Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: Con đường tương lai đã rộng mở, các bên có sẵn sàng chung bước?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Thận trọng vẫn rất cần thiết bởi biến động tiêu cực không thể loại trừ hết nhưng lạc quan là có có sở về thời mới cho bán đảo Triều Tiên và cho khu vực này.

Bước ngoặt lịch sử

Diễn biến tình hình chính trị an ninh và quan hệ giữa các quốc gia liên quan ở khu vực Đông Bắc Á hiện thật trái ngược so với ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.

Một nơi chiến sự và chiến tranh luôn có nguy cơ gia tăng còn một nơi hoà dịu được thúc đẩy. Một nơi chỉ thấy khẩu chiến quyết liệt còn một nơi đối thoại trực tiếp lại thuận lợi. Mà ở cả hai nơi đều đang thai nghén thời kỳ mới.

Với cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba - dự định sẽ diễn ra tại Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4 tới - và cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên - dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 này, bán đảo Triều Tiên nói riêng và cả khu vực Đông Bắc Á nói chung sẽ có bước chuyển giai đoạn với ý nghĩa và tầm tác động lớn nhất kể từ khi thoả thuận ngừng chiến được Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc ký kết hồi năm 1953 và có hiệu lực cho đến nay.

Một bước ngoặt lịch sử đối với khu vực, đối với hai miền trên bán đảo Triều Tiên, đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, đối với tương quan lực lượng và cục diện quan hệ quốc tế ở cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương sắp diễn ra.

Càng ngày càng có được thêm nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy hai sự kiện sẽ được ba bên liên quan này tiến hành. Hai sự kiện không tách rời khỏi nhau và biệt lập với nhau mà liên quan trực tiếp với nhau. Không có gì là khó hiểu khi phải có cuộc cấp cao liên Triều thì mới có cuộc thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên tham dự buổi biểu diễn âm nhạc Hàn Quốc

Cuộc đầu thất bại thì không thể có cuộc thứ hai. Cũng vì thế phải sau khi kết quả của cuộc gặp giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được công bố thì mới có thể biết được chắc chắn về triển vọng của cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cũng theo những biểu hiện thái độ của cả ba nước này thì quyết tâm chính trị cho thực hiện cuộc gặp vẫn được duy trì, công việc chuẩn bị vẫn được thúc đẩy và cả ba đều hướng tới thành công của sự kiện chứ không phải nhằm trước hết vào việc tổ chức sự kiện còn sự kiện thành công hay không thành công lại là chuyện khác.

Các bên liên quan và nội dung cuộc đàm phán

Ở đây cho tới nay có 3 động thái đáng được để ý đến nhất để đánh giá cho đúng.

Thứ nhất, Triều Tiên không chính thức xác nhận nhưng cũng không phủ nhận khi cả Hàn Quốc lẫn Mỹ đều công bố rằng trong trao đổi với họ, phía Triều Tiên cam kết "phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên".

Khái niệm thì rõ, nhưng nội dung cụ thể của "phi hạt nhân hoá bán đảo" thì rất có thể mỗi bên sẽ hiểu khác nhau. Nhưng dù hiểu nội hàm của khái niệm như thế nào thì cũng đều có nghĩa là Triều Tiên chấp nhận bàn thảo với hai nước kia về chương trình hạt nhân và tên lửa của mình trong khi hai nước kia đáp ứng những quan ngại về an ninh của Triều Tiên.

Đấy là những tiền đề để hai phía có thể đạt được thoả thuận nào đấy với tác dụng chấm dứt tình trạng chiến tranh và ngăn ngừa hoàn toàn chiến tranh với nhau trong tương lai.

Khi phía Hàn Quốc mới đây đề cập xa gần đến triển vọng này, bên ngoài có thể thấy Hàn Quốc và Triều Tiên đã không chỉ cùng nhau đi được xa đến đâu trong chuyện chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao mà còn cho triển vọng hoà bình trên bán đảo và trong khu vực.

Thứ hai, phía Mỹ xác nhận là giữa Mỹ và Triều Tiên trong thời gian vừa qua đã có những tiếp xúc và thảo luận ở cấp rất cao.

Ông Mike Pompeo, cựu giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và tới đây là Ngoại trưởng Mỹ đã có chuyến đi bí mật tới Triều Tiên và gặp ông Kim Jong-un.

Lần cuối cùng có tiếp xúc ở cấp như thế giữa Mỹ và Triều Tiên là ở thời trước khi tổng thống Mỹ Bill Clinton mãn nhiệm - cách đây 18 năm rồi.

Sau chuyến đi của ông Pompeo, ông Trump tỏ ra rất lạc quan và điều đó cho thấy Mỹ và Triều Tiên cũng đang quyết tâm làm cho sự kiện lớn được thành công. Sau cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 tới, Triều Tiên và Mỹ sẽ có thông báo về số phận của cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều Tiên.

Nếu cuộc gặp trước kia thành công thì thiên hạ sẽ được biết thời điểm cụ thể vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 và địa danh nào trong số 5 địa điểm mà hai bên đã xem xét được lựa chọn để tổ chức cuộc thượng đỉnh.

Rõ ràng là Mỹ và Triều Tiên chủ ý không chỉ thương thảo về chuyện chiến tranh hay hoà bình, về phi hạt nhân và đảm bảo an ninh, mà còn cả về những vấn đề mắc mớ khác nữa trong quan hệ song phương như công dân Mỹ ở Triều Tiên và các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: Con đường tương lai đã rộng mở, các bên có sẵn sàng chung bước? - Ảnh 3.

Thứ ba, cả ba đối tác khác ở khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nga và Nhật Bản đều gây dựng phần của họ trong cả hai sự kiện lớn này.

Ông Kim Jong-un đã công du Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đã thăm Triều Tiên.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản đã gặp nhau và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Mỹ để trao đổi với ông Trump.

Cho nên có thể mường tượng được là sau hai sự kiện này sẽ có những sự kiện lớn khác giữa tất cả các đối tác này. Cũng phải thôi khi mọi thoả thuận song phương giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc đều cần có được sự hậu thuẫn của ba nước kia.

Họ có lợi ích thiết thực trong đó và họ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đàm bảo cho những gì đã được thoả thuận và cam kết rồi đây sẽ được thực thi đầy đủ và nghiêm chỉnh.

Thận trọng vẫn rất cần thiết bởi biến động tiêu cực không thể loại trừ hết. Nhưng lạc quan là có có sở về thời mới cho bán đảo Triều Tiên và cho khu vực này.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Phu nhân Triều Tiên Ri Sol-ju gỡ rối màn căng thẳng trong tiệc tối

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại