Ở nhiều bệnh viện (BV), đặc trưng là tiếng khóc, tiếng rên, tiếng la vì rách da xẻ thịt, vì máu chảy, vì đau đớn. Tiếng lách cách của dao kéo, của những khay y cụ bằng thép. Sau khóc, sau đau, người ta xuất viện, có thể tươi cười về nhà. Nhưng nơi đây người ta không khóc nổi , cũng không cười nổi .
Nếu vì áp lực, có mà tâm thần hết
Có muôn vàn lý do dẫn đến BV tâm thần. Một bà mẹ đưa con đến khám. Cậu thiếu niên học cấp III, ngồi khòm lưng, cằm tựa trên mặt bàn. Cậu ngắm thứ gì đó trên bàn, những ngón tay liên tục gõ nhịp trên mặt gỗ.
Bà mẹ kể với bác sĩ: “Nó học giỏi lắm bác sĩ. Anh văn, tin học là giỏi nhất lớp luôn. Nó thích máy tính lắm. Cứ mở mắt dậy là bảo “Con đi học vi tính””. Nhưng đó là khi uống thuốc đều đặn chứ buông toa thuốc ra thì cậu không học được.
Cậu suốt ngày kêu la “Con lỡ nuốt cái con gì rồi, nó chui xuống bụng rồi, nó bò ở đây nè, nó cắn chỗ này nè, trời ơi khó chịu quá, lấy dao mổ nó ra”. Bà mẹ bỏ công ăn việc làm, ở nhà canh chừng, không rời mắt khỏi cậu con trai. Bà than với bác sĩ học tập bây giờ áp lực quá.
Liệu có phải học tập , công việc , hôn nhân , gia đình, tiền bạc là áp lực gây trầm cảm, gây tâm thần?
Bác sĩ khuyên: Ai cũng phải đi học, đi làm, rồi có gia đình, rồi phải lo tiền bạc. Nếu nói do học, do làm, do tiền bạc thì ai cũng tâm thần hết sao?! Như vậy không thể đổ lỗi do hoàn cảnh. Đây là bệnh lý, có bệnh thì phải chữa bệnh.
Một nam bệnh nhân khác, ở nội trú trong BV tâm thần. Chúng tôi hỏi thăm, cậu vui vẻ kể rành rọt chuyện của mình. Cậu từng có nhiều năm đi dạy kèm học sinh thi đại học. “Ai mà được em dạy kèm là đều thi đậu đại học hết trơn!”.
Cậu kể vanh vách tên em A, em B… đã được cậu kèm, thi đậu trường đại học này, đại học kia. “Ông trời ổng ganh ghét mình. Mình mà dạy cho người ta thi đậu là người ta lấy đi cái số may mắn của mình. Người ta thi đậu là mình phải thi rớt” - cậu khẳng định.
Một nữ bệnh nhân trong khoa nội trú một sáng bỗng phát cơn. Cô giãy giụa, la hét. Năm, sáu nhân viên y tế mới có thể giữ cô lại, đưa lên giường bệnh. “Đau quá, trời ơi đau quá, ông trời ơi, nó nhét giấy trong bụng con. Làm ơn lấy nó ra cho con đi”.
Những bác sĩ ở đây phát thuốc, bệnh nhân đứng uống tại chỗ và há miệng ra cho bác sĩ kiểm tra. Nhiều người không nghĩ là mình có bệnh. “Tôi là tướng, dưới tôi có ngàn binh. Tôi mà bệnh gì. Hề hề…”. “Ông tướng” không muốn uống thuốc mà lại là thuốc bệnh tâm thần.
Phát hiện muộn màng, nỗi đau còn đó
BS chuyên khoa tâm thần Trần Minh Khuyên phân tích: Có dạng trầm cảm đi kèm với ảo thanh. Có tiếng nói trong đầu thường xuyên thúc giục “mày chết đi, mày là gánh nặng của gia đình, mày vô dụng lắm, mày đi chết đi”…
Bệnh về thần kinh không phải là điều đáng sợ, thế nhưng không phải ai cũng tự nhận ra. “Có một cô gái đi Singapore học, giữa chừng thì bỏ về Việt Nam. Mỗi ngày cô tự giam mình trong phòng.
Cha mẹ khuyên ép mãi mới ra ăn chung bữa sáng. Một ngày nọ, gọi hoài cô không ra ăn. Sinh nghi, cha mẹ cô đến phòng, phá ổ khóa, phát hiện cô tự tử bằng cách đốt than tổ ong” - BS Khuyên chia sẻ.
Theo BS Khuyên, điều đáng sợ nhất là bản thân người bệnh không nhận ra mình bệnh. Người nhà, người thân của bệnh nhân cũng không phát hiện người thân của mình mắc bệnh. Sự phát hiện thường bất ngờ vào lúc muộn màng, không hiểu vì sao. Cô gái trên may mắn được cứu sống. Tuy nhiên, suốt thời gian sau đó cô phải chữa bệnh trầm cảm.
Nhiều người xung quanh cảm thấy buồn cười với lời nói, hành động, cử chỉ của người mang bệnh lý thần kinh, bệnh trầm cảm. Nhiều người nhà thì cảm thấy xấu hổ, không muốn ai biết nhà mình có người bệnh tâm thần, có đứa con, có ông anh, có bà mẹ suốt ngày đòi tự tử.
Trong BV tâm thần, trước mỗi cửa phòng đều treo một tấm bảng nhỏ. Trên đó ghi “Lắng nghe - Thấu cảm - Thuyên giảm nỗi đau”. Phía sau mỗi bệnh nhân là cả một gia đình cùng chống chọi với căn bệnh.
Một thiếu nữ da trắng, khá xinh, tóc đen nhánh dài quá lưng, ngồi thẫn thờ chờ vào khám. Mẹ cô ngồi cạnh, kể sơ câu chuyện: “Nó yêu một thằng lăng nhăng, bị thằng đó đánh chết lên chết xuống. Vậy mà vẫn đòi theo. Thằng kia bỏ đi cái là nó khùng luôn!”.
Bà mẹ dắt con gái đi khám thường kỳ, đã uống thuốc chữa trầm cảm gần một năm qua. Chính bà phải bỏ hết mọi việc, ở nhà chỉ trông chừng con gái. Bà thẫn thờ: “Ung thư còn có giai đoạn đầu, giai đoạn cuối. Còn con gái tui, tui rời mắt ra ngày nào thì ngày đó là ngày cuối cùng của nó!”.
Điều đáng lo khác là tình trạng chữa nhầm bệnh. Bệnh lý trầm cảm có thể gây mất ngủ, lo lắng, mệt mỏi, đau chỗ này chỗ kia trong cơ thể. Nhiều người đi khám các chuyên khoa về não, về dạ dày, về gan… rồi uống thuốc. Uống mãi mà không thuyên giảm lại nghĩ quẩn rằng mình chắc là bệnh nan y gì đó rồi. Có trường hợp gần đây một đôi vợ chồng đều bệnh. Đi khám dạ dày gần một năm mà không hết. Một hôm, nhân vắng người khám, bác sĩ ngồi trò chuyện với đôi vợ chồng này mới biết những biến cố kinh khủng đã xảy ra cho con cái, cha mẹ của họ. Bác sĩ mới nghĩ tới vấn đề tâm lý, trầm cảm và giới thiệu sang chuyên khoa tâm thần. Uống đúng thuốc, chỉ sau khoảng hai tháng, thần sắc và sức khỏe của đôi vợ chồng đã khá hơn nhiều. BS TRẦN MINH KHUYÊN |