Phòng tránh ngộ độc hải sản

BS. Văn Hào |

Dịp nghỉ hè nóng nức, nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch nghỉ ngơi ở biển và thưởng thức hải sản. Tuy nhiên nhiều người “mất vui” khi không may ăn hải sản bị dị ứng, thậm chí phải đi cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng.

Thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ

Chỉ ăn loại hải sản được biết chắc chắn không có chất độc, đó là chúng ta nên ăn những loại hải sản mà mình vẫn thường ăn. Cần thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ, ít khi được ăn. Mặc dù, khám phá ăn món mới lạ là sở thích của nhiều người, nhưng vì lý do an toàn, bạn nên cân nhắc khi ăn thử.

Bởi lẽ, các loại hải sản này ít được ăn và ít biết là có thể gây ngộ độc, hoặc không ai biết có gây ngộ độc hay không. Bên cạnh đó, một số loại hải sản luôn luôn có chất độc và thỉnh thoảng chúng gây ra những vụ ngộ độc mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sam biển, sao biển,...

Những nguy cơ gặp phải

Viêm não, nhiễm khuẩn

Người có ăn các loại ốc hoặc ăn tôm cua cá chưa nấu chín kỹ bị nhiễm ấu trùng giun tròn có tên khoa học là Angiostrongylus cantonensis gây viêm não, màng não.

Triệu chứng là: nhức đầu dữ dội nhưng chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt; có thể bị liệt mặt, mắt nhìn đôi, rối loạn cảm giác; nói lảm nhảm, mất thăng bằng, mất trí nhớ, hôn mê... Nếu bệnh nhân tử vong, mổ tử thi thấy ấu trùng giun tròn trong não.

Ăn cá biển còn bị nhiễm giun tròn Anisakia. Theo dây chuyền “cá ăn cá”, bệnh lây lan sang nhiều loài cá mà con người hay ăn như: cá mực, cá thu, cá mòi, cá tuyết, cá bơn, cá đá, cá hồi, cá ngừ...

Vài giờ sau khi ăn cá, nuốt phải ấu trùng giun, bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn và đau vùng thượng vị mỗi lúc một nặng, có khi đau bụng dữ dội biểu hiện như một cấp cứu bụng ngoại khoa. Các phản ứng dị ứng gồm cả một số trường hợp sốc phản vệ có thể xuất hiện, ít gặp hơn là đau ngực và nôn ra máu.

Nếu ăn cua biển sống có chứa nang trùng Lungfluke là loại trùng hút máu phổi, còn gọi là đỉa phổi. Nang trùng Lungfluke ký sinh trong phổi, gây kích thích hoặc tiêu hủy tổ chức phổi, dẫn tới ho, khạc ra máu.

Chúng còn có thể xâm nhập lên não, gây co giật, thậm chí gây bại liệt. Nang trùng Lungfluke còn xâm nhập các cơ quan như mắt, thận, gan, tim, tủy sống... gây các tổn thương nghiêm trọng.

Phòng tránh ngộ độc hải sản - Ảnh 1.

Thận trọng khi ăn hải sản.

Ngộ độc

Có nhiều loại hải sản chứa độc tố như: cá nóc, bạch tuộc vòng nhẫn xanh ở râu, sam biển, sao biển... Các loại độc tố của chúng thường không bị phá hủy bởi nhiệt độ khi đun nấu và các biện pháp chế biến thông thường.

Do đó nếu ăn phải các loại hải sản này, bạn sẽ bị ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc là: đau quặn ruột, vã mồ hôi, tiêu chảy, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chân yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu; nếu nặng bị liệt toàn thân, da tím tái, thân nhiệt giảm, khó thở, liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong.

Dị ứng

Nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng cho người có cơ địa không hợp với chúng từ các loại tôm, cua, ghẹ, cá nhám, cá ngừ... Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, chỉ sau khi ăn vài phút hay vài giờ.

Nhẹ thì nổi mề đay khắp người, gây ngứa ngáy,... Nặng thì ngoài nổi mề đay còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy...; Có khi nguy kịch đến tính mạng do sốc phản vệ.

Phòng tránh thế nào?

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thực hiện ăn chín uống sôi. Bởi hầu hết giun sán, trứng hay ấu trùng của chúng đều bị tiêu diệt bởi nhiệt độ nước sôi trong thời gian nấu chín hải sản. Ở đây cần lưu ý đến món lẩu.

Nhiều thực khách khoái khẩu với món lẩu hải sản, nhưng cần lưu ý phải nhúng cho hải sản chín kỹ trong nước lẩu sôi rồi hãy ăn. Bạn cần tuyệt đối tránh ăn hải sản mới chỉ chín tái vì nguy cơ mắc bệnh còn nguyên.

Bạn cũng không nên ăn hải sản đã chế biến từ lâu, mà chỉ ăn món ăn mới nấu chín, còn nóng sốt. Khi mua hải sản, không nên mua tôm, cua, sò, ốc, hến... đã chết. Bởi hải sản chết càng lâu, lượng histamin sinh ra càng nhiều, khi ăn vào càng dễ bị dị ứng, ngộ độc, rất nguy hiểm.

Không nên ăn hải sản ở vùng có thủy triều đỏ, bởi hải sản nơi này dễ nhiễm phải tảo độc và gây ngộ độc, nhất là nghêu, sò, trai, ngao...

Đối với một loại hải sản lạ, chưa từng ăn lần nào thì bạn phải rất thận trọng vì có thể sẽ bị ngộ độc hay dị ứng với nó. Đặc biệt, nếu bạn có con nhỏ thì mọi loại hải sản mới lạ với đứa trẻ rất dễ gây dị ứng nặng.

Do đó, bạn phải cẩn trọng, chỉ cho con ăn thử một chút bữa đầu. Nếu an toàn thì bữa sau bạn hãy cho con ăn nhiều hơn món hải sản đó.

Bạn cũng cần nhớ rằng, dị ứng hải sản chỉ xảy ra đối với người nào có cơ địa không tiếp nhận loại hải sản nhất định.

Vì vậy không thể lấy kinh nghiệm của người khác áp dụng cho mình, có thể sẽ nguy hiểm. Nếu bạn đã bị dị ứng với một loại hải sản nào thì hãy kiêng nó ra suốt đời, đừng bao giờ thử ăn lại món đó.

Mỗi loại hải sản sẽ gây ngộ độc khác nhau nên biểu hiện ngộ độc hải sản cũng rất đa dạng: từ đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê, hay tim mạch như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hay hô hấp như khó thở, thậm chí tử vong.

Các ngộ độc sẽ nguy hiểm nếu bạn có các biểu hiện thần kinh, tim mạch, hô hấp hoặc khi các biểu hiện ngộ độc kéo dài không đỡ. Khi có biểu hiện ngộ độc cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và thải độc kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại