"Một số binh sĩ Mỹ đang điều hành thiết bị cung cấp thông tin về tình hình ở Malawi cho quân đội Philippines. Tôi không biết rõ số lượng cũng như nhiệm vụ chính xác mà các binh sĩ Mỹ đảm nhận. Họ được mang theo súng để tự vệ nhưng họ vẫn chưa chiến đấu mà chỉ làm công tác hỗ trợ", Reuters dẫn lời Thiếu tướng Restituto Padilla chia sẻ trong cuộc họp báo vào hôm nay (14/6).
Trước đó, quân đội Philippines cho hay, Mỹ đã hỗ trợ kỹ thuật để giúp lực lượng này ngăn chặn các tay súng có mối liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS giành thêm quyền kiểm soát nhiều khu vực ở Malawi. Tuy nhiên, quân đội Mỹ chưa tham chiến.
Xe quân sự của quân đội Philippines được triển khai tới Malawi để tiêu diệt các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy Maute có mối liên hệ với IS.
Hiện thông tin về vị trí quân đội Mỹ xuất hiện gần Malawi cũng chưa được xác định. Những binh sĩ này thuộc lực lượng đặc nhiệm hoạt động ở thành phố phía nam Zamboanga. Đại sứ quán Mỹ tại Manila chưa đưa ra bình luận về hoạt động của quân đội Mỹ gần Malawi.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên ở Washington, Mỹ đã triển khai chiếc máy bay trinh sát P-3 cũng như thu thập thông tin tình báo từ một chiếc máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, chiếc UAV đã bị rơi hôm 10/6 sau khi mất liên lạc với trung tâm chỉ huy.
Trong hôm nay, các lực lượng an ninh Philippines tiếp tục tổ chức tấn công vào nhiều vị trí ở Malawi bằng xe tăng và lính bắn tỉa. Đây đã là ngày thứ 23 diễn ra xung đột ở Malawi và chưa có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng sẽ sớm chấm dứt.
Trước đó, quân đội Philippines từng hứa sẽ giải phóng thành phố Malawi khỏi các tay súng nổi dậy vào ngày 12/6, ngày quốc khánh của Philippines.
Còn tại Washington, một quan chức Mỹ nhận định chiến sự ở Malawi dường như sẽ rơi vào thế bế tắc.
"Chưa có dấu hiệu nào cho thấy các lực lượng chính phủ Philippines sẽ giành phần thắng hoặc chiếm được phần lớn quyền kiểm soát ở Malawi. IS đã chứng minh quyết tâm và thành công trong việc chiếm giữ Mosul ở Iraq và nỗ lực ở Malawi cũng sẽ như vậy", Reuters dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên.
Quân đội Philippines cũng xác nhận 290 người đã thiệt mạng bao gồm 206 tay súng nổi dậy, 58 binh sĩ Philippines và 26 dân thường trong vòng hơn 3 tuần giao tranh vừa qua ở Malawi. Khoảng 100 tay súng nổi dậy vẫn đang có mặt ở Malawi và khoảng 300 – 600 dân thường đang bị lực lượng này bắt làm con tin.
Hành động tấn công nhằm vào Malawi là hồi chuông báo động đối với các quốc gia Đông Nam Á về việc mở rộng địa bàn vượt ra ngoài Iraq và Syria của IS. Thậm chí, nhiều người cho rằng IS có ý định biến đảo Mindanao trở thành trung tâm hoạt động và đe dọa an ninh khắp khu vực.
Hãng tin của IS là Amaq còn cho rằng các tay súng nổi dậy hiện chiếm được quyền kiểm soát 2/3 thành phố Malawi. Trái lại, Trung tướng Carlito Galvez khẳng định quân nổi dậy chỉ chiếm được 20% diện tích Malawi.