Trung Quốc đã phát triển vũ khí siêu thanh của mình bằng phần mềm của Mỹ - Ảnh: FACEBOOK
Cuộc điều tra của tờ Washington Post phát hiện từ năm 2019, có 300 hồ sơ thể hiện doanh số bán phần mềm tiên tiến từ gần 50 công ty Mỹ cho các nhóm nghiên cứu Trung Quốc. Các nhóm này có liên quan đến các chương trình phát triển tên lửa.
Nhận tài trợ Mỹ, bán công nghệ cho Trung Quốc
Theo Washington Post, các công ty Mỹ nhận được hàng triệu USD tài trợ từ Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, các công ty đã vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bằng cách bán sản phẩm công nghệ cho các nhà phân phối trung gian tư nhân của Trung Quốc.
Mỹ kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với phần mềm nhạy cảm trên. Theo luật, các nhà xuất khẩu Mỹ chịu trách nhiệm theo hướng dẫn của Bộ Thương mại Mỹ, để xác định xem nhà phân phối của họ có bán cho một bên bị hạn chế hoặc cho các mục đích sử dụng bị cấm hay không.
Mô phỏng máy tính rất quan trọng trong việc thiết kế vũ khí siêu thanh và xác định lỗi thiết kế trước khi thử nghiệm đường hầm gió và bắn đạn thật.
Ở tốc độ siêu thanh, không khí thể hiện các đặc tính phức tạp, đòi hỏi phần mềm kỹ thuật hàng không chuyên dụng để mô phỏng.
Tờ Washington Post thông tin Học viện Khí động học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CAAA) đã sử dụng phần mềm mô phỏng của Mỹ để phát triển phương tiện lướt siêu thanh.
Vào tháng 8-2021, Trung Quốc sử dụng công nghệ này trong cuộc thử nghiệm phương tiện lướt siêu thanh (HGV) bay vòng quanh địa cầu trước khi đâm vào mục tiêu.
Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, mô tả vụ thử là "khoảnh khắc của Sputnik", phản ánh sự bất ngờ trong toàn bộ cơ sở quốc phòng của Mỹ trước vụ thử tên lửa siêu thanh của Trung Quốc.
Lợi nhuận công ty vẫn trên hết
Phần mềm của Mỹ cũng hỗ trợ Trung Quốc thiết kế vi mạch cao cấp, cần thiết cho siêu máy tính để chạy mô phỏng vũ khí siêu thanh.
Chẳng hạn, phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) là trọng tâm của quá trình thiết kế này, vì nó cho phép các kỹ sư sử dụng những con chip phức tạp với hàng tỉ bóng bán dẫn siêu nhỏ trên các mạch tích hợp.
Theo đánh giá của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ gần như độc quyền về phần mềm EDA và đang kiểm soát 70% thị trường toàn cầu.
Mặc dù vậy, năm 2021, công ty bán dẫn Trung Quốc Phytium Technologies đã sử dụng phần mềm EDA của Mỹ để thiết kế vi mạch cho siêu máy tính dùng để chạy mô phỏng vũ khí siêu thanh, với các vi mạch được sản xuất tại Đài Loan.
Vào tháng 8-2022, Mỹ cấm xuất khẩu phần mềm EDA qua Trung Quốc.
"Siêu máy tính rất quan trọng đối với sự phát triển của vũ khí hiện đại và hệ thống an ninh quốc gia, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết trong một thông cáo báo chí.
Bất chấp những tiết lộ gần đây, Trung Quốc rõ ràng đã sử dụng phần mềm của Mỹ để mô phỏng các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh.
Ví dụ, một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Hàng không Trung Quốc tiết lộ phần mềm do Công ty Ansys có trụ sở tại bang Pennsylvania (Mỹ) cung cấp đã giúp một nhóm nghiên cứu Trung Quốc mô phỏng khí động học của một tên lửa siêu thanh có khả năng hạ gục tất cả các hệ thống phòng không hiện có.
Bất chấp những rủi ro an ninh quốc gia rõ ràng đối với Mỹ, động cơ lợi nhuận của doanh nghiệp dường như luôn gắn liền những lo ngại về an ninh.
Theo Mao Baofeng - giáo sư tại Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh, các công ty phần mềm Mỹ không muốn đánh mất thị trường Trung Quốc được đầu tư dồi dào và sinh lời, vốn chỉ đứng sau Mỹ về quy mô.