Chanh dây (Chanh leo) là thức uống được ưa chuộng vào mùa hè, không những có tác dụng giải nhiệt mà còn giàu chất chống oxy hóa, vitamin và các hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe.
1. Giá trị dinh dưỡng của quả chanh dây
Chanh dây là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ, vitamin C và tiền vitamin A. Cụ thể trong 1 quả chanh dây có chứa:
- Calo: 17
- Chất xơ: 2 gam
- Vitamin C: 9% DV
- Vitamin A: 8% DV
- Sắt: 2% DV
- Kali: 2% DV
(* DV là giá trị dinh dưỡng hàng ngày)
Ngoài ra, chanh dây cũng giàu các hợp chất thực vật có lợi, bao gồm carotenoid, polyphenol và các dưỡng chất khác như phốt pho, niacin và vitamin B-6, …
Khi được chế biến thành nước uống, các dưỡng chất này của chanh dây vẫn được đảm bảo và được cung cấp đầy đủ cho cơ thể.
Chanh dây là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ (Ảnh: Internet)
2. Tác dụng của nước chanh dây
Chanh dây có chứa nhiều dưỡng chất và vitamin nên đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ dù là ăn trực tiếp hay pha thành nước uống.
2.1. Giàu chất chống oxy hoá giúp ngăn ngừa bệnh tật
Chanh dây chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt giàu vitamin C, beta carotene và polyphenol. Chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do - đây là những phân tử không ổn định có thể gây hại cho các tế bào và là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh tật.
Một số chất chống oxy hoá trong chanh dây có thể đem lại những lợi ích sức khoẻ cụ thể như:
- Polyphenol là hợp chất thực vật có nhiều tác dụng chống oxy hóa và chống viêm, bao gồm cả lợi ích giảm nguy cơ viêm mãn tính và các tình trạng như bệnh tim.
- Vitamin C là một chất chống oxy hóa quan trọng, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và làm chậm quá trình lão hoá.
- Beta carotene cũng là một chất chống oxy hóa quan trọng. Cơ thể có thể chuyển đổi chất này thành vitamin A, giúp tăng cường thị lực, tăng trưởng tế bào, ... Hơn nữa, chế độ ăn giàu beta carotene từ thực vật có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm tuyến tiền liệt, ruột kết, dạ dày và ung thư vú.
Ảnh: SKHN
2.2. Giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hoá và tim mạch
Thịt quả chanh dây chứa rất nhiều chất xơ nên có lợi ích trong việc điều hòa hệ tiêu hóa và giữ cho đường ruột khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón và rối loạn đường ruột.
Ngoài ra, Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, chất xơ cũng có lợi ích trong việc giảm cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), lượng khuyến nghị chất xơ cho nam giới từ 19-30 tuổi là 34g và 28g cho phụ nữ từ 19-30 tuổi.
2.3. Cải thiện độ nhạy insulin
Một số nghiên cứu cho thấy rằng: Hạt chanh dây rất giàu piceatannol, một loại polyphenol có thể cải thiện độ nhạy insulin ở nam giới thừa cân, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Đặc biệt, chanh dây là loại trái cây nhiệt đới có giá trị chỉ số đường huyết (GI) thấp. Điều này có nghĩa là loại quả này không làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn, đây thực sự là lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường.
2.4. Giảm lo lắng
Chanh dây có chứa magie, đây là một khoáng chất quan trọng mà các nhà khoa học đã liên kết với việc giảm căng thẳng và lo lắng.
Một đánh giá có hệ thống từ năm 2017 gợi ý rằng magiê có thể giúp mọi người kiểm soát mức độ lo lắng của họ. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu còn chưa rõ ràng, do đó cần thực hiện thêm để đưa đến kết luận chính xác.
Ảnh: SKHN
2.5. Hỗ trợ giảm viêm
Vỏ chanh dây cũng chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, có tác dụng chống viêm mạnh mẽ.
Theo một nghiên cứu nhỏ, những người bị hen suyễn dùng vỏ chanh dây tím trong vòng 4 tuần đã giảm được tình trạng thở khò khè, ho và khó thở.
Trong một nghiên cứu khác ở những người bị viêm xương khớp gối, những người dùng chiết xuất từ vỏ chanh dây tím cho biết họ ít đau và cứng khớp hơn. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm vì tác dụng vẫn chưa rõ ràng.
Mặc dù vỏ chanh dây thường không được sử dụng trong nước ép nhưng các bạn có thể phơi khô để pha trà.
3. Một số lưu ý khi uống nước chanh dây
Hầu như nước chanh dây đều an toàn và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, tuy nhiên chanh dây có thể gây ra một số tác dụng phụ, chẳng hạn như:
- Gây dị ứng: Những người bị dị ứng nhựa mủ dường như có nguy cơ bị dị ứng chanh dây. Do một số protein thực vật trong trái cây có cấu trúc tương tự như protein latex, có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người.
Hơn nữa, vỏ chanh dây màu tím cũng có thể chứa hóa chất gọi là cyanogen glycoside. Những chất này có thể kết hợp với các enzym để tạo thành chất độc xyanua và có khả năng gây độc với số lượng lớn. Tuy nhiên, khi uống nước chanh dây, gần như vỏ của loại quả này đều không được sử dụng, nên nguy cơ này thường rất thấp.
- Ảnh hưởng đến dạ dày: Vì chanh dây có tính axit, nên nếu uống vào lúc đói hoặc những người bị đau dạ dày, trào ngược axit dạ dày có thể bị ảnh hưởng khi uống nhiều loại thức uống này.
- Ngoài ra, mọi người nên thận trọng khi cho trẻ nhỏ uống loại nước uống này, vì hạt chanh dây cũng có thể gây hóc ở trẻ.
Nhìn chung, chanh dây có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, khi uống nước chanh dây, mọi người có thể uống nguyên chất hoặc cho ít đường để hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể.