Tức tốc đi xét nghiệm ADN
Anh Phong đã lập gia đình được 5 năm và có một cô con gái đáng yêu. Bố mẹ anh Phong liên tục giục vợ chồng anh sinh thêm con. Điều này khiến cho vợ chồng anh áp lực. Do "thả" mãi mà vợ anh Phong vẫn chưa có bầu, anh Phong quyết định cùng vợ đi khám.
Kết quả khám cho thấy chức năng sinh sản của vợ anh bình thường, còn anh được chẩn đoán vô sinh (không có tinh trùng). Sau khi nghe kết quả từ bác sĩ, anh Phong nóng bừng mặt, kéo vợ ra về và không nghe bác sĩ giải thích thêm.
Khi về tới nhà, anh chất vấn vợ và thẳng thắn nói ra nghi ngờ của mình: "Tôi vô sinh thì làm sao có con được?". Khi nghe những lời nói đay nghiến của chồng, chị Phương (vợ anh Phong) chỉ biết ôm mặt khóc. Chị nói với chồng mình: "Hãy đi xét nghiệm ADN, rồi sau đó dù như thế nào, chúng ta cũng chấm dứt".
Nghe những lời nói của vợ, anh Phong lập tức lấy mẫu máu của con gái và mang đi xét nghiệm ADN. Anh đăng ký dịch vụ xét nghiệm cho kết quả nhanh nhất.
Trong mấy tiếng chờ kết quả, lòng anh Phong nóng như lửa đốt. Rồi khi cầm kết quả trên tay, nhìn vào dòng chữ "Xác nhận quan hệ bố con ruột", anh vui mừng khôn tả. Nhưng khi nghĩ về vợ, anh thấy "lạnh sống lưng" vì những lời nói của anh lúc nóng giận đã gây tổn thương cho vợ mình.
Anh Phong tức tốc phóng xe về nhà nhưng không thấy vợ con đâu. Hoá ra khi anh mang mẫu đi xét nghiệm, vợ anh đã ôm con về nhà ngoại.
Sau một tháng nỗ lực làm lành với vợ, anh Phong cũng được vợ tha thứ. Anh Phong và vợ quyết định tới một bệnh viện chuyên khoa để thăm khám kỹ lưỡng hơn.
Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh Phong bị vô sinh thứ phát, không có tinh trùng trong tinh dịch. Khai thác kỹ hơn, bác sĩ phát hiện gần 3 năm trước, anh Phong có bị sưng đau tinh hoàn hai bên nhưng không đi khám mà tự điều trị bằng thuốc tại nhà. Có thể chính điều này khiến tinh hoàn của anh Phong bị teo dần và dẫn tới vô sinh thứ phát.
Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị vô sinh thứ phát
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết những trường hợp như vợ chồng anh Phong không hề hiếm gặp. Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở nam và nữ ngang nhau, nhưng có một thực tế là người chồng rất ít khi thừa nhận nguyên nhân là ở mình mà thường đổ lỗi cho vợ. Việc đổ lỗi này gần như gặp ở hầu hết những người bị vô sinh thứ phát.
Bác sĩ Hiệp cho biết vô sinh nam được định nghĩa là tình trạng người nam giới không thể làm cho người phụ nữ của mình có thai (trong điều kiện sức khỏe sinh sản của người phụ nữ bình thường) sau 1 năm chung sống mà không dùng biện pháp tránh thai.
Vô sinh ở cả nam và nữ được chia thành 2 loại, đó là nguyên phát và thứ phát. Trong đó, vô sinh thứ phát là những trường hợp từng có con hoặc có thai ít nhất một lần, nay muốn tiếp tục sinh đẻ nữa nhưng không thể thụ thai được.
Theo bác sĩ Hiệp, vô sinh thứ phát đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa do có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, ví dụ như mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu nhưng không được phát hiện và điều trị sẽ gây biến chứng như tắc ống dẫn tinh, teo tinh hoàn. Một lý do khác là việc làm "chuyện ấy" bừa bãi, không an toàn dẫn tới mắc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, chlamydia... Những bệnh lý này không được điều trị có thể dẫn tới biến chứng vô sinh.
Một số chấn thương, bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới vô sinh. Một số nam giới mắc quai bị gây biến chứng teo tinh hoàn; nam giới lạm dụng chất kích thích, có chế độ sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh... đều ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng cũng như khả năng sinh sản.
Bác sĩ Hiệp khuyến cáo, vô sinh thứ phát có thể gặp ở bất kể ai, ngay cả những nam giới đã có con cũng không thể chủ quan. Vì thế, khi đã lập gia đình và đã có con, cánh mày râu vẫn nên thăm khám nam khoa định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý nếu có.
Đối với trường hợp của bệnh nhân Phong, anh sẽ không thể có con tự nhiên. Tuy nhiên, người chồng có thể thực hiện phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (MicroTESE) và làm thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ.
* Tên nhân vật đã được thay đổi