Cú sốc của Không quân Nga ở Syria: Pháo của phiến quân luồn sâu, đánh hiểm?

Bình Nguyên |

Đêm qua, phiến quân nã pháo vào sân bay Khmeimim, phá hủy 7 máy bay hiện đại gồm Su-35, Su-24, An-72. Đây là thiệt hại chưa từng có và khủng khiếp nhất đối với KQ Nga ở Syria.

Theo hãng tin Kommersant (Nga), các loạt đạn pháo của phiến quân (được cho là lực lượng Quân đội Syria tự do - FSA), đã bắn chính xác vào căn cứ sân bay Khmeimim, làm 4 chiếc Su-24 Fencer, 2 tiêm kích đa năng Su-35, và 1 máy bay vận tải An-72 của Không quân Nga bị phá hủy. Ngoài ra, còn có ít nhất 10 người đã bị thương trong vụ tấn công trên.

Nếu thông tin này là chính xác thì đây được coi như một tổn thất chưa từng có của Không quân Nga ở Syria. Hiện Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa lên tiếng về vụ việc này.

Pháo của phiến quân luồn sâu, đánh hiểm?

Để tập kích chính xác được một căn cứ sân bay rộng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc ta như Khmeimim đòi hỏi phiến quân phải đưa pháo vào gần, chí ít là ở cự ly xạ kích (tấm bắn) xa nhất của loại vũ khí được sử dụng.

Cú sốc của Không quân Nga ở Syria: Pháo của phiến quân luồn sâu, đánh hiểm? - Ảnh 1.

Một xe phóng thành phần trong tổ hợp pháo phản lực BM-21 Grad của phiến quân FSA.

Hiện chưa rõ loại pháo nào được FSA sử dụng nhưng được biết, trong biên chế của lực lượng phiến quân này có khá nhiều vũ khí hiện đại, có tầm bắn xa như:

- Pháo xe kéo: M-46 cỡ 130mm, tầm bắn xa nhất đạt 38km với đạn tăng tầm; 2A65 cỡ 152mm, tầm bắn 28,9km; D-30 cỡ 122mm, tầm bắn xa nhất 21,9km với đạn tăng tầm; M1938 cỡ 122mm tầm bắn 11,8km;...

- Pháo tự hành: 2S1 cỡ 122mm, tầm bắn xa nhất 21,9km và 2S3 cỡ 152mm, tầm bắn 24km

- Pháo phản lực: BM-21 Grad 40 nòng cỡ 122mm, bắn loạt với tầm bắn xa nhất tới 30-45km với đạn tăng tầm; Grad-P cỡ 122mm loại 1 nòng, có thể vác vai, tầm bắn xa nhất có thể tới 20km hoặc hơn; Type 63 12 nòng cỡ 106,7mm, tầm bắn 8km; M-63 Plamen 12 nòng cỡ 128mm, tầm bắn 9,6km.

Ngoài những vũ khí phổ biển trên, phiến quân còn có nhiều loại pháo khác trong tay, đều có thể trưng dụng cho đòn tập kích này.

Cú sốc của Không quân Nga ở Syria: Pháo của phiến quân luồn sâu, đánh hiểm? - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu của KQ Nga xếp san sát cạnh nhau ở căn cứ KQ Khmeimim ở thời gian cao điểm.

Tuy nhiên, nhiều khả năng, để tránh đòn phản kích, rất có thể chúng sẽ dùng pháo phản lực bắn loạt để tiến công vì đây là những loại có khả năng bắn xa, cấp tập cùng lúc nhiều loạt đạn, đồng thời cơ động nhanh, xuất hiện bất thần đến vị trí định trước triển khai trận địa và bắn trong vài phút sau đó rút ngay lập tức.

Chỉ cần vài xe bán tải lắp các dàn pháo phóng loạt cỡ nhỏ (Type 63 hoặc M-63 Plamen) hay vài xe BM-21 Grad cũng đủ gây ra thiệt hại lớn trên diện rộng cho đối phương nếu tập kích chính xác.

Tại sao KQ Nga lại thiệt hại nặng đến vậy?

Muốn tối ưu hóa sức hủy diệt của đòn tập kích, chắc chắn trước đó phiến quân FSA đã phải trinh sát rất kỹ mục tiêu bao gồm vị trí để máy bay, xác định nơi triển khai trận địa có lợi nhất, đồng thời tập kết phương tiện, vũ khí ở khu chờ, để khi có lệnh là lập tức cơ động tới vị trí bắn rồi rút ngay.

Với đòn tập kích chính xác, phá hủy cùng lúc nhiều máy bay của KQ Nga ở Khmeimim cho thấy phiến quân đã làm tốt các khâu chuẩn bị cũng như thực hành xạ kích. Quan trọng nhất là chúng lọt qua được các vành đai bảo vệ, trinh sát dày đặc của cả quân Nga lẫn Syria.

Rất có thể hoặc là các lớp bảo vệ quá mỏng sau khi Nga rút quân, hoặc là các đơn vị được giao nhiệm vụ lơ là cảnh giác, không phát hiện sớm nguy cơ bị pháo kích để ngăn chặn kịp thời.

Thực tế cho thấy điều đó, sau khi Tổng thống Putin ra lệnh rút một phần lớn binh sĩ và vũ khí trang bị về nước, khả năng hỗ trợ từ KQ cũng như các lực lượng mặt đất của lực lượng Nga suy giảm rõ rệt, trong khi đó, bản thân quân đội Syria cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn trên chiến trường tự bảo vệ mình còn khó chứ nói gì đến việc bảo vệ quân Nga.

Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến KQ Nga tổn thất nhiều máy bay chiến đấu và vận tải hiện đại như vậy là do các phương tiện chiến đấu quan trong này để phơi mình trên căn cứ, không có nhà chứa, thậm chí ụ che chắn cũng rất sơ sài nên nếu bị pháo kích thì thiệt hại nặng là điều dễ hiểu.

Cú sốc của Không quân Nga ở Syria: Pháo của phiến quân luồn sâu, đánh hiểm? - Ảnh 3.

Máy bay ném bom Su-24 của KQ Nga xếp san sát cạnh nhau ở căn cứ KQ Khmeimim.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp các máy bay quá gần nhau lại càng khiến nguy cơ thiệt hại trở nên khủng khiếp hơn nếu bị địch bắn trúng.

Như vậy có thể thấy, sau khi Nga rút quân, chỉ trong ít ngày qua, QĐ Nga và Syria liên tiếp hứng chịu các tổn thất nặng nề, tình thế chiến trường càng trở nên giằng co khi các lực lượng vũ trang Syria không giải quyết triệt để được tàn quân của khủng bố, để chúng có cơ hội thực hiện đòn hồi mã thương gây ra cú sốc lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại