Những vũ khí quân đội Nga đang phải "chờ dài cổ" vì... túng tiền

Quang Huy |

Tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế Nga rõ rệt tới mức chính phủ phải bắt đầu tiến hành cắt giảm không thương tiếc những gì từng được coi là "bất khả xâm phạm".

Theo Gazeta.ru, Bộ Tài chính Nga vừa đề xuất cắt giảm 6% chi phí quân sự trong vòng 3 năm tới. Theo cơ quan này, như vậy ngân sách sẽ bớt được khoản chi tương đương 190 tỷ rúp.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov, hôm 5/9 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký quyết định điều chỉnh các hợp đồng quốc phòng và thậm chí cho cả năm 2016. Ông Borisov không nêu rõ chi tiết, nhưng những điều chỉnh này có vẻ là theo hướng cắt giảm chi ngân sách.

Tháng 4 năm nay, Tổng thống Putin từng tuyên bố nếu có cắt giảm chút ít các đơn đặt hàng quốc phòng, thì điều đó sẽ chỉ xảy ra từ sau năm 2018.

Khi nói tới đây, người đứng đầu nhà nước cũng ngay lập tức nhấn mạnh:"Điều này không hề liên quan tới những sự kiện đang diễn ra, mà là cái kết hợp lý của kế hoạch cải tổ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng được bắt đầu từ năm 2007". Đơn giản, "theo thời gian, áp lực lên các nhà máy quốc phòng sẽ giảm khi quân đội được trang bị đầy đủ khí tài".

Dường như mùa thu năm nay là thời điểm dễ thở đối với ngân sách của Nga. Nhưng thực tế khốc liệt hơn nhiều. Và nhiều khả năng, các đơn đặt hàng quốc phòng theo kế hoạch tới năm 2018 sẽ không thể được thực hiện, mặc dù từ nay tới lúc chấm dứt chương trình tái trang bị vũ khí cho các lực lượng vũ trang vẫn còn xa lắm.

Những số tiền hàng tỷ rúp mà Bộ Quốc phòng Nga không được cấp đó chính là dành cho các xe thiết giáp chiến đấu, máy bay, trực thăng, tên lửa và tàu chiến mà các đơn vị quân sự đang mỏi mắt chờ đợi.

Đó cụ thể là những vũ khí nào? Chắc chắn những tính toán này đã được Bộ Tổng tham mưu Nga thực hiện từ lâu, nhưng không ai được phép biết đến.

Tuy nhiên, Gazeta.ru vẫn cố gắng đưa ra phác hoạ về "những mất mát phi chiến đấu" của các lực lượng vũ trang Nga bắt đầu từ năm 2017, căn cứ vào những thông tin công khai trên báo chí.

Chưa cần tới chính sách cắt giảm ngân sách triệt để mà Bộ Tài chính muốn áp dụng thì không phải tất cả những gì liệt kê đều được bàn giao đúng thời hạn.

Đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, còn có nhiều lý do khác như tổ chức, công nghệ,… nhưng hầu hết những lý do này cũng đều liên quan tới tài chính.

Các đơn vị tên lửa chiến lược

Các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga chịu "mất mát" ít hơn cả. Kể cả trong thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế Nga thì việc chi tiền mua sắm và nâng cấp các lực lượng hạt nhân chiến lược vẫn được thực hiện. Ví dụ như thời điểm cuối những năm 90, đầu những năm 2000, khi người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga là nguyên soái Igor Sergeev.

Những khoản tiền này gần như chỉ dành cho một chương trình duy nhất – chế tạo tên lửa xuyên lục địa "Topol-M". Và chương trình đó khiến tất cả các lực lượng khác như Lục quân, Không quân, Hải quân phải chịu thiệt thòi.

Những vũ khí quân đội Nga đang phải chờ dài cổ vì... túng tiền - Ảnh 1.

Tên lửa Topol-M

Có thể hiểu được tại sao ngay cả hiện giờ, Bộ Quốc phòng Nga thậm chí vẫn phải cởi "chiếc áo cuối cùng" cho Lực lượng tên lửa chiến lược. Nhưng kể cả như vậy thì Nga chắc chắn Nga vẫn không thể tiếp nhận đúng thời hạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới RS-28 "Sarmat".

Điều này có nghĩa là quá trình thay thế tên lửa nổi tiếng nhưng đã quá lỗi thời R-36M2 "Voevoda" sẽ bị chậm trễ.

Theo kế hoạch, tên lửa Sarmat sẽ được bàn giao cho quân đội Nga vào năm 2017-2018. Từ năm 2018, nó sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt. Đến năm 2020 thì các tổ hợp tên lửa mới này sẽ phải thay thế toàn bộ những tổ hợp "Voevoda" đang trực chiến. Có thể thấy rõ điều này không thể xảy ra.

Theo một số thông tin, hiện nay kế hoạch bàn giao sẽ chậm hơn dự kiến không dưới 7 tháng. Với tình hình cắt giảm ngân sách như hiện nay thì chắc chắn nhiệm vụ này sẽ còn phức tạp hơn.

Bởi vậy, ít ra đến năm 2018, Nga phải tổ chức được công tác thử nghiệm thiết kế-bay của tên lửa "Sarmat" tại sân bay vũ trụ Plesetsk. Hiện giờ, thậm chí các hoạt động thử nghiệm phóng tên lửa từ giếng phóng vẫn chưa được thực hiện, mặc dù theo kế hoạch nó phải diễn ra vào tháng 3/2016.

Lục quân

Việc thiếu tiền khiến cho tương lai của chiến dịch tái trang bị quy mô các lực lượng xe tăng và cơ giới bằng "Armata" trở nên mù mịt.

Từ tháng 1 năm nay, người đứng đầu tập đoàn "Rostech" Sergei Chemezov từng cam kết: "Việc cắt giảm chi phí quốc phòng sẽ không liên quan tới các hợp đồng mua sắm "Armata" bởi chiếc xe tăng đã được triển khai sản xuất".

Triển khai thì triển khai, nhưng điều này hoàn toàn không đảm bảo rằng chiếc xe tăng mới sẽ thực sự được sản xuất hàng loạt trong 1-2 năm tới.

Cách đây một thời gian, đã xuất hiện thông tin rằng, thay vì sẽ có khoảng 2.300 chiếc xe tăng T-14 "Armata" được bàn giao cho quân đội theo kế hoạch đã định của Bộ Quốc phòng Nga đến cuối năm 2019, thì sẽ chỉ có khoảng 70 chiếc được bàn giao.

Có những lời đồn đoán cho rằng "Armata" sẽ là lực lượng chủ lực của Lữ đoàn xe tăng vệ binh số 1 mới được thành lập,

Những vũ khí quân đội Nga đang phải chờ dài cổ vì... túng tiền - Ảnh 2.

Xe tăng T-14 Armata.

Điều đáng nói là, thông tin về quá trình bàn giao chậm tiến độ này chỉ xuất hiện vào phút cuối. Mới 5 tháng trước, vào tháng 4/2016, một con số khác đã được đưa ra.

Khi đó, ông Vyacheslav Khalitov, phó tổng giám đốc "Uralvagonzavod" (doanh nghiệp sản xuất Armata) thông báo rằng lô hàng 100 chiếc xe tăng đầu tiên sẽ được bàn giao cho quân đội vào năm 2017-2018. Hiện giờ, thời hạn này bị lùi lại, còn số lượng xe tăng sẽ được bàn giao ít hơn 1,5 lần.

Bên cạnh đó, 70 cỗ xe tăng mới sẽ được bàn giao cho Các lực lượng vũ trang - để vận hành thử nghiệm.

Bình luận về những thay đổi đột ngột này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov cho biết thiết bị mới vẫn còn nhiều nhược điểm phải khắc phục và hoàn thiện. Hiện nay, Nga vẫn hoàn toàn hài lòng với các xe tăng T-72B3.

Tuy nhiên, theo Gazeta, biểu tượng và niềm tự hào mới của Nga sẽ ngốn của Bộ Quốc phòng khoảng 400 triệu rúp (khác với thông tin của "Uralvagonzavod" là 250 triệu) cho 1 chiếc. Còn chi phí để nâng cấp T-72B lên thành T-72B3 chỉ mất khoảng 78,9 triệu (theo một vài thông tin khác thì khoảng 52 triệu).

Sự chênh lệch này không chỉ Bộ Tài chính Nga có thể cảm nhận được và lực lượng xe tăng Nga sẽ phải "đợi dài cổ" trong vòng vài năm tới.

Các lực lượng Không quân-vũ trụ

Sự bổ sung đáng chờ đợi nhất đối với lực lượng này là tiêm kích thế hệ năm PAK FA (T-50), do Viện thiết kế Sukhoi phát triển từ năm 2002. Phiên bản thử nghiệm đầu tiên cất cánh vào tháng 1/2010. Hiện nay, đã có 11 nguyên mẫu được chế tạo để phục vụ thử nghiệm.

Theo chương trình trang bị vũ khí quốc gia, 60 chiếc T-50 đầu tiên sẽ được bàn giao cho các lực lượng Không quân-vũ trụ vào năm 2020. Sau đó, con số này được điều chỉnh xuống còn 52 chiếc. Có vẻ mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Những vũ khí quân đội Nga đang phải chờ dài cổ vì... túng tiền - Ảnh 3.

Tiêm kích thế hệ 5 PAK-FA

Vào tháng 3/2015, Bộ Quốc phòng Nga còn thừa nhận: "Chúng tôi thậm chí đã thống nhất lịch trình bàn giao. Trong giai đoạn 2016-2018, các lực lượng Không quân sẽ tiếp nhận 8 máy bay tiêm kích mỗi năm, còn trong giai đoạn 2019-2020 là 14 chiếc mỗi năm".

Nhưng kế hoạch này hiện giờ cũng bị "đứt gánh". Câu chuyện cũng tương tự như những gì xảy ra với "Armata".

Theo thông tin của tờ báo "Kommersant" (Nga), dự kiến sẽ chỉ có khoảng 12 chiếc T-50 được bàn giao, ít hơn 5 lần so với những gì được nêu trong chương trình quốc gia.

Hạm đội hải quân

Ngay từ đầu đã rõ rằng nếu như ngân sách quốc phòng bị cắt giảm thì các thuỷ thủ sẽ chịu thiệt nhất. Quá trình thiết kế và đóng mới các tàu chiến luôn kéo dài hơn thời gian chế tạo những loại vũ khí khác. Và điều đó đã xảy ra. Trong tháng 9 vừa rồi đã xuất hiện thông tin về việc 3 dự án lớn của hải quân thay đổi kế hoạch.

Dự án thứ nhất: Chiếc tàu đổ bộ hạng nặng với nhiều thăng trầm "Ivan Gren" (dự án 11711) được đóng tại Kaliningrad từ năm 2004 đang tiến hành chạy thử. Dự kiến, nó phải được bàn giao cho hải quân vào nửa đầu năm 2016 nhưng theo thông tin mới nhất, thời hạn đã lùi sang năm 2017.

Những vũ khí quân đội Nga đang phải chờ dài cổ vì... túng tiền - Ảnh 4.

Thiết kế tàu đổ bộ lớp Ivan Gren.

Cùng thời điểm, chiếc tàu đổ bộ hạng nặng thứ hai – "Peter Morgunov", bắt đầu được triển khai đóng. Và dự án này sẽ dừng lại ở đây, dù theo kế hoạch sẽ phải có 6 chiếc tàu đổ bộ hạng nặng thuộc dự án 11711 được hạ thuỷ.

Dự án thứ hai: Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa "Kazan" thuộc đề án 885M sẽ không được hạ thuỷ vào cuối năm nay như cam kết. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì có lẽ sẽ vào năm 2017.

Chiếc tàu đầu tiên của dự án 885 lớp Yasen - "Severodvinsk" được bàn giao cho Hạm đội Biển Bắc vào năm 2015. Ban đầu, Nga dự kiến sẽ đóng tối đa 30 chiếc tàu ngầm "Yasen". Tới tháng 6/2014, Tư lệnh Hạm đội Hải quân lúc bấy giờ là Đô đốc Victor Chirkov lại đưa ra một con số hoàn toàn khác – chỉ 8 chiếc.

Những vũ khí quân đội Nga đang phải chờ dài cổ vì... túng tiền - Ảnh 5.

Tàu ngầm Severodvinsk.

Sau nửa năm, bớt đi thêm 1 chiếc nữa. Kế hoạch đóng tổng cộng 7 chiếc tàu ngầm dự án 885 đã được ông Vernigor - người đứng đầu Cục Các đơn đặt hàng quân sự quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Nga xác nhận.

Dự án thứ ba: Tàu chiến dự án 22350 "Đô đốc Golovko". Đây là chiếc tàu thứ ba thuộc dự án này, 2 chiếc đầu là "Đô đốc Gorshkov" và "Đô đốc Kasatonov". Theo kế hoạch, "Đô đốc Golovko" sẽ được hạ thuỷ tại Saint Peterburg vào cuối năm nay nhưng kế hoạch đã bị hoãn, tối thiểu khoảng 1 năm.

Kết luận

Những thông tin liệt kê ở trên sẽ không chỉ khiến giới quân đội lo ngại. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn chưa nhìn thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm" dài đằng đẵng trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Nga.

Điều đó có nghĩa là trong tương lai, các đơn đặt hàng quốc phòng có thể sẽ tiếp tục tình trạng hết sức quen thuộc – "đứt gánh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại