Phòng đột quỵ khi thời tiết thay đổi như thế nào?

LINH HÂN |

Ngày 14-12 có thêm không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm thêm đến mức rét đậm rét hại, đây cũng là thời điểm khiến nguy cơ đột quỵ chảy máu não gia tăng. Vậy những dấu hiệu đột quỵ như thế nào? Người nhà cần làm gì khi người thân đột quỵ?

Phòng đột quỵ khi thời tiết thay đổi như thế nào? - Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyến cáo người thân sơ cứu trong quá trình chờ xe cấp cứu - Ảnh: BVCC

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Tạ Đức Thao - khoa đột quỵ , Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết đột quỵ có hai dạng là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ chảy máu não gây ra.

Trong đó, đột quỵ thiếu máu não nguyên nhân là do tắc nghẽn một động mạch não. Còn đột quỵ chảy máu não nguyên nhân do rách thành mạch gây ra chảy máu não.

Trong mùa lạnh, đột quỵ chảy máu não thường gặp do bệnh nhân tăng huyết áp nhưng không được điều trị, kèm theo yếu tố thời tiết miền Bắc rét đậm rét hại góp phần khiến bệnh tái phát.

Thời tiết lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, gọi là hiện tượng trung tâm hóa tuần hoàn, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt, gây ra xuất huyết não.

"Cơ chế gây bệnh là khi huyết áp tăng, nhất là khi trời lạnh, lực tác động của máu lên thành động mạch cao hơn mức cần thiết. Lâu ngày, mạch máu bị tổn thương, không đàn hồi tốt nữa. Mạch có thể bị vỡ khi cục máu đông dồn ép, gây xuất huyết.

Đặc biệt, khi nhiệt độ giảm cũng khiến máu dễ đông lại, dính hơn làm tăng khả năng hình thành cục máu đông gây cản trở lưu thông máu lên não, dẫn đến nguy cơ đột quỵ", bác sĩ Thao lý giải.

Bác sĩ cũng cho hay xuất huyết não có thể xuất hiện trong lúc làm việc, sinh hoạt, hoặc ngay trong giấc ngủ hay vừa thức dậy, khó lường trước.

Về dấu hiệu nhận biết đột quỵ: Bác sĩ chỉ rõ khi nhận thấy bệnh nhân có sự khác thường như mặt có biểu hiện cười méo miệng, nhìn không rõ xung quanh; tay và chân khó di chuyển, cử động; nói líu lưỡi, không diễn đạt được.

Lúc này, hãy yêu cầu bệnh nhân cười, đưa tay lên, nói một câu lặp lại bất kỳ, nếu bệnh nhân không thể làm được thì rất có thể là dấu hiệu của đột quỵ.

Lúc này, người thân không nên cạo gió, chích máu đầu ngón tay hay chờ bệnh nhận ổn rồi mới gọi cấp cứu. Người thân cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Trong quá trình chờ xe cấp cứu, cần xử lý như sau:

1. Quỳ xuống một bên của nạn nhân, sửa tay nạn nhân vuông góc

2. Kéo tay bên kia của nạn nhân đặt lên má, lòng bàn tay hướng ra ngoài

3. Kéo chân co lên, để lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Giữ tư thế đó và kéo nạn nhân quay vào phía của bạn.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo để phòng tránh đột quỵ vào trời lạnh nên ngủ trong phòng kín gió, luôn giữ đủ ấm cho cơ thể. Bên cạnh đó, cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Chú ý uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.

Đặc biệt, đối với người bệnh mãn tính cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe nếu phát hiện huyết áp cao cần được uống thuốc thường xuyên theo đơn của các sĩ, theo dõi chỉ số huyết áp duy trì trong mức bình thường.

Ngoài ra, người dân cần có lối sống lành mạnh, không lạm dụng thuốc lá, bia rượu, tập thể dục điều độ... để phòng tránh bệnh.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại