Liên Hợp Quốc quan tâm đặc biệt đến tình trạng kháng kháng sinh

Ngọc Mai |

Các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc cam kết hành động vì tình trạng kháng kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Tình trạng kháng kháng sinh (AMR – Antimicrobial resistance) xảy ra khi vi khuẩn, virus, vật ký sinh, nấm phát triển khả năng kháng cự các loại thuốc mà trước đây chúng có thể bị "khuất phục".

Trong hội nghị cấp cao về kháng kháng sinh tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York ngày hôm qua, các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia khắp toàn cầu đã thể hiện mối quan tâm chưa từng có trong việc ngăn ngừa sự lan rộng của các loại khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Lần đầu tiên, lãnh đạo các quốc gia đã cam kết cùng phối hợp tiếp cận trên diện rộng để xử lý gốc rễ của tình trạng AMR.

Đây được xem là một trong 4 vấn đề về y tế được Đại hội đồng Liên hợp quốc đặt mức quan tâm cao như vậy từ trước đến nay (bên cạnh HIV, bệnh không truyền nhiễm và Ebola).

Liên Hợp Quốc quan tâm đặc biệt đến tình trạng kháng kháng sinh - Ảnh 1.

Ông Peter Thomson, Chủ tịch khoá 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc cho rằng: "Kháng kháng sinh đe doạ Mục tiêu Phát triển Bền vững và cần có giải pháp ở phạm vi toàn cầu."

"Kháng kháng sinh đặt ra những nguy cơ cơ bản đối với sức khoẻ con người, sự phát triển và an ninh. Các cam kết ngày hôm nay cần phải biến thành hành động nhanh chóng, hiệu quả trên các lĩnh vực y tế con người, động vật và môi trường. 

Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa", bà Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi.

Kháng kháng sinh khiến chúng ta ngày càng khó điều trị những căn bệnh hiểm nghèo như viêm phổi, nhiễm trùng hậu phẫu thuật, HIV, lao, sốt rét.

Liên Hợp Quốc quan tâm đặc biệt đến tình trạng kháng kháng sinh - Ảnh 2.

Thời gian gần đây, tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng. Đây là kết quả của việc sử dụng quá liều, sử dụng sai kháng sinh ở người và động vật (kể cả cá nuôi), trồng trọt, cũng như dư lượng thuốc tăng trong đất, nước.

Các quốc gia tham dự hội nghị kêu gọi sử dụng các công cụ có sẵn, hiệu quả để phòng ngừa nhiễm khuẩn ở người và động vật, bao gồm tạo miễn dịch, nước sạch và vệ sinh, điều kiện vệ sinh tốt ở bệnh viện và nơi nuôi động vật.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng kêu gọi những sáng kiến mới trong nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới, hiệu quả, các thí nghiệm lâm sàng nhanh và các liệu pháp thay thế những loại thuốc tới nay đã mất công hiệu.

*Theo UN.org

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại