Nóng, lạnh quan hệ Mỹ - Iran sau gần 7 thập niên

Vũ Cao |

Mặc dù nước Mỹ và Cộng hòa Hồi giáo Iran chưa bao giờ tuyên chiến nhưng những căng thẳng giữa hai quốc gia đã tồn tại trong nhiều thập niên và không ít lần xảy ra xung đột cả về chính trị lẫn quân sự mà gần đây nhất là ngày 3-1-2020, tướng Qasem Soleimani, tư lệnh Đặc nhiệm Quds, trực thuộc Lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran bị máy bay không người lái, Mỹ, phóng tên lửa giết chết.

“Lời qua, tiếng lại” đẩy Mỹ - Iran tới miệng hố chiến tranh Mỹ-Iran lại "đấu khẩu" về vụ không kích ở Iraq Putin ra cảnh báo “sốc” về nguy cơ chiến tranh Mỹ - Iran

Việc hạ sát tướng Soleimani là hệ quả của những chính sách kéo dài từ thời Tổng thống Jimmy Carter cho đến Ronald Reagan, Barack Obama và bây giờ là Donald Trump…

Lật đổ Thủ tướng Mohammad Mossadeq

Năm 1953, Cơ quan Tình báo Mỹ CIA và Cơ quan Tình báo Anh quốc MI-6 đã cùng phối hợp tổ chức một cuộc đảo chính để loại bỏ thủ tướng Mohammad Mossadeq, người được bầu lên trong một cuộc bầu cử dân chủ mà nguyên nhân là ông Mossadeq đã tiến hành quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ Iran, lúc ấy nằm trong tay Công ty dầu mỏ Anh quốc - Ba Tư APOC (tiền thân của hãng British Petroleum - BP - sau này).

Thời điểm ấy, đứng đầu đất nước Iran là quốc vương Mohammad Reza Palavi. Do Thủ tướng Mohammad Mossadeq có quá nhiều quyền lực vì đã kiểm soát được quân đội, cũng như tự ý giải tán Nghị viện Iran thông qua một cuộc trưng cầu dân ý gian lận nên giữa Palavi và Mossadeq xảy ra mâu thuẫn trầm trọng. Để tránh bị ám sát, quốc vương Palavi trốn ra nước ngoài.

Trước hiện tượng Mossadeq ngày càng trở nên độc tài, nhiều đối thủ chính trị của ông ta bị bắt, lo sợ Mossadeq có thể sẽ trở thành đồng minh với Liên Xô nên tháng 8-1953, CIA và MI-6 ủng hộ một nhóm tướng lĩnh Iran làm đảo chính, bắt giữ Thủ tướng Mohammad Mossadeq rồi giam ông 3 năm, Fazlollah Zahedi lên làm thủ tướng.

Đảo chính thành công, Quốc vương Palavi trở về Iran rồi lại tiếp tục là người đứng đầu đất nước. Với chương trình cải cách mang tên “Cách mạng trắng”, Palavi ra lệnh tịch thu tài sản của một số giáo sĩ Hồi giáo dòng Shia, cho phép phụ nữ được quyền bầu cử, các tôn giáo thiểu số được tham gia chính quyền, sửa đổi Luật dân sự để phụ nữ được quyền bình đẳng trong hôn nhân…

Những cải cách của Quốc vương Palavi đã khiến cộng đồng Hồi giáo dòng Shia tức giận. Lúc này, chính trường Iran xuất hiện một nhân vật sẽ làm thay đổi cục diện quốc gia. Đó là Giáo chủ Ayatollah Khomeini. Từ tháng 6-1963 trở đi, đã xảy ra nhiều vụ bạo loạn khiến hàng nghìn người chết sau lời kêu gọi của Đại Giáo chủ Khomeini.

Đỉnh điểm của sự phản kháng là tháng 10-1971, khi Palavi tổ chức lễ kỷ niệm 2.500 năm thành lập Đế quốc Ba Tư với chi phí lên đến 120 triệu USD trong lúc tỉnh Baluchistan, tỉnh Sistan và thậm chí là tỉnh Fars, nơi tổ chức buổi lễ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, nhiều người chết đói.

Năm 1976, Palavi thêm dầu vào lửa bằng việc thay đổi bộ lịch Iran từ ngày Hijri của đạo Hồi sang ngày lên ngôi của Cyrus đại đế. Chỉ qua một đêm, Iran “nhảy một phát” từ năm đạo Hồi 1355 sang năm hoàng gia 2535, dẫn đến những cuộc biểu tình với sự tham dự của hàng triệu người Hồi giáo liên tiếp nổ ra.

Kết quả là ngày 1-2-1979, cách mạng Hồi giáo Iran toàn thắng. Đại Giáo chủ Ayatollah Khomeini trở thành lãnh tụ tinh thần tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Cùng với đó là sự ra đời của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), một tổ chức nằm trong quân đội Iran nhưng siêu quyền lực!

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran

Ngày 4 tháng 11 năm 1979, một nhóm sinh viên Iran xông vào đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ hơn 60 công dân Mỹ làm con tin. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ra lệnh trừng phạt Iran bằng cách đóng băng tài sản của Iran ở nước ngoài, yêu cầu các quốc gia đồng minh ngừng mua dầu mỏ Iran.

Nóng, lạnh quan hệ Mỹ - Iran sau gần 7 thập niên - Ảnh 1.

Lắp đặt lò phản ứng tại một nhà máy điện hạt nhân ở Iran.

Đến ngày 7-4-1980, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bao gồm cắt viện trợ lương thực, đóng cửa các tổ chức Iran trên toàn nước Mỹ, cấm nhập khẩu tất cả các loại hàng hóa có xuất xứ từ Iran.

Mặc cho các biện pháp trừng phạt, Iran vẫn cương quyết không thả con tin. Mãi đến năm 1981, khi ông Ronald Reagan đắc cử tổng thống Mỹ, các lệnh trừng phạt Iran mới được dỡ bỏ. Kết quả là tất cả con tin được phóng thích sau 444 ngày bị giam cầm.

Năm 1983, một vụ khủng bố bằng bom xe xảy ra ở Beirut, Liban, giết chết 241 người Mỹ. Sau nhiều cuộc điều tra, chính quyền Reagan kết luận Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đứng đằng sau cuộc tấn công và điều này đã dẫn đến việc Mỹ gọi Iran là "quốc gia tài trợ cho bọn khủng bố".

Hệ quả là Tổng thống Reagan tái trừng phạt Iran bằng các biện pháp dừng các khoản cho vay và các gói viện trợ, hạn chế bán cho Iran một số chủng loại hàng hóa dân dụng nhưng có thể dùng vào mục đích quân sự.

Trò chơi hai mặt

Dưới con mắt của người dân Mỹ, Tổng thống Reagan luôn thể hiện sự cương quyết với Iran nhưng ở hậu trường, Reagan ngầm bật đèn xanh cho một số quan chức, bí mật cung cấp tiền bạc, vũ khí cho Iran để đổi lấy các con tin người Mỹ bị một nhóm khủng bố bắt ở Liban (nhóm này do Iran hậu thuẫn).

Những vũ khí ấy được Iran chuyển cho tổ chức Lực lượng dân chủ Nicaragua (FDN - nhưng thường được biết đến dưới cái tên Contra) để FDN lật đổ chính quyền đương nhiệm. Khi vụ việc đổ bể (báo chí gọi đó là vụ Iran-Contra), Tổng thống Reagan phủ nhận vai trò của mình trong vấn đề này.

Tháng 4-1988, tại vịnh Ba Tư, chiến hạm Mỹ USS Samuel B. Roberts trúng phải một quả thủy lôi khi đang hộ tống tàu chở dầu Kuwait khiến 10 thủy thủ bị thương.

Phía Mỹ cáo buộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) chủ mưu nên để trả đũa, Hải quân Mỹ đã tiến hành các vụ ném bom, phá hủy hai trạm radar đồng thời bắn chìm 2 tàu Iran.

4 tháng sau đó - ngày 3-7-1988 - một tên lửa điều khiển của một tàu tuần duyên Mỹ đã bắn rơi một máy bay chở khách của Iran trên đường bay từ Tehran đến Dubai. Tất cả 290 người trên máy bay không ai sống sót. Phía Mỹ cho biết chiếc Airbus A300 đã bị nhầm lẫn với một máy bay chiến đấu.

Lịch sử lập lại tai họa bi thảm này khi ngày 11-1-2020, lực lượng phòng không IRGC đã bắn hạ 1 máy bay chở khách của Ucraine khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng vì tưởng nhầm rằng đó là mối đe dọa khi nó bay trên một căn cứ quân sự Iran trong lúc theo tin tình báo Mỹ, khu vực nơi chiếc máy bay bị bắn chỉ có một nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp.

Chống Iran dưới thời Clinton và George Bush

Khi ông Bill Clinton trở thành tổng thống Mỹ, ông quyết định sử dụng dầu mỏ như một thứ vũ khí để làm suy yếu Iran. Năm 1995, Tập đoàn dầu mỏ Mỹ Conoco và Iran công bố một hợp đồng khai thác trị giá 1 tỉ USD thì ngay lập tức, chính quyền Clinton tuyên bố hợp đồng này đe dọa đến nền an ninh quốc gia.

Tiếp theo, Quốc hội Mỹ cấm tất cả các công ty Mỹ làm ăn với Iran trong lĩnh vực dầu mỏ. Biện pháp này còn được củng cố thêm vào năm 1996, khi Mỹ công bố đạo luật trừng phạt Lybia nhưng thực chất là nhắm vào Iran dưới tên gọi "trừng phạt thương mại đa phương".

