F-22 Mỹ phóng tên lửa tấn công: S-300VM Nga ở Venezuela sẽ chỉ còn là "đống tro tàn"!

Trung Phạm |

Khả năng trốn tránh radar của F-22 cho phép nó hoạt động trong những không phận được bảo vệ chặt chẽ, nơi mà các chiến cơ thế hệ 4 như F-18 hoặc F-15 sẽ rất dễ bị tổn thương.

Chỉ F-22 Raptor mới đủ sức "đè bẹp" phòng không Venezuela?

Nếu Quân đội Mỹ tìm kiếm một hành động quân sự chống lại Venezuela, nhiều khả năng chỉ có duy nhất một loại máy bay chiến đấu được coi là phù hợp nhất để trấn áp các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không Caracas, đó chính là F-22 Raptor.

Không giống với đại đa số phi đội máy bay khác của Mỹ, Raptor được thiết kế là loại chiến đấu cơ tốc độ cao với động cơ F119 mạnh mẽ tạo ra lực đẩy mạnh gấp đôi so với những phương tiện nhẹ hơn như F-16.

Hơn nữa, khả năng trốn tránh radar của F-22 cho phép nó hoạt động trong những không phận được bảo vệ chặt chẽ, nơi mà các chiến cơ thế hệ 4 như F-18 hoặc F-15 sẽ rất dễ bị tổn thương.

Mặc dù F-35, loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 nhẹ hơn cũng đã bắt đầu tham gia phục vụ ở mức độ giới hạn trong Quân đội Mỹ và cũng được trang bị khả năng tàng hình tốt nhưng tiết diện phản xạ radar lại lớn hơn nhiều so với Raptor.

F-22 được tích hợp các khả năng không đối không tiên tiến, radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) mạnh mẽ, hệ thống tác chiến điện tử mới, động cơ vector lực đẩy và tầm bắn đủ xa để giảm thiểu nhu cầu tiếp nhiên liệu trên không cho các nhiệm vụ ở Nam Mỹ.

F-22 Mỹ phóng tên lửa tấn công: S-300VM Nga ở Venezuela sẽ chỉ còn là đống tro tàn! - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-300VM của Venezuela

Trong khi đó, loại tên lửa không đối không AIM-120C được sử dụng bởi đại đa số các máy bay chiến đấu của Mỹ nhiều khả năng đều sẽ bị đánh bại bởi các hệ thống phòng không Nga trang bị cho Venezuela thì Raptor lại được ưu tiên biên chế AIM-120D - tên lửa có tầm bắn 180 km, đủ khả năng đối phó với phi đội chiến đấu cơ Venezuela ở khoảng cách rất xa.

F-22 với khả năng tàng hình tiên tiến đồng nghĩa với việc các máy bay chiến đấu Venezuela sẽ không thể phát hiện ra khi chúng ở gần tầm bắn giới hạn, biến đây trở thành một lợi thế cho Raptor.

Hệ thống phòng thủ S-300VM, dù có thể phát hiện được Raptor từ xa, nhưng cũng sẽ rất khó khăn trong việc khóa các máy bay chiến đấu hiện đại hoạt động ở gần giới hạn tầm bắn của nó. Do đó, Raptor phù hợp nhất để thống trị không phận Venezuela.

Các phương tiện yểm trợ tấn công khác

Để yểm trợ cho đòn tấn công của F-22, Không quân Mỹ có thể sẽ triển khai cả Hệ thống Chỉ huy và Cảnh báo sớm Trên không (AWACS) E-3 và máy bay tiếp nhiên liệu Boeing Stratotanker KC-135.

E-3 sẽ mang đến cho Raptor một lợi thế đáng kể so với các máy bay chiến đấu của Venezuela và nhất là nó có thể hoạt động trên biển Carribe ở ngoài tầm với của các máy bay chiến đấu và phòng không Caracas.

F-22 Mỹ phóng tên lửa tấn công: S-300VM Nga ở Venezuela sẽ chỉ còn là đống tro tàn! - Ảnh 3.

Máy bay ném bom hạng nặng B-1B Lancer

E-3 có khả năng cung cấp thông tin tình báo quan trọng về các hoạt động của lực lượng vũ trang Venezuela và vị trí các máy bay chiến đấu của nước này cho phía Mỹ. Nó cũng có thể cung cấp thông tin mục tiêu và thậm chí cho tên lửa dẫn đường từ máy bay chiến đấu của Mỹ tấn công.

Trong khi đó, KC-135 sẽ đảm trách vai trò tiếp nhiên liệu cho Raptor, giúp nó mở rộng phạm vi cần thiết để tiếp cận không phận Venezuela. 

Đó là chưa kể tới sự hỗ trợ đến từ các máy bay ném bom hạng nặng B-1B Lancer và B-52 Stratofortress với khả năng triển khai các đòn tấn công chính xác nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Venezuela từ khoảng cách xa.

Xét tới thực tế khả năng bố trí các hệ thống radar và trận địa tên lửa đất đối không của Venezuela chắc chắn sẽ không thể nào bằng Nga hay Triều Tiên nên các mục tiêu của họ rất dễ bị tấn công ở các tầm bắn cực xa bằng tên lửa hành trình trốn tránh radar.

F-22 Mỹ phóng tên lửa tấn công: S-300VM Nga ở Venezuela sẽ chỉ còn là đống tro tàn! - Ảnh 5.

Máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3 Sentry

Các loại đạn tên lửa như AGM-86 có khả năng tấn công mục tiêu ở cự ly vài nghìn km, và cứ cho là S-300VM và Pantsir-S1 có thể đánh chặn được một tỷ lệ đáng kể các cuộc tấn công này thì cũng chỉ cần một số lượng tên lửa vừa phải phóng đi từ các máy bay ném bom Mỹ cũng đủ làm suy yếu lực lượng phòng không Venezuela.

Chẳng hạn như, theo cấu hình tiêu chuẩn, B-52 có thể triển khai tới 20 tên lửa AGM-86, kết hợp với nhiều máy bay ném bom khác tấn công đồng thời là đủ để áp đảo hệ thống phòng thủ của Venezuela. Các sân bay để máy bay chiến đấu Su-30MK2 cất hạ cánh cũng sẽ là mục tiêu tiềm ẩn khi chúng không được phòng vệ vững chắc như của Nga và Triều Tiên.

F-22 Mỹ phóng tên lửa tấn công: S-300VM Nga ở Venezuela sẽ chỉ còn là đống tro tàn! - Ảnh 6.

Tổ hợp tên lửa phòng không BuK-M2

Về phần mình, Venezuela chắc chắn sẽ không có khả năng đáp trả các cuộc tấn công như vậy mà chỉ đủ sức đánh chặn mà thôi. Dù với mức độ cơ động cao, S-300VM và BuK-M2 có thể gia tăng khả năng sống sót nhưng các phương tiện như E-3 và nhiều thiết bị trinh sát vệ tinh khác của Mỹ sẽ khiến chúng rất khó trốn tránh, nhất là khi liên tục phải cơ động.

Trong khi đó, không giống như Nga và Triều Tiên, Venezuela thiếu một mạng lưới đường hầm ngầm để di chuyển các phương tiện của mình.

Một khi hệ thống phòng không của Venezuela bị vô hiệu hóa về cơ bản, Mỹ có thể điều động thêm nhiều máy bay khác như F-15E Strike Eagle để loại bỏ những hệ thống phòng không còn lại, đảm bảo kiểm soát gần như toàn bộ không phận Venezuela.

Khám phá sức mạnh chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại