Phát hiện mới về biến chứng của bệnh tăng huyết áp

TS.BS Bùi Việt Bắc |

Tăng huyết áp có nguy cơ gây biến chứng với nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể, đặc biệt gây đột quỵ, đột tử. Đặc biệt, gần đây, một nhóm nghiên cứu Thụy Điển phát hiện tăng huyết áp có thể làm tăng bệnh Alzheimer ở nam giới có huyết áp tăng cao vào ban đêm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 4 người nam hay 5 người nữ, có 1 người bị tăng huyết áp (THA). Tương tự, ở Việt Nam tỷ lệ này là 25% đối với người trên 25 tuổi, trong đó gần 60% người bị THA chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.

Và cứ 5 người THA được điều trị, chỉ có 1 người đạt được kiểm soát huyết áp. Đồng thời WHO cũng cho biết THA có nguy cơ gây biến chứng với nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể, đặc biệt gây đột quỵ, đột tử. Đặc biệt, gần đây, một nhóm nghiên cứu Thụy Điển phát hiện THA có thể làm tăng bệnh Alzheimer ở nam giới có huyết áp tăng cao vào ban đêm.

Nguyên nhân tăng huyết áp

Phát hiện mới về biến chứng của bệnh tăng huyết áp - Ảnh 1.

Cần theo dõi và đo huyết áp thường xuyên nếu bị bệnh tăng huyết áp.

Người ta phân chia THA thành 2 loại, đó là, THA nguyên phát có khoảng 90% trong loại này chưa rõ nguyên nhân, còn THA thứ phát có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, đó là : Do xơ vữa động mạch gây hẹp động mạch (động mạch chủ, động mạch thận), các bệnh về thận, động mạch vành tim…, bệnh đái đường, tăng mỡ máu hoặc do dùng một số loại thuốc (corticoid…), do chế độ ăn uống không hợp lý (thói quen ăn mặn, uống nhiều rượu, bia…), hoặc căng thẳng thần kinh kéo dài (stress,…), hoặc do béo phì, lười vận động…

Các biến chứng của THA và nguy cơ bị Alzheimer ở nam giới

Bệnh THA được gọi là "bệnh thầm lặng giết người", bởi bệnh gây nên nhiều biến chứng, đặc biệt có mối liên quan giữa THA và nhồi máu cơ tim do các mảng xơ vữa bám trong lòng mạch vành (là mạch máu nuôi cơ tim) gây hẹp dần lòng mạch, không dẫn đủ máu nuôi cơ tim khi tim cần làm việc gắng sức, gây ra triệu chứng mệt, đau ngực khi gắng sức.

Mảng xơ vữa này có thể đột ngột bị vỡ ra do stress hoặc do huyết áp cao, các tế bào máu (hồng cầu, tiểu cầu) đến bám vào chỗ thành mạch bị tổn thương này, tạo nên cục huyết khối cấp tính, gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch vành và đưa đến nhồi máu cơ tim cấp.

THA không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới biến chứng suy tim. Khi bị THA, tim co bóp tốn nhiều công hơn để bơm một lượng máu ra các mạch ngoại biên. Hậu quả của việc gắng sức lâu ngày này làm cơ tim dày lên, cứng hơn, ít đàn hồi giãn nở so với tim người bình thường, gây suy giảm chức năng hút máu về tim. Suy tim có thể tạo nên cục máu đông, cục máu đông theo dòng máu đến động mạch vành gây tắc mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp; cục máu đông theo dòng máu đi lên não gây tắc mạch máu não gây tai biến mạch máu não (đột quỵ). Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta cũng như trên thế giới. Đột quỵ là tình trạng một phần của não bị ngừng cấp máu đột ngột do vỡ mạch máu (gọi là xuất huyết não) hoặc do cục máu đông hay mảng xơ vữa gây tắc nghẽn hoàn toàn một mạch máu nuôi vùng não đó (gọi là nhồi máu não), làm người bệnh bất tỉnh hoặc liệt.

THA có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt (nằm phía sau nhãn cầu, gọi là võng mạc, nơi thu nhận hình ảnh khi nhìn), gọi là bệnh võng mạc do THA. THA cũng có thể làm ảnh hưởng lên toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể như động mạch chủ, động mạch cảnh, động mạch cột sống, động mạch thận, động mạch nội tạng, đặc biệt là những mạch máu ở xa như động mạch hai chân.

Các mạch máu này cứng lên, bị xơ vữa, vôi hóa gây hẹp hoặc tắc nghẽn. Bị THA lâu ngày sẽ gây tổn thương thận, làm giảm chức năng thận gây suy thận.

Đặc biệt, một nghiên cứu gần đây từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), được công bố trên tạp chí Hypertension, đã liên kết tình trạng sức khỏe với một tác dụng phụ đáng kinh ngạc, đó là, THA có thể dẫn đến bệnh Alzheimer gặp chủ yếu ở một số nam giới. Nghiên cứu cho thấy, huyết áp thay đổi trong ngày là điều bình thường do sự vận động của cơ thể, với các chỉ số thấp hơn vào ban đêm, do cơ thể được nghỉ ngơi.

Nhóm nghiên cứu này đã tiến hành nghiên cứu, quan sát từ 1.000 người đàn ông Thụy Điển lớn tuổi được theo dõi lên đến 24 năm, có huyết áp vào ban đêm cao hơn ban ngày, có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn đàn ông trẻ tuổi hoặc nữ giới.

Nên làm gì hạn chế biến chứng do bệnh tăng huyết áp?

Phát hiện mới về biến chứng của bệnh tăng huyết áp - Ảnh 2.

Người bệnh THA nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả.

Cho đến nay, bệnh THA chưa có biện pháp nào để điều trị khỏi hẳn, nhất lầ huyết áp tăng vao ban đêm ở một số nam giới, vì vậy, khi bị THA cần có sự kiên trì chữa trị theo chỉ định và hướng dẫn của bác sỹ khám bệnh cho mình (đối với người bị THA ban đêm cần được khám bởi bác sỹ chuyên khoa tim mạch), người bệnh không nên nghe theo chỉ dẫn của người không có chuyên môn về y tế hoặc mua thuốc không có nguồn gốc hoặc thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Người bệnh phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời đó là điều không thể bỏ qua.

Cần có chế độ ăn, uống hợp lý (không ăn mặn, kiêng mỡ động vật, không uống rượu, bia, ăn nhiều rau trong các bữa ăn, trái cây…), nếu có các bệnh khác kèm theo (đái đường…) chế độ ăn, uống càng cần được chú ý (hạn chế ăn tinh bột, kiêng ăn đường và các sản phẩm có đường…). Nên tập thể dục, vận động cơ thể thường xuyên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại