Phòng tránh rối loạn tâm lý ở trẻ: Chuyên gia chỉ ra điều bố mẹ nên làm mỗi ngày

Lê Liên |

Theo các bác sĩ, nếu phụ huynh chú ý đến điều này thì có thể giúp phòng ngừa rối loạn tâm lý cho con hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Hellobacsi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Hellobacsi.

Theo BSCK2. Nguyễn Hoàng Yến - Phòng trẻ em và thanh thiếu niên - Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi từ trẻ em sang giai đoạn trưởng thành. Sự phát triển mạnh mẽ về thể chất được đánh dấu bằng sự dậy thì. Cùng với đó là sự phát triển về tư duy, nhận thức, sự quan sát, sáng tạo, tự ý thức khẳng định bản thân, trưởng thành về nhân cách, đối mặt các yếu tố stress, học tập, tích luỹ các phương thức đối phó stress nhiều nhất.

Lứa tuổi thanh thiếu niên được quy định khác nhau ở các quốc gia. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lứa tuổi thanh thiếu niên được quy định là từ 10 - 19 tuổi.

Ở Mỹ, tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở lứa tuổi 10 - 19. Ở Việt Nam, tự sát là 1 trong 10 trong nguyên nhân tử vong ở mọi lứa tuổi.

Theo nghiên cứu năm 2012, tại Hà Nội, tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát ở độ tuổi 15-24 là 2,3%. Trong đó, nhóm thanh thiếu niên từ 15 - 19 tuổi có tiền sử mắc bệnh tâm lý thì có tỷ lệ toan tự sát cao hơn nhóm 20 - 24 tuổi.

Trước lứa tuổi dậy thì, trường hợp có tiền sử mắc bệnh tâm lý nhưng toan tự sát và tự sát rất hiếm gặp. Tuy nhiên, sau lứa tuổi dậy thì, tỷ lệ tự sát tăng theo tuổi. Ý tưởng tự sát và toan tự sát ở bé gái phổ biến hơn bé trai. Tuy nhiên, tỷ lệ tự sát hoàn thành ở bé trai lại cao hơn.

Cha mẹ hay quan tâm, chia sẻ hơn!

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho biết hơn 98% người muốn tự sát bị rối loạn tâm thần. Một trường hợp tự sát ảnh hưởng ít nhất đến 6 người khác. Chúng ta phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ cho bệnh nhân. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, PGS nói.

"Việc quản lý thông tin mạng cũng cần được lưu ý, bởi trước đây tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… có làn sóng bắt chước hành vi tự sát. Tức là người bệnh đọc tin tức về các nghệ sĩ tự tử sau đó có hành vi tương tự. Một người bị sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều người", PGS Tuấn nói.

PGS Tuấn chia sẻ, không chỉ bác sĩ, chuyên gia, mà phụ huynh, giáo viên cũng cần có kiến thức để phát hiện và hỗ trợ cho trẻ về tâm lý, nhận biết các yếu tố nguy cơ, từ đó ngăn chặn hành vi trẻ tự sát.

"Khoảng thời gian xã hội giãn cách hoặc trong bối cảnh bình thường, gia đình cũng cần có kiến thức cơ bản. Đây là chìa khóa giúp các bệnh nhân vượt qua những vấn đề về tâm lý", PGS Tuấn nói.

Phòng tránh rối loạn tâm lý ở trẻ: Chuyên gia chỉ ra điều bố mẹ nên làm mỗi ngày - Ảnh 1.

Phụ huynh hãy xem việc quan tâm con cái là một công việc. Ảnh minh họa.

TS. Trịnh Thị Thanh Hương – Viện sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, cho biết vai trò của gia đình trong việc phát hiện kịp thời những biểu hiện của con trẻ là rất quan trọng. Các vấn đề rối loạn tâm lý ở trẻ nói chung trên thực tế lại bị nhiều bậc phụ huynh coi nhẹ. Hầu hết cha mẹ chỉ dừng lại ở việc quan tâm những thiếu hụt về vật chất, còn việc dành thời gian cho con thì chưa nhiều, từ đó nảy sinh khá nhiều vấn đề.

Thông thường những biểu hiện của trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm lý thường là đóng kín mối quan hệ với bạn bè, gia đình; hoạt động cộng đồng giảm sút; né tránh tương tác với các thành viên trong gia đình;…

Nhiều cha mẹ vì quá bận rộn với công việc mà quên chia sẻ cùng con. Khi nhận thấy những dấu hiệu trên, bố mẹ có thể chia sẻ với con bất cứ khi nào rảnh. Cha mẹ có thể cùng con cái nấu ăn, tham gia hoạt động chung của gia đình hoặc cùng nhau tâm sự bằng những mẩu chuyện đơn giản, gần gũi.

Theo Ths. Đặng Thanh Tùng - Trưởng phòng Tổng hợp – Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, đối với những bé trai, tỉ lệ biểu hiện ra ngoài ít hơn bé gái nên chúng ta cần quan sát kỹ và sát sao hơn. Bé gái thường dễ bộc lộ cảm xúc, biểu hiện ra bên ngoài nhiều hơn, tìm bạn bè, người tin tưởng tâm sự nhiều hơn, nhưng bé trai thì ngược lại.

Tuy nhiên, khoảng 90% các trường hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần đều bộc lộ ít nhất 1 biểu hiện ra ngoài.

Ths. Lê Công Thiện - Trưởng phòng trẻ em và Thanh thiếu niên – Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai - cho biết các bậc phụ huynh cần xem việc quan tâm, chăm sóc là một công việc. Mà đã là công việc thì nên phân chia đều trong gia đình. Mỗi ngày một thành viên trong gia đình hãy để ý đến con, để ý đến anh, chị, em của mình để con nhận được sự yêu thương, quan tâm đồng đều từ tất cả mọi người.

"Hãy coi việc chăm sóc con cái là công việc, phân chia đồng đều. Đừng để đến lúc sự đã rồi mới tìm giải pháp khắc phục thì vô cùng khó", Ths. Lê Công Thiện cho hay.

Hiện Viện Sức khỏe Tâm thần cũng thành lập số hotline tư vấn, hỗ trợ nhằm ngăn ngừa trẻ có hành vi tự sát. Số điện thoại 0984.104.115 hoạt động từ 7h30 đến 22h hàng ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại