Chết vì người, lợn, gà dùng chung kháng sinh
PGS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương đã cảnh báo về nguy cơ lên tới 10 triệu người chết mỗi năm vào năm 2020 nếu chúng ta không giám sát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh thì rất nguy hiểm.
Theo PGS Kính trong chương trình nghiên cứu giữa Bệnh viện Nhiệt Đới trung ương, Đại học Oxfod, Đại học Nông nghiệp 1 thì phát hiện ra 11 loại kháng sinh hiện nay đang sử dụng cho người được sử dụng trong chăn nuôi, trong đó có cả loại kháng sinh lẽ ra cấm trong chăn nuôi thì nó lại được sử dụng để làm thức ăn cho cá, cho lợn, cho gia cầm.
PGS Kính cho rằng điều này là cực kỳ nguy hiểm. Trong quá trình nghiên cứu ông cùng các cộng sự "đau xót" khi thức ăn của gia cầm, lợn được trộn với kháng sinh để phòng bệnh.
Trong số kháng sinh này không ít được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc nguồn nhập khẩu không rõ nguồn gốc điều này cực kỳ nguy hiểm, nó dẫn đến cái chết âm thầm khi vi khuẩn nhờn thuốc.
Hàng ngày, con người ăn phải các loại thực phẩm tồn dư kháng sinh, các kháng sinh này tích tụ trong cơ thể và con vi khuẩn sống trong cơ thể, ngay cả vi khuẩn sống trên gia đến khi nó tăng độc lực của mình phát bệnh thì chẳng còn kháng sinh nào diệt được nó. Bởi vì nó đã nhờn hết các kháng sinh này.
Nhất là hiện nay có nhiều bệnh mới nổi mà số vi khuẩn kháng thuốc ngày càng cao tăng lên.
Trong khi đó, để sản sinh ra một loại kháng sinh thế hệ mới không phải câu chuyện của một vài năm mà người ta mất cả chục năm, còn người dùng thì cứ dùng thoải mái.
Cuộc chiến đấu giữa vi khuẩn và con người thì vi khuẩn luôn thắng bởi có kháng sinh nào ra đời tiêu diệt nó chỉ 1 – 2 năm sau là xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc ngay – PGS Kính cho biết.
PGS Kính đau xót khi kể ra câu chuyện có những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn và vi khuẩn này đã kháng thuốc. Bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh thế hệ mới nhất cũng không được và phải sử dụng kết hợp kháng sinh.
Nhưng khi sử dụng kết hợp kháng sinh khác thì rất tiếc là loại kháng sinh này đã được sử dụng trong chăn nuôi và bản thân người bệnh đã hấp thụ nó từ các thực phẩm của ngành chăn nuôi như thuỷ sản, thịt lợn, gia cầm dẫn đến nhờn cả thuốc.
Lúc này, thất bại về trên lâm sàng của bác sĩ thì bệnh nhân chỉ còn con đường duy nhất đó là đến nghĩa địa.
Sức ép về thuốc lớn
PGS Kính cho biết bản thân ông đi nhiều nhà thuốc và thực tế bất cứ ai cũng gặp đó là có nhiều bệnh nhân, mỗi lần có triệu chứng bệnh tật từ nhẹ đến nặng thay vì đến các cơ sở, trung tâm y tế trước tiên thì đều hoặc là ra hiệu thuốc nhờ chủ cửa hiệu… chẩn trị hoặc tìm hiểu từ những người cùng triệu chứng rồi họ mách dùng thuốc gì thì dùng thuốc ấy, điều này đủ thấy người dân lạm dụng thuốc kháng sinh như thế nào.
Hậu quả của việc sử dụng kháng sinh dễ như mua rau hoặc dùng như… ăn cơm thì trong tương lai con đường của bệnh nhân không may mắc các bệnh vi khuẩn truyền nhiễm đi đến duy nhất là nghĩa địa, cái chết còn gần và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư.
PGS Kính nhấn mạnh kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu và đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển với gánh nặng của các bệnh nhiễm khuẩn và những chi phí bắt buộc cho việc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới, đắt tiền.
Các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá. đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện là các nguyên nhân hàng đầu có tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển.
Việc kiểm soát các loại bệnh này đã và đang chịu sự tác động bất lợi của sự phát triển và lan truyền tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Có thể nói rằng, vi khuẩn càng phơi nhiễm nhiều với kháng sinh thì "sức ép về thuốc" càng lớn - các chủng kháng thuốc càng có nhiều cơ hội để phát triển và lây lan.
Mặc dù kháng kháng sinh là vấn đề căn bản thuộc về y tế, trong đó sức ép về thuốc là yếu tố nội tại quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển và gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.