Ảnh minh hoạ.
Theo các chuyên gia, khi bị chó, mèo cắn cần phải đi tiêm phòng ngừa vaccine dại để phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc do bệnh dại gây ra.
Theo Bộ Y tế, bệnh dại là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hằng năm, trên toàn thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do bệnh dại.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016.
Tuy nhiên năm nay, theo số liệu của Bộ Y tế, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2021), tỉnh Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong).
Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong chủ yếu do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.
Khi bị chó cắn cần lưu ý tới việc tiêm vaccine phòng dại. Ảnh minh họa
Th.BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E (Hà Nội) - cho biết, bệnh dại là bệnh gây ra bởi virus dại, lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại nguy hiểm do người bị bệnh khi đã lên cơn dại thì nguy cơ tử vong rất cao.
Thời gian ủ bệnh được tính từ khi động vật (chó, mèo…) cắn đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, thường từ 2-8 tuần. Đôi khi, có người ủ bệnh chỉ trong thời gian ngắn (10 ngày) hoặc cũng có thể thời gian rất dài (1 - 2 năm). Thời gian ủ bệnh càng dài, tiên lượng càng tốt hơn, thời gian ủ bệnh ngắn tiên lượng càng khó khăn.
Mức độ tổn thương tùy vị trí cắn. Theo đó, vị trí bị cắn càng gần bộ phận cơ quan thần kinh trung ương, tổn thương càng nặng nề hơn. Ngoài ra, tùy mức độ tổn thương ví dụ tổn thương sâu, chảy nhiều máu thường có biểu hiện lâm sàng nặng hơn.
Bác sĩ Cường cho biết, người mắc bệnh dại thường có biểu hiện bất thường như sợ ánh sáng, sợ nước, sợ tiếng động, tăng tiết nước bọt. Bệnh nhân sẽ trở nên nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động… do rối loạn thần kinh thực vật, tăng cảm giác kích thích.
Các trường hợp bị chó cắn phải khai thác tiền sử chó đã được tiêm phòng dại chưa, vết cắn như thế nào. Đồng thời, người dân cần theo dõi sát tình trạng chó trong vòng 10-14 ngày. Nếu trong khoảng thời gian đó chó bỏ đi, ốm hay chết không rõ nguyên nhân, cần có hướng tiêm phòng vaccine.