Năm 2001, cuộc tấn công khủng bố của Al-Qaeda nhắm vào Tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Mỹ lại càng khiến cho quan hệ Mỹ, Iran xấu thêm. Năm 2002, cộng đồng quốc tế phát hiện Iran đã bí mật làm giàu urani và đang phát triển chương trình hạt nhân. Lúc này, người đứng đầu nước Mỹ là Tổng thống George W. Bush đã gọi Iran là “một phần của trục ác”.

Nóng, lạnh quan hệ Mỹ - Iran sau gần 7 thập niên - Ảnh 3.

Một căn cứ tên lửa nằm sâu trong lòng núi của IRGC.

Nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, chính quyền của Tổng thống Bush tiến hành các biện pháp đóng băng tài sản của tất cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị nghi ngờ hỗ trợ tài chính cho Iran.

Bên cạnh đó, cùng với các quốc gia đồng minh, Mỹ cũng trừng phạt các ngân hàng nếu không tuân thủ nghiêm ngặt lệnh phong tỏa tài sản.

Đến thời Tổng thống Barack Obama, các biện pháp trừng phạt Iran càng quyết liệt hơn. Ngoài xăng dầu, tiền tệ, Obama còn cấm ngành công nghiệp xe hơi Mỹ xuất khẩu sản phẩm sang Iran, hoặc bán cho một quốc gia khác để quốc gia ấy bán lại cho Iran.

Đỉnh điểm là cùng với các đồng minh ở châu Âu, nước Mỹ cấm tất cả mọi hoạt động thương mại với Iran. Hậu quả là đồng Rial của Iran nhiều lần phá giá, lạm phát tăng cao, số người thất nghiệp ngày càng nhiều.

Thỏa thuận hạt nhân, người xây kẻ phá

Những biện pháp trừng phạt của Mỹ và các quốc gia đồng minh đã đẩy nền kinh tế Iran đến chỗ kiệt quệ. Vì thế, sau nhiều lần đàm phán, hiệp ước “thỏa thuận hạt nhân Iran” đã được ký kết vào năm 2015 giữa nhóm P5+1, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Iran.

Theo thỏa thuận, Iran đồng ý chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân trong ít nhất một thập niên và một số chương trình khác sẽ hạn chế lâu hơn đồng thời chấp nhận sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Đổi lại, Iran được bán dầu trên thị trường, các lệnh đóng băng tài sản được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, ngày 8-5-2018, ông tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng các quốc gia còn lại vẫn tuân thủ thỏa thuận này.

Một trong những nguyên nhân chính khiến ông Trump rút khỏi thỏa thuận là sự tồn tại của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu, trong đó Lực lượng Quds do tướng Qasem Soleimani chỉ huy là hạt nhân của nhiều vụ tấn công khủng bố xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Các báo cáo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA cho thấy Lực lượng Quds hỗ trợ cho tổ chức Hezbollah ở Liban, Hamas và Jihad Hồi giáo Palestine ở dải Gaza và khu bờ Tây, nhóm phiến quân Houthis ở Yemen, dân quân Shia ở Iraq, Syria, và Afghanistan.

Ngày 3-1-2020, tướng Qasem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds đã bị giết bởi tên lửa bắn đi từ một máy bay không người lái, Mỹ, theo lệnh Tổng thống Trump.

Cuộc tấn công xảy ra vài ngày sau khi hàng trăm người biểu tình, tức giận bởi các cuộc không kích của Mỹ nhắm vào một lực lượng dân quân Iran hoạt động tại Iraq dưới sự hỗ trợ của tướng Soleimani. Người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và ném đá vào lính Mỹ.

Trước đó - năm 2019 - dân quân Iran đã bắn tên lửa vào một căn cứ quân sự Mỹ trên đất Iraq, giết chết 1 nhà thầu Mỹ và làm bị thương một số người Mỹ và người Iraq. Cũng trong năm này, một đơn vị phòng không của Lực lượng Quds còn bắn rơi một máy bay không người lái Mỹ trên eo biển Hormuz. Iran tuyên bố máy bay Mỹ đã xâm phạm lãnh thổ Iran.

Việc giết tướng Soleimani đánh dấu một sự leo thang lớn trong cuộc xung đột giữa hai nước. Một tuyên bố từ Lầu Năm Góc cho biết, ông Soleimani đã “phát triển các kế hoạch tấn công các trụ sở ngoại giao Mỹ tại Iraq cùng một số quốc gia trong khu vực”.

Để trả đũa, ngày 8-1-2020, Iran bắn hơn 20 tên lửa vào 2 hai căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq rồi những ngày sau đó, lại có thêm một số tên lửa được bắn vào các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Iraq nhưng hầu như không gây thương vong cho lính Mỹ. Nhiều chuyên gia phân tích quân sự trên thế giới đều nhận định rằng việc bắn tên lửa chỉ nhằm trấn an tinh thần với người dân Iran chứ chưa hẳn đã là động thái đối đầu.

Vẫn theo các chuyên gia phân tích quân sự, khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực giữa Mỹ và Iran bởi lẽ hai bên đều có những con “át chủ bài” mà nếu buộc phải tung ra thì bên nào cũng thiệt…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại