Trao đổi với tạp chí IHS Jane's trong khuôn khổ triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ châu Phi (được tổ chức tại Nam Phi vào tuần thứ 2 của tháng 9 năm nay), một quan chức cấp cao thuộc Tổ chức xúc tiến xuất khẩu quốc phòng (DEPO) của Pakistan tiết lộ rằng:
Nước này và Nigeria đã ký kết một bản ghi nhớ về việc cung cấp các máy bay chiến đấu đa nhiệm JF-17. Hai phía dự kiến sẽ ký hợp đồng chính thức vào tháng 11 năm nay.
IHS Jane's cho biết, trong ngân sách liên bang năm 2016, Nigeria dự tính phân bổ khoảng 25 triệu USD để mua 3 tiêm kích JF-17 và khoảng 9 triệu USD để mua 10 máy bay huấn luyện Super Mushshak - phiên bản của mẫu Saab MFI-17 Supporter (Thụy Điển), do Tổ hợp hàng không Pakistan (PAC) chế tạo theo giấy phép.
Tiêm kích JF-17
Theo tạp chí Diplomat, đây là thỏa thuận JF-17 đầu tiên có dấu hiệu chính thức nhưng không rõ đây có phải là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của mẫu máy bay này hay không, bởi vào năm ngoái, có thông tin Myanmar đã đặt hàng Trung Quốc 1 phi đội JF-17.
Từ năm 2015-2016, mỗi khi được phóng viên hỏi, các quan chức Pakistan đều tuyên bố nước này đã ký hợp đồng với một quốc gia châu Á nhưng không tiết lộ danh tính.
Những đồn đoán đầu tiên về thỏa thuận JF-17 giữa Trung Quốc-Myanmar xuất hiện vào tháng 6/2014. Khi đó, Diplomat nhận định rằng, Myanmar là khách hàng lý tưởng đối với mẫu máy bay này.
"Mặc dù chưa được xác nhận nhưng thông tin đó rất hợp lý. Myanmar đã và đang vận hành một số lượng lớn máy bay do Trung Quốc chế tạo, bao gồm: 48 chiến đấu cơ NAMC A-5C, 52 chiếc F-7M, cùng 4 máy bay vận tải hạng trung Y-8. Gần đây, Không quân nước này còn mua máy bay không người lái Sky 02A từ Trung Quốc và chế tạo bản sao nội địa.
Đáng chú ý nhất, còn có thông tin Myanmar đang vận hành từ 4-10 máy bay huấn luyện - chiến đấu Karakorum-8 (JiaoLian-8), cũng do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất" - Diplomat viết.
Song do tới nay, thỏa thuận giữa 2 phía vẫn chưa được xác nhận chính thức nên một số ý kiến cho rằng, các thông báo định kỳ về việc ký kết hợp đồng cung cấp JF-17 có thể chỉ là chiêu trò tinh quái của nhà sản xuất để khiến mẫu máy bay này trở nên hấp dẫn hơn với các quốc gia khác.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 8 năm nay, trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Kuwait, Tư lệnh Không quân Pakistan (PAF) Sohail Aman đã đề xuất khả năng cung cấp cho Kuwait các máy bay chiến đấu JF-17 và máy bay huấn luyện PAC Super Mushshak.
Diplomat nhận định, bất chấp mối quan hệ quân sự hữu hảo giữa Pakistan và Kuwait (trong đó phi công Kuwait tới Pakistan huấn luyện) thì triển vọng cho thương vụ này có vẻ mong manh, do Kuwait gần đây đã đặt hàng 28 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon với tổng giá trị ước tính lên đến 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Diplomat, Pakistan vẫn có thể thành công nếu chào bán phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi JF-17B cho Kuwait (dự kiến được ra mắt vào tháng 4/2017).
JF-17 là máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng nhẹ, một động cơ (sử dụng phiên bản Klimov RD-93 do Trung Quốc sản xuất), có thể đạt đến tốc độ tối đa Mach 1.6 và có phạm vi hoạt động khoảng 1.200km.
Pakistan đã sản xuất tổng cộng 16 máy bay JF-17 trong năm 2015 và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên tới 24 chiếc trong năm 2016. Trong công đoạn chế tạo khung máy bay, Pakistan đảm nhiệm 58% và Trung Quốc 42%.
Theo kế hoạch, JF-17 sẽ thay thế toàn bộ phi đoàn máy bay chiến đấu Dassault Mirage III/5 của PAF vào năm 2020. Tổng cộng, hiện có khoảng 65 chiếc JF-17 trong biên chế của PAF.
Cận cảnh chiến đấu cơ JF-17 của Pakistan