Phá tướng "sát phu": Ai muốn làm cần đọc ngay điều này trước khi... quá muộn

Ngọc Anh |

Phẫu thuật độn để làm đầy thái dương giúp gương mặt phúc hậu hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo nếu người thực hiện làm không đúng, kém chuyên môn người bệnh sẽ lãnh đủ.

Đẹp đâu chưa thấy đã vào viện

Trường hợp của chị N.T. T (33 tuổi, trú tại Vinh, Nghệ An ) đã phải vào viện cấp cứu sau khi phẫu thuật làm đẹp tại 1 spa ở Hà Nội.

Theo chị T, vì muốn thay đổi khuôn mặt, chị tới 1 trung tâm làm đẹp ở Hà Nội và được tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ thay đổi các vị trí trên khuôn mặt như: cung mày, mi mắt, môi và hai bên thái dương.

Sau đó chị T đã thực hiện các phẫu thuật làm đẹp này. Tuy nhiên, đến khi về Vinh, chị T có triệu chứng đau nhức dữ dội vùng đầu sưng nề nhanh chóng và chảy máu qua vết mổ vùng thái dương

Chị T nhớ lại cảm giác căng đau tới mức chị nghĩ vùng thái dương của mình như sắp vỡ tung đến nơi và đến giờ chị vẫn cảm thấy đó là một cảm giác rất kinh khủng.

Phá tướng sát phu: Ai muốn làm cần đọc ngay điều này trước khi... quá muộn - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Chị T đã phải nhập viện do biến chứng, khi xử trí vết thương vùng phẫu thuật có nhiều máu cục lẫn máu tươi đọng lại tại vùng thái dương trái gây chèn ép đã được bác sĩ xử lý, cầm máu.

Đây không phải lần đầu tiên các bác sĩ gặp trường hợp biến chứng do độn vùng thái dương. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hợp Nhân – Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, anh đã gặp nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi độn chất liệu làm đầy ở vùng thái dương.

Bệnh nhân thường gặp phải biến chứng, chảy máu, tụ máu vùng thái dương do tổn thương nhánh động mạch thái dương nông, biến chứng tổn thương nhánh trán của thần kinh mặt, nhiễm trùng sau mổ độn thái dương.

Một số trường hợp bệnh nhân sử dụng chất làm đầy vùng thái dương (mỡ tự thân hoặc chất làm đầy nhân tạo) thì việc bơm và tiêu không đều dẫn đến việc lồi lõm vùng thái dương.

Ví dụ, như trường hợp của chị Mai Thùy C (25 tuổi) đến viện cấp cứu vì liệt nhánh trán dây thần kinh mặt sau khi phẫu thuật độn thái dương.

Trước đó, chị C luôn mặc cảm vì thái dương hóp khiến gương mặt mất điểm với "tiếng ác" gò má cao sát chồng. Mẹ chồng tương lai của chị C không thích nên thường nói bóng gió gò má cao nên chị C quyết định đến 1 spa ở Hà Nội để độn thái dương để gò má không cao.

Tuy nhiên, sau khi độn thái dương được 1 thời gian, chị C bị tổn thương nhánh trán của dây 7, khiến cho không nhăn được vùng trán bên đó, không nâng được cung mày.

Chị nhanh chóng vào viện khám bác sĩ cho biết chị bị biến chứng tổn thương nhánh trán dây thần kinh số 7 do bóc tách tạo khoang chất liệu không đúng lớp, bóc quá thô bạo, và xử lý biến chứng này gặp rất nhiều khó khăn

Biến chứng hay gặp là gì?

Bác sĩ Nhân cho biết bình thường những người phụ nữ có vùng thái dương hóp khiến khuôn mặt trở nên hốc hác, không đầy đặn, tạo cảm giác gò má nhô cao... Vì thế, phương pháp độn thái dương được chị em lựa chọn để giúp họ có khuôn mặt thay đổi rõ rệt, bầu bĩnh, đầy đặn hài hòa và đặc biệt gò má không còn cao.

Phá tướng sát phu: Ai muốn làm cần đọc ngay điều này trước khi... quá muộn - Ảnh 2.

Nhiều người muốn độn thái dương để gương mặt đầy đặn

Theo bác sĩ Nhân hiện nay phẫu thuật độn thái dương phổ biến và được nhiều chị em phụ nữ quan tâm hơn trước. Nó cũng trở thành một phương pháp phẫu thuật mà nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo.

Để làm đầy vùng thái dương, hiện nay có thể áp dụng ba phương pháp đó là tiêm chất làm đầy, bơm mỡ tự thân và dùng chất liệu độn. Cả ba phương pháp này đều có các biến chứng giống như phương pháp nâng độn, làm đầy khác. Đối với phẫu thuật độn thái dương được nhiều người lựa chọn.

Phẫu thuật độn thái dương không quá phức tạp nhưng đòi hỏi ở người bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao mới có thể thực hiện an toàn vì nó có thể gây biến chứng. Nếu bác sĩ tay nghề kém, không có kỹ thuật thì người bệnh sẽ lãnh đủ vì có quá nhiều biến chứng.

Để làm phương pháp này bác sĩ sẽ dùng thiết bị hiện đại rạch 1 đường cực nhỏ để đưa chất liệu độn vào, chất liệu này thường là sụn nhân tạo có nhiều kích thước, hình dáng phù hợp với từng tình trạng lõm khác nhau của thái dương. Tiếp theo bác sĩ sẽ đặt chất liệu độn một cách chính xác, điều chỉnh cho phù hợp sao cho cân đối nhất.

Nếu độn thái dương thực hiện ở những cơ sở không được cấp phép, bác sĩ non tay thì người bệnh sẽ đối diện với những biến chứng như gây chảy máu vì vùng này có nhiều mạch máu và liệt dây thần kinh mặt, nhiễm trùng, lộ chất độn, mất cân xứng hai bên.

Trường hợp bị lộ chất độn khá phổ biến nguyên nhân có thể là do đường mổ bị lệch, chất liệu độn trôi tuột, đặt sát da…

Khi thực hiện bất cứ phẫu thuật nào, bác sĩ Nhân nhấn mạnh người bệnh cần tới các cơ sở y tế lớn cũng như được tư vấn trước khi thực hiện để hạn chế tối đa biến chứng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại