Phiến quân Syria mang "tiền án" dùng tên lửa Mỹ diệt máy bay Nga: Cái kết vượt tưởng tượng

Hoài Giang |

"Khoảnh khắc tên lửa TOW đánh trúng vào trực thăng Nga đã chứng minh năng lực của chúng tôi. Chúng tôi có thể ngăn chặn không quân đối phương" Abu Saleh nói.

Mới đây, tờ The Telegram của Anh xuất bản bài viết: "Syria's ex-rebels scattered and demoralised as war enters its 10th year" (tạm dịch: 10 năm chiến tranh, phiến quân Syria tan rã và mất tinh thần) của tác giả Gareth Browne.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là tâm lý của phe đối lập Syria trong bối cảnh Nga đe dọa sẽ tiến hành hoạt động quân sự Idlib nếu phiến quân không chịu rút khỏi khu vực trước cuối tháng 3/2020, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Cái kết ngoài tưởng tượng của phiến quân diệt máy bay Nga

Abu Saleh có một chiếc xe tải để giao đồ khô bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nó làm anh nhớ lại chiếc mà chính tay anh đã cầm lái để đưa các tay súng chống chính phủ tới điểm phục kích Quân đội Arab Syria (SAA): "Chúng tôi có thể "nhồi nhét" 14 tay súng vào chiếc tương tự".

Từng là một chỉ huy phiến quân được Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn, Abu Saleh hiện đang lưu vong và làm việc cho một công ty phân phối đồ ăn tại thành phố Antakya nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Từ Antakya, anh vẫn có thể nghe thấy tiếng động cơ máy bay chiến đấu Nga khi chúng di chuyển để tiến hành không kích tỉnh Idlib của Syria lân cận.

Phiến quân Syria mang tiền án dùng tên lửa Mỹ diệt máy bay Nga: Cái kết vượt tưởng tượng - Ảnh 1.

Cựu chỉ huy phiến quân Syria Abu Saleh hiện là người giao hàng ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ.

Abu Saleh là một trong hàng chục nghìn tay súng chống chính phủ đã cố gắng trở lại cuộc sống dân sự. Đó chắc chắn không phải việc dễ dàng.

Xuất thân từ Latakia, tỉnh được coi là "sân nhà" của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, anh thợ điện Abu Saleh đã tham gia cuộc nổi dậy vũ trang vào năm 2012 và cũng là một trong những người đầu tiên gia nhập tổ chức phiến quân được gọi là Quân đội Syria Tự do (FSA).

"Vào lúc cao điểm, Sư đoàn duyên hải số 1 của chúng tôi có tới 2.500 tay súng. Tôi là chỉ huy một nhóm gồm 150 người chiến đấu chống SAA và dân quân thân chính phủ. Chúng tôi từng phục kích các tay súng Hezbollah và Lữ đoàn Fatimiyoun người Afghanistan do Iran chỉ huy".

Điều mà Abu Saleh nhớ nhất lại là "khoảnh khắc xuất thần" giống như ngày những tay súng dưới quyền anh khai hỏa tên lửa chống tăng có điều khiển vào một chiếc trực thăng Nga.

Trước ưu thế trên không của SAA, các tay súng FSA đã nhiều lần "cầu xin" phương Tây viện trợ tên lửa phòng không vác vai (MANPADS), nhưng Washington đã bác bỏ điều đó. Abu Saleh nói tiếp:

"Khoảnh khắc đó (tên lửa của ATGM BGM-71 TOW đánh trúng vào trực thăng Nga) đã chứng minh năng lực của chúng tôi. Chúng tôi có thể ngăn chặn không quân đối phương".

Nhóm phiến quân FSA "Sư đoàn duyên hải số 1" khai hỏa ATGM vào trực thăng tìm kiếm cứu nạn của Nga sau sự việc máy bay Su-24 bị F-16 Thổ bắn rơi tháng 11/2015.

Khi người Mỹ bỏ rơi "đồng minh"

Vào năm 2013, "Sư đoàn duyên hải số 1" đã được tiếp cận bởi một nhóm người tự xưng là đến từ Mỹ - họ đưa ra đề nghị giúp đỡ bằng "sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới".

Ngoài súng đạn, huấn luyện và một đường dây liên lạc với CIA, điều quan trọng nhất mà nhóm người nói trên đem lại là mức lương 150 USD mỗi tháng cho các tay súng phiến quân.

Năm 2015, Abu Saleh đã vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ và được quân đội Mỹ đưa tới Arab Saudi huấn luyện trong vòng một tháng. Anh nhớ lại: "Vào thời điểm đó chúng tôi cảm thấy mình bất khả chiến bại".

Phiến quân Syria mang tiền án dùng tên lửa Mỹ diệt máy bay Nga: Cái kết vượt tưởng tượng - Ảnh 3.

Abu Saleh thời còn là chỉ huy một đơn vị phiến quân FSA.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ nói trên đã kết thúc vào năm 2017 khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt hoàn toàn chương trình này.

Một số nhóm phiến quân tìm thấy một người bảo trợ mới đó là Thổ Nhĩ Kỳ, một số trở nên cực đoan và hòa tan vào các nhóm khủng bố, nhưng đa phần các nhóm phiến quân Quân đội Syria Tự do (FSA) đã rã ngũ hoàn toàn.

Thiếu sự hỗ trợ của Mỹ và đứng trước sự can thiệp có tính chất quyết định trên chiến trường của Nga, Abu Saleh đã cùng với gia đình trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016:

"Tôi nói những người dưới quyền cũng nên làm như thế. Nhiều người trong số chúng tôi đã chết nhưng những người còn lại thì ở đây, ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều kỳ lạ là Abu Saleh không đổ lỗi cho Mỹ mà hướng mục tiêu chỉ trích vào "những người khác":

"Người Mỹ ít nhất là đã ủng hộ chúng tôi trong một thời gian. Còn các nước Arab (Vùng Vịnh) đã không thèm động một ngón tay để cứu giúp chúng tôi, thay vào đó là họ hậu thuẫn các tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và al-Qaeda".

Phiến quân Syria mang tiền án dùng tên lửa Mỹ diệt máy bay Nga: Cái kết vượt tưởng tượng - Ảnh 5.

Thay vì các nhóm "đối lập ôn hòa" những kẻ thống trị hiện tại là Hayyat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm khủng bố có liên hệ với al-Qaeda và Huynh đệ Hồi giáo.

Cuộc chiến hiện tại?

Ngày 15/3/2020, những người đối lập Syria kỷ niệm năm thứ 10 của cuộc chiến trong bối cảnh một chiến dịch quân sự của chính phủ Damascus đang áp sát thành trì cuối cùng của họ tại tỉnh Idlib.

Gần một triệu người đã phải di tản khi hoạt động quân sự bắt đầu vào tháng 12/2019. Do không thể vượt biên vào Thổ Nhĩ Kỳ, hàng trăm nghìn người đang trong điều kiện sống tối thiểu dọc biên giới.

Trước áp lực phải ngăn chặn một làn sóng người tị nạn mới xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã gửi hàng nghìn lính tới tỉnh Idlib và tiến hành cái gọi là chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" nhằm chặn đứng đà tiến của SAA.

Mặc dù chiến sự đã tạm ngưng vào ngày 6/3 theo sau một thỏa thuận được Nga-Thổ đồng thuận tại Moscow, nhưng Ankara cũng đã phải trả giá - hàng chục binh sĩ Thổ đã thiệt mạng và hầu hết bởi các cuộc không kích (được cho là của Nga).

Abu Saleh vẫn còn nhớ chính xác vị trí anh ta chôn vũ khí của mình khoảng 4 năm trước. Tuy nhiên khi phiến quân và các nhóm khủng bố liên tiếp thất bại ở tây bắc Syria vào đầu năm 2020, anh nói rằng mình sẽ không tham chiến.

"Tôi sẽ chiến đấu, nhưng chỉ khi tôi tìm thấy một đại diện mà tôi có thể tin tưởng - đó không phải là Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara không quan tâm đến chúng tôi".

Còn ở hiện tại, Abu Saleh đang chiến đấu trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến sinh tồn của anh và gia đình trong khi kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trở nên trì trệ. "Chỉ có Chúa mới biết khi nào chúng tôi sẽ trở về nhà (Syria)".

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân Syria tại khu vực ngoại vi Saraqeb, tháng 2/2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại