Ông nhận định rằng, việc hai cường quốc cạnh tranh ảnh hưởng ở Biển Đông có tuyến hàng hải chiến lược là một trận đấu sẽ kéo dài.
Ông nêu ra thực tế là các đảo nhân tạo mới của Trung Quốc và các trang thiết bị của họ sẽ vẫn tồn tại, trong khi quân đội Mỹ chuyển trọng tâm sự chú ý của họ sang Trung Quốc.
Cả hai điều đó, theo cây viết Matt Rivers của CNN, đều là chiến lược dài hạn, và cả hai nước đều có nguồn lực để thực hiện.
Khi tranh cử, ông Trump cam kết sẽ tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, nhất là hải quân, nhưng ông không cho biết chi tiết về cách tiếp cận của ông đối với hành động ngày càng táo bạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Dean Cheng, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Heritage Foundation ở Washington, nhận xét: “Tiếp cận về chính sách đối ngoại của ông Trump dường như chỉ mới trong giai đoạn phôi thai và vì vậy sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ông bổ nhiệm những nhân vật nào, và ai sẵn lòng phục vụ”.
Nhiều người chưa quên những lời chỉ trích của ông Trump khi tranh cử, cho rằng các đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản, ỷ lại vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ mà không chung vai đóng góp tài chính một cách công bằng cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ.
Điều này có thể khiến Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ sẽ giảm bớt hoạt động ở Châu Á.
Ông Wang Yiwei, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nói: “Từ góc độ dài hạn, điều này mang lại cho Trung Quốc nhiều không gian hơn để chứng minh bản thân và tình thế này cũng giảm bớt một số sức ép lên Trung Quốc”.
Tuy nhiên, việc Mỹ giảm bớt vai trò trong khu vực cũng làm Bắc Kinh có những quan ngại mới, chẳng hạn như khả năng Nhật Bản sẽ gia tăng sức mạnh quân sự.