Ảnh minh hoạ
Bà Trần Thị Canh – 62 tuổi, trú tại Thái Bình bị suy nhược cơ thể. Cơ thể bà Canh cứ gầy mòn, mệt mỏi, mất ngủ. Bà Canh được con cái đưa đi khám bệnh nhưng bác sĩ không tìm ra bệnh gì chiếu chụp các cơ quan, siêu âm ổ bụng, đủ cả không thấy có bất thường gì và chỉ kết luận suy nhược cơ thể.
Khám không ra bệnh vì phơi nhiễm thuốc trừ sâu
Cơ thể gầy, hao mòn, mệt mỏi rút dần sức của bà Canh. 62 tuổi mà trông bà già chẳng khác nào bà cụ ngoài 70 tuổi.
Đến khi con cái cho lên Hà Nội kiểm tra, bác sĩ xét nghiệm máu, men cholinesterase trong máu giảm nặng. Chẩn đoán xác định nhiễm độc mạn tính thuốc trừ sâu loại phospho hữu cơ – một trong những loại thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng phổ biến ở nước ta hiện nay.
Bà Canh làm nông nghiệp, gia đình bà cấy 1,2 mẫu ruộng, kèm theo 1 sào rau màu quanh năm. Tuần nào bà cũng đeo lên lưng bình thuốc sâu. Dù biết là độc nhưng cuộc sống và mưu sinh bà chấp nhận. Bà Canh cho biết không chỉ riêng bà mà cả quê ai cũng thế nên việc làm bạn với thuốc bảo vệ thực vật trở nên bình thường ở các vùng nông thôn Việt.
Với một đất nước có tới 70% người dân làm nông nghiệp nguy cơ phơi nhiễm thuốc trừ sâu khó tránh khỏi nhất là tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu như hiện nay.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, quý 1 năm nay, Việt Nam chi hơn 208 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu. Mặc dù con số này đã giảm so với cùng kỳ song mặt hàng này vẫn có tỷ lệ nhập khẩu cao. Đặc biệt, hơn 50% giá trị nhập khẩu là từ Trung Quốc.
Còn theo thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với 4.080 thương phẩm. Mặc dù vậy, nhiều năm qua ngành nông nghiệp Việt Nam ngoài nhập thuốc trừ sâu còn nhập cả phân bón lớn từ nước ngoài.
PGS Nguyễn Duy Thịnh, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cảnh báo với tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu như hiện nay thì không chỉ những người làm nông nghiệp mới có nguy cơ phơi nhiễm mà ngay cả người dân ở thành phố không tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật cũng bị phơi nhiễm bởi phơi nhiễm còn bằng đường tiêu hoá. Pgs Thịnh cho biết, việc phơi nhiễm như quả bom nổ chậm.
Được biết, trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng, khoảng 900 tấn.
Đủ các bệnh đang chờ
Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết mỗi hoá chất có tác dụng khác nhau với cơ thể chúng có thể gây nôn ói, ảnh hưởng tiêu hoá nếu ảnh hưởng ngộ độc cấp tính.
Ảnh hưởng lâu dài thì còn khó hơn nữa bởi chúng ta có quá nhiều hoá chất khác nhau và có nhiều loại hoá chất không biết nó là gì nên càng nguy hiểm hơn. Ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật mãn tính có thể gây suy thận, tổn thương gan, các bệnh ảnh hưởng từ gen.
Có ba cách ngộ độc phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật như người ăn các sản phẩm rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu cũng bị nhiễm.
Qua tiếp xúc như thuốc bảo vệ thực vật dính vào da. Qua đường hô hấp như hít phải thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng rau, trồng cây. Những người thường xuyên tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật nguy cơ phơi nhiễm do tiếp xúc là rất cao. Chính vì thế, những người nằm trong vùng nguy cơ nên mỗi năm đi kiểm tra sức khoẻ 1 lần để phát hiện sớm các bệnh.
Khi phun thuốc bảo vệ thực vật giảm tình trạng phơi nhiễm theo bác sĩ Nguyên nên có dụng cụ bảo hộ như gang tay, khẩu trang, áo mưa. Khi phun thuốc nên đi theo chiều gió để thuốc trừ sâu không bay vào người. Khi phun thuốc trừ sâu về nên tắm gội sạch sẽ bằng xà phòng để loại bỏ các loại độc tố của thuốc ra khỏi người.