Nhà Hòa bình nằm bên phía lãnh thổ Hàn Quốc tại Khu vực An ninh chung (JSA) trong làng Bàn Môn Điếm đang được sửa sang để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mang tính bước ngoặt, có thể mở đường chấm dứt sự thù địch giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Chưa rõ ông Kim Jong-un sẽ đến Nhà Hòa bình hội đàm với Tổng thống Moon như thế nào. Các quan chức Hàn Quốc cho biết đang chuẩn bị tuyến đường để nhà lãnh đạo Triều Tiên băng qua biên giới - một biểu tượng cho sự hòa giải. Theo SCMP, chưa có nhà lãnh đạo Triều Tiên nào bước qua Đường ranh giới quân sự (MDL) kể từ sau khi thỏa thuận đình chiến được ký kết năm 1953.
JSA , hằng năm đón khoảng 100.000 lượt khách tham quan, đã đóng cửa từ tuần trước và Nhà Hòa bình đang trong quá trình sửa sang để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 27-4.
Nằm cách Nhà Tự do,cơ quan tuyên truyền của Hàn Quốc tại biên giới, khoảng 130 m, Nhà Hòa bình vốn được xây dựng để phục vụ các cuộc gặp phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc từ năm 1980. Dù được xây dựng lại ở vị trí cũ vào năm 1989 nhưng mối quan hệ liên Triều bị đóng băng suốt hơn thập kỷ qua khiến tòa nhà bị bỏ không đến bây giờ.
Được biết lối đi vào Nhà Hòa bình được bày trí những cây thông biểu tượng cho sự tôn kính và sức mạnh. Các nhân viên cũng thường xuyên tới đây để coi sóc.
Bà Jacquelene Elise Van Pool, người đứng đầu bộ phận quan hệ cộng đồng của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cho rằng phái đoàn Triều Tiên đi qua biên giới là cách thể hiện thiện chí hòa giải. “Dù là đi bộ hay xe thì việc nhà lãnh đạo Triều Tiên đi qua biên giới Hàn Quốc cũng biểu thị sự tin cậy tồn tại giữa hai nước” - bà Van Pool nhận xét.
Theo bà Van Pool, tầng 1 và 2 của Nhà Hòa bình được dùng làm phòng họp trong khi tầng 3 có một khu ăn uống. Các bức tường hành lang cũng được sơn lại và lắp đặt các thiết bị an ninh.
Tổng cộng, có sáu tòa nhà được xây dựng trên đường ranh giới ở JSA. Ba tòa nhà xanh dương dưới quyền sử dụng của Hàn Quốc, ba tòa nhà trắng còn lại thuộc quản lý của nước láng giềng miền Bắc.
Lính Hàn Quốc canh gác Nhà Hòa bình. Ảnh: SCMP
Phát biểu ngày 19-4, tổng thống Hàn Quốc cho hay phía Bình Nhưỡng cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. “Họ không hề đòi hỏi những điều kiện mà phía Mỹ không thể chấp nhận, như rút hết lực lượng khỏi Hàn Quốc. Tất cả mong muốn của họ là chấm dứt các chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên và tiếp đó là có sự bảo đảm về an ninh” - ông Moon nhấn mạnh.
Ở Bắc Kinh, một nhà ngoại giao Hàn Quốc cho hay Seoul đang hoàn thành các chi tiết cho cuộc gặp thượng đỉnh với phía Triều Tiên, gồm thông tin liên lạc, nghi thức ngoại giao cũng như hoạt động đưa tin. Hàn Quốc cũng đang làm việc chặt chẽ với phía Trung Quốc và Mỹ chuẩn bị cho thượng đỉnh sắp tới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục và thúc đẩy các hoạt động thông tin liên lạc chiến lược với Trung Quốc đồng thời giữ liên lạc và hợp tác với phía Mỹ để đảm bảo đạt được kết quả tối đa trong hai cuộc gặp thượng đỉnh” – ông nhà ngoại giao Choi Young-sam thuộc đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc nói. Ông Choi thêm rằng quyết định tổ chức thượng đỉnh ở Bàn Môn Điếm có ý nghĩa rất lớn.