Ở Việt Nam xuất hiện vi khuẩn kháng tất cả thuốc kháng sinh

Khánh Ngọc |

Với cách sử dụng kháng sinh tự do ngày càng phổ biến trong cộng đồng người dân như hiện nay thì một thời gian nữa những bệnh nhẹ cũng không chữa được.


Lạm dụng kháng sinh dẫn đến nhờn thuốc 

Lạm dụng kháng sinh dẫn đến nhờn thuốc 

Vi khuẩn kháng kháng sinh

PGS TS Nguyễn Vũ Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện nay ở Việt Nam tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh không còn xa lạ.

Đã có nhiều trường hợp, mặc dù dùng kháng sinh điều trị nhưng tình trạng nhiễm khuẩn vẫn không được cải thiện, vi khuẩn vẫn tồn tại và phát triển.

Thậm chí có những trường hợp vi khuẩn đề kháng nhưng đó là đề kháng giả.

Ví dụ như khi vi khuẩn gây bệnh nằm trong các ổ áp xe, ổ mủ... có các tổ chức hoại tử, tổ chức viêm bao bọc khiến cho kháng sinh không thể thấm tới vị trí tổn thương được hoặc chỉ một lượng nhỏ kháng sinh có thể tới vị trí đó.

Nên vi khuẩn có các gene đề kháng sẽ ít hoặc không chịu tác động của kháng sinh khi điều trị.

Đặc biệt, việc điều trị một số vi khuẩn có vai trò quan trọng gây các nhiễm khuẩn ở bệnh viện, cộng đồng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết... kháng thuốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nếu vi khuẩn đề kháng với nhiều loại kháng sinh hiện có, bệnh nhân có thể bị tử vong do thất bại điều trị. Nhiều vi khuẩn ecoli cũng đang phát triển gây nên tình trạng kháng kháng sinh.

Theo ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh giai đoạn 2008 - 2009 cho thấy:

Năm 2009, 30 - 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40-60% kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon.

Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với imipenem.

Sử dụng kháng sinh trung bình là 274,7 DDD/100 ngày-giường. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với báo cáo của Hà Lan cùng kỳ là 58,1 DDD/100 ngày-giường và báo cáo từ 139 bệnh viện của 30 nước châu Âu năm 2001 là 49,6 DDD/100 ngày-giường.

Sự tương quan giữa việc dùng kháng sinh và kháng kháng sinh thể hiện rõ khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn gram âm đối với cephalosporin thế hệ 4 cao ở những nơi việc tiêu thụ kháng sinh lớn.

Theo kết quả “Tìm hiểu thực trạng sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn bệnh viện tại các đơn vị điều trị tích cực ở một số cơ sở khám, chữa bệnh” cho thấy 4 chủng vi khuẩn phân lập được nhiều nhất là Acinetobacter spp, Pseudomonas spp, E.coli, Klebsiella spp.

Tần xuất nhiễm Acinetobacter spp. hay Pseudomonas spp. chiếm tỷ lệ ưu thế (>50%) trong viêm phổi bệnh viện (thở máy hay không thở máy). 4 chủng này đều là vi khuẩn đa kháng kháng sinh.

Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 (khoảng từ 66-83%) tiếp theo là nhóm aminosid và fluoroquinolon tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%.

Kháng sinh mua dễ như rau

Tình trạng sử dụng kháng sinh phổ biến một phần là do thuốc ở Việt Nam mua bán rất dễ. Nhiều bác sĩ đã thốt lên rằng không ở đâu mua thuốc từ kháng sinh đến biệt dược lại dễ như ở Việt Nam.

Người dân chỉ cần hắt hơi, sổ mũi chạy ra hiệu thuốc là có thể mua được thuốc.

Bài toán về hành động chống kháng thuốc không chỉ đơn giản là truyền thông mà còn phải thực hiện thanh kiểm tra công tác bán và cung ứng thuốc của các nhà thuốc.

Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Trong tổng số 2953 nhà thuốc được điều tra: có 499/2083 hiệu thuốc ở thành thị (chiếm tỷ lệ 24%) và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn (chiếm tỷ lệ 29,5%) có bán đơn thuốc kê kháng sinh.

Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc.

Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Mua kháng sinh để điều trị ho 31,6% (thành thị) và sốt 21,7% (nông thôn).

Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29.1%), cephalexin (12.2%) và azithromycin (7.3%). Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn 49,7% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).

Trong thời gian sắp tới, ông Cao Hưng Thái Cho biết Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện quy chế bán thuốc theo đơn ở nhà thuốc, giao Cục Quản lý Dược và thanh tra Bộ trong tuần lễ này kiểm tra giám sát, các tỉnh, sở y tế chỉ đạo các cơ quan giám sát, kiểm tra.

Kế hoạch tổng thể, để thực hiện thành lập tiểu ban giám sát việc sử dụng kháng sinh. Ông Thái cho biết để việc hành động về kháng kháng sinh cần có sự đồng hành của người dân.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại