Phạm Công Danh: "Tôi cũng là nạn nhân"

Khắc Thành |

Phiên xét xử sáng nay, Phạm Công Danh cho biết, mình cũng là nạn nhân của vụ việc.

Sáng 29/7, phiên tòa xét xử đại án kinh tế, gây thất thoát 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi Phạm Công Danh, người chủ mưu trong vụ án.

Danh nói rằng, có quen biết với ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (đã bị bắt vào cuối năm 2014 vì dính đến một vụ án kinh tế khác) nên có quan hệ với nhiều doanh nghiệp.

Giữa năm 2012, ông Thắm gặp Danh và nói rằng đã mua lại 84,92% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn đại diện. Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng này không được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận vì trái luật.

Khi nhượng lại vụ chuyển nhượng này cho Danh, ông Thắm đưa ra con số 1.000 tỷ đồng, nói là để chi chăm sóc khách hàng. Sau đó, 2 bên thỏa thuận thỏa thuận và thống nhất còn 500 tỷ đồng, số tiền này có ghi vào giấy tờ.

Phạm Công Danh cho biết, hành vi phạm tội của mình phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh lúc đó nên mong HĐXX xem xét bởi đến lúc vào điều hành Ngân hàng Đại Tín mới biết tình trạng thực tế của nhà băng này.

"Tôi cùng các cộng sự rất sốc vì tình trạng nghiêm trọng thua lỗ nghiêm trọng ở Trustbank, nợ lên đến hàng nghìn tỷ, khách hàng thì liên tục đòi tiền họ đã gửi cùng hàng loạt các khoản phải chi trả khác", Danh nói.

Danh cho biết thêm, biết được thực trạng tồi tệ của Trustbank, ông ta đã chấp nhận mất 500 tỷ đồng phí chuyển nhượng để không nhận Ngân hàng Đại Tín nữa. Thời điểm đó cũng không có doanh nghiệp hay ngân hàng nào dám nhận Trustbank.

"Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước là anh Quốc Anh, sau đó là anh Nghĩa đã động viên tôi rằng, không thể dùng tiền nhà nước tái cơ cấu ngân hàng tư nhân mà phải dùng chính nguồn lực tư nhân, nghĩa là chuyển giao Ngân hàng Đại Tín cho người có khả năng điều hành. Từ đó, tôi mới đồng ý làm tiếp, dù bản thân không hề có nghiệp vụ ngân hàng".

Phạm Công Danh: Tôi cũng là nạn nhân - Ảnh 1.

Bà Hứa Thị Phấn, đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ tại tòa.

Sở dĩ Danh tiếp tục phi vụ này vì ông ta tin tưởng sẽ vực dậy được Ngân hàng Đại Tín, Bởi lẽ, thời điểm đó, ngân hàng này còn 2 khu đất dự án ở huyện Nhà Bè và quận 2 (TP HCM), được định giá hàng nghìn tỷ đồng nên Danh định bán 2 bất động sản này để có tiền tái cơ cấu Trustbank.

Do tình trạng thua lỗ, nợ xấu trong nhiều năm liền nên hầu như không khách hàng nào dám gửi tiền. Để huy động vốn, Danh buộc phải nâng lãi suất tiền gửi, tạo thêm gánh nặng cho mình.

Đồng thời, việc chuyển nhượng 2 bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè không thuận lợi nên ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tái cơ cấu Trustbank.

"Đây là nguyên nhân lớn nhất mà tôi không thể rút chân ra khỏi ngân hàng Đại Tín. Tôi cũng là nạn nhân của ngân hàng này", Phạm Công Danh giọng ấm ức.

Thực tế, để hợp thức hóa việc chuyển nhượng, Danh đã nhờ chính bố đẻ của mình là ông Phạm Toàn cùng 18 người khác, là nhân viên trong Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên sở hữu 84,92% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín.

Khoản phí mua lại cổ phần từ Trustbank đều do Danh bỏ ra. Rất nhiều người đứng tên sở hữu cổ phần nhưng chỉ là nhân viên bình thường của Tập đoàn Thiên Thanh, không có tiền.

"Họ tin tưởng tôi nên tự nguyện đứng tên sở hữu khống cổ phần, tôi không hề ép buộc. Tôi xin lỗi các cộng sự, cấp dưới vì tin tưởng mình mà bị liên lụy", Danh nói.

Toàn cảnh vụ chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín

Vào năm 2012, Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ (nhóm Phú Mỹ, do bà Hứa Thị Phấn làm Chủ tịch HĐQT) sở hữu 84,92% cổ phần, là cổ đông lớn nhất, nắm quyền điều hành Trustbank.

Dưới sự điều hành của nhóm cổ đông Phú Mỹ, Ngân hàng Đại Tín rơi vào cảnh thua lỗ rất nghiêm trọng. Theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 10/7/2012, thực trạng tài chính của Trustbank rất xấu, vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.031 tỷ đồng.

Trước tình trạng đó, bà Phấn cùng cộng sự đã tìm cách tái cơ cấu bằng cách đẩy Trustbank cho người khác. Người đầu tiên mà nhóm bà Phấn nhắm đến không phải là Phạm Công Danh, mà là ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương).

Tháng 2/2012, nhóm Phú Mỹ và ông Thắm đã thống nhất về việc chuyển nhượng 84,92% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, khoảng tháng 5, 6/2012, ông Thắm không thực hiện chuyển nhượng cổ phần như đã thống nhất với nhóm Phú Mỹ.

Sau đó, Giám đốc Ngân hàng Đại Dương đã chuyển giao phi vụ này cho Phạm Công Danh. Ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ ký kết biên bản thỏa thuận về việc chuyển cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín cho nhóm Thiên Thanh của ông Danh với giá hơn 4.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dưới sự điều hành của nhóm Phú Mỹ, tình hình của Ngân hàng Xây dựng ngày càng trầm trọng hơn. Chỉ trong vòng 1 năm, từ cuối 2012 đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của Ngân hàng Xây dựng âm đến 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng.

Trong đó, Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm được xác định đã gây thất thoát 9.000 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại