Tên lửa đạn đạo Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga - Ảnh: REUTERS
"Những tuyên bố như vậy chẳng khác gì một lời kêu gọi bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới mới với những hậu quả khó lường, khủng khiếp", ông Peskov trả lời ngày 6-10 khi được hỏi về phát ngôn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trong một sự kiện của Viện Lowy (Úc) tổ chức, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông tin rằng các cuộc tấn công là cần thiết để ngăn chặn bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào.
"NATO nên làm gì? Làm cho Nga không thể sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Zelensky nói đầy ẩn ý nhưng không nói chi tiết cuộc tấn công sẽ diễn ra như thế nào, sử dụng loại vũ khí gì.
"Một lần nữa tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành các cuộc tấn công phòng ngừa để (người Nga) biết điều gì sẽ xảy ra với họ nếu họ sử dụng chúng (vũ khí hạt nhân - PV)", tổng thống Ukraine thúc giục.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang leo thang nhanh chóng sau khi Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bảo vệ các vùng này như lãnh thổ chính của Nga, đồng thời cảnh báo tấn công vào đây sẽ như tấn công nước Nga.
Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau động thái của Nga, tuy nhiên nước này vẫn chưa phải là một thành viên của khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt. Do đó, về lý thuyết NATO không có nghĩa vụ phải bảo vệ Ukraine.
Sau khi Nga để Ukraine chiếm lại một số thành phố ở vùng Donbass, đã có một số nhân vật có quan điểm cứng rắn ở Nga kêu gọi sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine.
Các phát ngôn của những người này khiến một số nước lo lắng, đặc biệt là châu Âu. Tuy nhiên theo giới phân tích, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là rất thấp vì nước này không muốn lún sâu thêm vào cuộc xung đột và hứng chịu tiếp các lệnh trừng phạt của phương Tây.