Khách hàng bí ẩn "không chịu" lộ diện!
Mặc dù hợp đồng này chưa hề được các bên có liên quan Nga và Ai Cập chính thức xác nhận, nhưng ngay từ đầu năm nay đã rộ lên tin đồn Nga đã ký một hợp đồng cực khủng bán hàng trăm xe tăng T-90MS tới một quốc gia giấu tên ở Trung Cận Đông.
Khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga, ông Denis Manturov nói với hãng thông tấn TASS rằng "Một hợp đồng lớn bán xe tăng T-90MS vừa được kí với một quốc gia Trung Đông vào tháng 12-2016. Một bản hợp đồng khác với quy mô tương tự cũng chuẩn bị được kí tiếp" nhưng ông từ chối cung cấp thêm các thông tin liên quan.
Có nhiều quốc gia Trung Đông quan tâm tới dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại này của Nga, tất cả đều là những cường quốc dầu mỏ, thế nên nếu hợp đồng nếu được ký sẽ có giá trị rất lớn, có thể lên tới nhiều tỷ USD.
Đại diện quân đội Nga, ông Alexei Maslov cho biết, T-90MS là phiên bản được Nga định hướng cho việc xuất khẩu. Đối với khu vực Trung Đông, Nga đã phát triển phiên bản đặc biệt với hệ thống làm mát động cơ và điều hòa không khí dành cho kíp lái.
Xe tăng T-90MS tham gia các bài thử nghiệm ở Kuwait.
Tuy nhiên, cho tới nay, theo thông tin chính thức thì mới chỉ có Ấn Độ đặt hàng từ Nga 464 chiếc xe tăng T-90MS trị giá hơn 2 tỷ USD, và đây là quốc gia nằm ở Nam Á chú không phải Trung Đông hay Trung Cận Đông.
Còn quốc gia Trung Đông được cho là cũng ký hợp đồng mua T-90MS mà ông Manturov từ chối đề cập chưa hề lộ diện. Chỉ biết, Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, UAE và Iraq đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới dòng xe tăng hiện đại này. Đặc biệt xe tăng T-90MS đã được đưa tới Kuwait để thử nghiệm tác chiến trên môi trường sa mạc nắng nóng đầy cát.
Xe tăng T-90MS thử nghiệm ở Kuwait
Ai Cập là khách hàng đặc biệt của Nga
Như vậy, nếu Ai Cập đặt mua với số lượng có thể lên tới 400-500 chiếc thì cũng không mấy bất ngờ, vì quốc gia Bắc Phi này là khách hàng ruột của vũ khí Nga khi trong vài năm gần đây họ liên tiếp ký các hợp đồng cực khủng trị giá nhiều tỷ USD để mua tiêm kích MiG-29M2, tên lửa phòng không tầm xa S-300VM (Antey-2500), trực thăng tấn công Ka-52K,...
Ngoài ra, hồi giữa năm ngoái, ông Aleksandr Krasovitsky - Tổng giám đốc công ty MIC Công ty Công nghiệp Quân sự Nga (MIC) cho biết, họ đang đàm phán về hợp đồng cung cấp xe thiết giáp Tigr cho Ai Cập trong tương lai gần, cho biết, các cuộc đàm phán đã hoàn thành 85%.
"Các phương tiện (xe Tigr) đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau, các đặc điểm hoạt động (của xe) đã được biết đến. Chúng tôi hy vọng sẽ ký được hợp đồng trong thời gian gần nhất.". Đến thời điểm giữa năm 2017 này, chưa thấy có thêm thông tin nào đang chú ý về tiến độ của cuộc đàm phán kể trên.
Có một điểm đáng chú ý là Ai Cập thường ít lên tiếng về các thương vụ mua sắm vũ khí của mình mà thường là Nga thông tin "một chiều" khi thi thoảng lại hé lộ một vài thông tin liên quan. Hoặc đôi khi là một bên "thứ ba" nào đó vô tình hoặc cố ý đề cập tới các hợp đồng giữa Nga và Ai Cập.
Điển hình là việc Nga bàn giao tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300VM mới đây cả hai bên đều im hơi lặng tiếng. Việc lộ những bức ảnh bốc dỡ các thành phần của tổ hợp này lên bờ tại một cảng biển không xác định ở Ấn Độ có thể là "vô tình" nhưng lại có chủ ý và ngay lập tức các trang tin của Nga "vồ lấy", đăng tải rầm rộ.
Bức ảnh được cho là Ai Cập tiếp nhận tổ hợp tên lửa phòng không S-300VM.
Có thể Nga sẽ cấp giấy phép và chuyển giao công nghệ để Ai Cập có thể lắp ráp một số chiếc xe tăng T-90MS ngay trong nước, đồng thời họ cũng hỗ trợ bảo dưỡng trọn đời chiếc xe tăng khi sẵn sàng thành lập các cơ sở sửa chữa và nâng cấp ở chính quốc gia này.
Nhiều khả năng tới thời điểm thích hợp, cả hai bên Nga - Ai Cập sẽ chính thức lên tiếng về thương vụ này và Nga sẽ một lần nữa là đầu mối thông tin. Chưa rõ độ xác thực của hợp đồng này, nhưng chắc chắn một điều, khi bán thêm được hàng trăm chiếc T-90MS, Nga sẽ tiếp tục duy trì vị thế số 1 trên thị trường xe tăng thế giới.