loại thực phẩm khác nhau, bổ sung thêm nhiều rau xanh, quả chín.
Khi sử dụng mì ăn liền, bên cạnh chọn những sản phẩm uy tín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì bạn nên biến tấu, thêm vào tô mì các thực phẩm khác như trứng, thịt, tôm cùng các loại rau xanh. Như vậy, tô mì của bạn không chỉ thêm cân bằng dinh dưỡng mà còn ngon miệng và hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, đừng quên rằng xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập luyện thể dục, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng và stress kéo dài cũng chính là những cách hiệu quả để tránh xa ung thư. Những nỗi lo về phụ gia trong mì ăn liền, về "ăn mì gói bị ung thư" cũng sẽ theo đó được giải tỏa hoàn toàn, để người dùng có thể thưởng thức món ăn yêu thích.