Ông Trump không có “Nút bấm Hạt nhân” nào cả, tấn công tên lửa đâu đơn giản như thế!

Trung Phạm |

Trên thực tế, tổng thống Mỹ chẳng có một nút bấm hạt nhân nào cả và quy trình phóng tên lửa hạt nhân không đơn giản, kiểu như chỉ cần "bấm một cái nút" đặt trên bàn làm việc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/1/2018 đăng tải các dòng tweet cho biết, ông có một "Nút bấm Hạt nhân" để kích hoạt tấn công tên lửa. Tuy nhiên, trên thực tế, chẳng có một cái nút nào như vậy cả và quy trình này phức tạp hơn rất nhiều so với những gì ông Trump tuyên bố.

Nội dung tweet của Tổng thống Trump được cho là lời đáp trả trực tiếp với phát biểu trước đó của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

"Toàn bộ nước Mỹ nằm trong tầm bắn của các vũ khí hạt nhân của chúng ta. Nút bấm hạt nhân luôn được đặt trên bàn làm việc của tôi. Đây là sự thực chứ không phải lời đe dọa", ông Kim Jong Un đã nói như vậy trong bài phát biểu đầu năm mới của mình.

"Năm nay, chúng ta sẽ tập trung sản xuất hàng loạt các đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo để triển khai hoạt động. Những vũ khí này sẽ được sử dụng chỉ khi đất nước bị đe dọa".

Ngay sau tuyên bố của ông Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân của mình nội dung: "Lãnh đạo Triều Tiên vừa phát biểu rằng, nút bấm hạt nhân luôn thường trực trên bàn làm việc của ông ta. Tôi cũng có một nút bấm hạt nhân nhưng của tôi to hơn và mạnh hơn của ông ta nhiều".

Thực tế thì tổng thống Mỹ không có nút bấm hạt nhân và quy trình phóng tên lửa hạt nhân không đơn giản, kiểu như chỉ cần bấm một cái nút đặt trên bàn làm việc.

"Các lực lượng hạt nhân của Mỹ hoạt động dưới sự kiểm soát dân sự rất chặt chẽ", Tướng Không quân về hưu Robert Kehler, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh Không quân – Vũ trụ và Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ từng cho biết trong một phiên điều trần về quyền hạn sử dụng vũ khí hạt nhân trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.

"Quyền thực thi và ra lệnh của tổng thống được đảm bảo bởi người dân, các quy trình và khả năng, gồm cả hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân", Tướng Kehler nói. "Hệ thống này được kiểm soát bởi con người. Không cò gì diễn ra tự động".

Hay nói một cách ngắn gọn, thì chẳng có nút bấm hạt nhân nào cả.

Ông Trump không có “Nút bấm Hạt nhân” nào cả, tấn công tên lửa đâu đơn giản như thế! - Ảnh 1.

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên

Quy trình tấn công hạt nhân diễn ra như thế nào?

Nói một cách chính xác hơn thì có một chiếc điện thoại, một đội ngũ cố vấn đông đảo, cả dân sự và quân sự, sẽ cùng nhau thảo luận mọi thông tin và các lựa chọn có thể tính tới.

Khi quyết định được đưa ra, tổng thống Mỹ sẽ phải xác thực ông là người đưa ra mệnh lệnh bằng cách gọi điện cho quan chức cấp cao Lầu Năm Góc.

Viên sỹ quan này sẽ cung cấp cho tổng thống một vế mật khẩu gọi là "mã thách thức", sau đó yêu cầu ông chủ Nhà Trắng trả lời vế còn lại theo quy ước ghi trên một tấm thẻ mỏng với tiếng lóng là "Bánh quy" mà đích thân tổng thống hoặc một trong các trợ lý của ông luôn luôn mang theo bên mình.

Khi mệnh lệnh được xác nhận bởi một quan chức cấp cao nhất, mọi thứ sẽ diễn ra theo chuỗi quy trình chỉ huy cho tới khi nó được chuyển tới những người chịu trách nhiệm bật khóa và thực thi hành động.

Ông Trump không có “Nút bấm Hạt nhân” nào cả, tấn công tên lửa đâu đơn giản như thế! - Ảnh 2.

Chiếc vali hạt nhân của tổng thống Mỹ

Tên lửa hạt nhân có thể được phóng từ biển hoặc từ mặt đất. Trong cả hai trường hợp, phải cần tới rất nhiều người xác thực mệnh lệnh dù nó có được phát ra từ chính Lầu Năm Góc. Hãng tin Bloomberg khẳng định, tính từ thời điểm tổng thống Mỹ ra lệnh, quy trình này phải mất từ 5 – 15 phút.

Thậm chí, ngay cả "chiếc vali hạt nhân" nổi tiếng luôn trong tầm với của tổng thống Mỹ vào mọi thời điểm cũng không có một chiếc nút bấm nào cả.

Thay vào đó là các cuốn sách hướng dẫn phương án tấn công, những địa chỉ bí mật để tổng thống trú ẩn, các chỉ dẫn, mã khóa và có thể có một số dạng thiết bị liên lạc.

Mặc dù tổng thống Mỹ có quyền ra lệnh phóng vũ khí hạt nhân nhưng việc bấm một chiếc nút trên bàn làm việc của ông cũng sẽ không thể đưa các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tới mục tiêu.

"Quy trình ra quyết định tấn công hạt nhân gồm nhiều công đoạn: đánh giá, rà soát và tham vấn giữa tổng thống và các lãnh đạo dân sự, quân sự chủ chốt. Tiếp đó, chính lực lượng này sẽ chuyển tải và thực thi bất cứ quyết định nào của tổng thống", Tướng Kehler cho biết thêm.

"Tất cả các hoạt động liên quan tới vũ khí hạt nhân đều phải trải qua các lớp bảo vệ, kiểm tra và xét duyệt".

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên có thể bay bao xa?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại